20/12/2014 11:08 GMT+7

Câu chuyện về quyền nhân thân của Ngô Tất Tố

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Công ty Nhã Nam và một số nhà xuất bản có vi phạm quyền nhân thân của tác giả Ngô Tất Tố?

Từ trái qua: Sách Việc làng in năm 1940 được Nhã Nam căn cứ để tái bản, và hai quyển sách của Ngô Tất Tố do Nhã Nam tái bản năm 2014- Ảnh: X.M. - L.Điền

Mấy ngày qua dư luận đã nghe nhiều ý kiến từ phía gia đình nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng Công ty Nhã Nam và một số nhà xuất bản đã vi phạm quyền nhân thân của tác giả Ngô Tất Tố.

Câu chuyện xoay quanh hai đầu sách của nhà văn Ngô Tất Tố được Nhã Nam liên kết với NXB Hội Nhà Văn tái bản trong chương trình thực hiện tủ sách “Việt Nam danh tác” là Lều chõng Việc làng.

Gia đình nhà văn quy buộc - Nhã Nam trả lời

Phía gia đình nhà văn Ngô Tất Tố (do ông Cao Ðắc Ðiểm và bà Ngô Thị Thanh Lịch đại diện) cho rằng “sách Lều chõng vừa tái bản của NXB Hội Nhà Văn (2014) đã cắt bỏ gần 20 chỗ” và “sách Việc làng vừa tái bản của NXB Hội Nhà Văn (2014) đã cắt bỏ hai đoạn”.

Từ những điểm trên, gia đình Ngô Tất Tố cho rằng: “Quyền nhân thân của tác giả đã không được các nhà xuất bản xem trọng đúng mức nên khi tái bản đã nảy sinh nhiều sai lệch ở những mức độ khác nhau, nếu đem đối chiếu với nguyên gốc tác phẩm”.

Quyền nhân thân đề cập ở đây thật ra chỉ là nội dung: quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm thuộc về tác giả (khoản 4, điều 19, Luật sở hữu trí tuệ 2005).

Theo Nhã Nam, mỗi đầu sách trong tủ “Việt Nam danh tác” đều được chi trả 10% tiền tác quyền tính theo giá bìa trên số bản in. Vì nhà văn Ngô Tất Tố đã mất trên 50 năm - là mốc hết thời hạn quyền tài sản, nên khoản 10% tiền tác quyền lẽ ra phải chi trả được trừ vào cấu thành giá sách. Như vậy, bạn đọc sẽ được lợi khi mỗi quyển sách Ngô Tất Tố có giá bìa giảm 10% so với các sách khác.

Tuy nhiên, phía Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn khẳng định họ không vi phạm quyền nhân thân của Ngô Tất Tố.

Với quyển Việc làng, trong khi ông Cao Ðắc Ðiểm khẳng định “sách phóng sự Việc làng in lần đầu năm 1941”, thì Nhã Nam cho biết quyển Việc làng tái bản năm 2014 là in đúng theo bản in năm 1940.

Như vậy, sự lệch nhau nếu có giữa hai bản là không khó hiểu. Nhưng khó hiểu là khi giới sưu tập khẳng định: quyển Việc Làng in thành sách lần đầu là do nhà Mai Lĩnh in năm 1940 chứ Việc làng không có bản nào in năm 1941 cả. Ông Cao Ðắc Ðiểm cũng chưa trưng ra bản gốc thể hiện niên đại này.

Nguyên tác là nguyên tác nào

Những ý kiến về sự toàn vẹn của tác phẩm Ngô Tất Tố bị vi phạm liên quan đến cách hiểu thế nào là “nguyên tác”.

Theo ông Vũ Hoàng Giang - đại diện Công ty Nhã Nam, hai bản Việc làng Lều chõng đáng tin cậy nhất là bản do nhà Mai Lĩnh in vào năm 1940-1941. Bởi vì lúc ấy Ngô Tất Tố còn lui tới nhà Mai Lĩnh, ấn phẩm ra đời lúc này chắc chắn nằm trong tầm kiểm soát của tác giả.

Sau thời điểm này Ngô Tất Tố theo kháng chiến rời Hà Nội, cho nên nếu sau đó có bản in nào ra đời tại Hà Nội hẳn là không có độ tin cậy bằng hai bản in trên. Và Ngô Tất Tố mất năm 1954, nên những bản in tại Sài Gòn từ năm 1954 trở đi thì độ tin cậy càng ít hơn nữa.

Ngoài ra, đến nay cũng không thấy tài liệu nào thể hiện ý kiến của Ngô Tất Tố phủ nhận hai bản in vào các năm 1940-1941 cả.

Thế nhưng, phía gia đình Ngô Tất Tố có cách hiểu khác về nguyên tác. Theo ông Cao Ðắc Ðiểm, nguyên tác phải là bản sách có bổ sung những chỗ bị kiểm duyệt cắt bỏ trong lần in năm 1940-1941. Không những thế, ông Ðiểm cũng cho rằng bản sách in năm 1940-1941 không có những đoạn trước đó in trên báo.

Và nguyên tác là phải bổ sung cả những đoạn in trên báo trước kia. Chính cách hiểu này mà ông Cao Ðắc Ðiểm đã cáo buộc Nhã Nam trong bản in Lều chõng năm 2014 đã “cắt bỏ gần 20 chỗ”.

Nhưng đó là lấy sách Lều chõng in năm 2014 so với bản in trên báo trước khi Lều chõng in thành sách năm 1941. Còn phía Nhã Nam khẳng định đơn vị này hoàn toàn không cắt đoạn nào so với bản Lều chõng năm 1941.

Ở điểm này, GS.TS luật sư Nguyễn Vân Nam cho rằng bản in năm 1940-1941 của Ngô Tất Tố là tác phẩm đã được sự đồng ý của tác giả, vì vậy việc in lại y như thế thì không vi phạm quyền nhân thân.

Như vậy, khi một tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản thì việc tái bản thuộc về công chúng, nhưng vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm vẫn là một nội dung thuộc quyền tác giả và cần bảo hộ.

Ở đây, luật sư Vân Nam cho biết thêm: “Nếu in lại mà có bổ sung những đoạn kiểm duyệt đã bị cắt cũng không phải vi phạm quyền nhân thân, vì bản thân tác phẩm đó là như vậy, nhưng do điều kiện xuất bản bị kiểm duyệt cắt mất một vài đoạn ngoài ý muốn của tác giả, nên việc bổ sung những đoạn đó không phải là vi phạm gì cả. Nhưng nếu có những đoạn bỏ đi đã được tác giả cho biết rằng ông không muốn đưa vào tác phẩm, mà người đời sau tự ý đưa vào, như vậy là vi phạm quyền nhân thân của tác giả”.      

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên