13/11/2014 10:11 GMT+7

Vàng mã tràn lan: phải loại bỏ ấu trĩ, mê tín

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Nhiều ý kiến cảnh báo mạnh mẽ tại tọa đàm “Vàng mã - lịch sử và những vấn đề quan tâm hiện nay” do ủy ban MTTQ VN TP Huế tổ chức ngày 12-11 tại TP Huế.

Đốt rất nhiều vàng mã trong các dịp cúng tế trở thành thói quen của nhiều người VN hiện nay - Ảnh: Thái Lộc
Bây giờ đã đến lúc ta phải mạnh dạn đánh giá lại việc này. Cái gì lạc hậu của Trung Quốc mà ta bắt chước thì phải gạt bỏ
Nhà nghiên cứu văn hóa TRẦN ĐẠI VINH

Các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa và chức sắc tôn giáo chỉ rõ hiện tượng đốt vàng mã là mê tín dị đoan, và có xu hướng tiếp tục gia tăng đến mức cuồng tín.

Ấu trĩ, mê tín, phải loại bỏ

TS Trần Ðình Hằng - trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật VN tại Huế - cho rằng tục đốt vàng mã có từ nghi lễ hiến sinh cổ xưa: vật hiến ban đầu là con người (hài đồng, trinh nữ), tiếp đến là loài vật (voi, trâu, dê, heo, gà) và cuối cùng là vàng mã.

Nhà sư Viên Chiếu (Huế) cho hay đốt vàng mã với ý nghĩa cung cấp cho người đã khuất những vật dụng cần thiết để sử dụng hằng ngày ở cõi âm như lúc còn sống.

Theo ông: “Có thể khẳng định rằng toàn bộ kinh tạng Phật giáo không hề nói gì về tục đốt vàng mã, nhưng có đề cập đến hình nhân và thiêu đốt hình nhân trong lĩnh vực huyền học Phật giáo mà cụ thể là Mật tông hay Chân Ngôn tông”.

Thượng tọa Thích Huệ Phước (Huế) cho rằng tục đốt vàng mã không phải là văn hóa dân tộc VN và càng không phù hợp với tinh thần Phật giáo. “Bởi lẽ đạo Phật là con đường của trí tuệ giác ngộ giải thoát, không có bóng dáng mê tín”.

Có thể đánh thuế

Ông Nguyễn Đăng Thạnh - phó chủ tịch UBND TP Huế - cho biết ngoài tăng cường tuyên truyền vận động, chính quyền tỉnh và TP Huế sắp tới có thể dùng biện pháp đánh thuế để quản lý nạn đốt, rải vàng mã đang nở rộ ở Huế.

Nhận diện rõ hơn, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ðại Vinh (phó chủ tịch ủy ban MTTQ VN TP Huế) chỉ rõ tục đốt vàng mã có cội nguồn từ sự ấu trĩ, mê tín của đạo giáo Trung Quốc, không phải là tinh túy tư tưởng hay tâm linh gì cả.

Theo ông Vinh, sau khi bị đô hộ hơn 1.000 năm, các vương triều VN đã chủ động tiếp nhận tam giáo để xây dựng nền tảng văn hóa của VN.

Họ không chọn lựa những yếu tố dân chủ, khai phóng mà chọn những yếu tố mê tín, thần quyền, ngu dân để bảo đảm sự tồn tại của ngai vàng.

Ông Vinh nhấn mạnh đến những trí tuệ siêu việt trong phong trào Duy Tân như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng đã mạnh dạn tìm đến tư tưởng dân chủ tư sản của phương Tây, mạnh dạn bài trừ dị đoan, gồm cả tục đốt và rải vàng mã trên đường.

Ông Vinh cũng nhắc đến những giai đoạn lịch sử ở VN gần như không có sự tồn tại của nạn mê tín dị đoan hay vàng mã. Thế nhưng, theo ông Vinh, vấn nạn mê tín dị đoan, đốt rải vàng mã đã bùng phát kể từ khi mở cửa kinh tế, từ những thương nhân, cán bộ giàu to đi cầu cạnh đủ thứ thần thánh để bảo vệ sự giàu lên bất chính của mình.

“Bây giờ đã đến lúc ta phải mạnh dạn đánh giá lại việc này. Cái gì lạc hậu của Trung Quốc mà ta bắt chước thì phải gạt bỏ” - ông Vinh nhấn mạnh.

Phải bắt đầu từ đảng viên

Ông Hoàng Viết Thắng - chủ tịch ủy ban MTTQ VN TP Huế - cho rằng đến nay tục đốt vàng mã không chỉ dừng lại ở mức dùng vật thế/mượn nhằm cầu nguyện, mà đang trở thành vật thông linh để “xin” thật nhiều lợi lộc từ đấng vô hình.

Không chỉ ở cá nhân, gia đình hay làng xã mà cơ quan, doanh nghiệp cũng sử dụng vàng mã với mức độ ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống và sự bình an của mọi người. Ngoài ra, phần lớn dân chúng cũng hiểu không đúng bản chất của việc sử dụng vàng mã, thấy xưa làm thì làm theo.

Theo nhà nghiên cứu Bửu Ý, người Huế đốt vàng mã ngày càng nhiều nhưng không trầm trọng bằng ở Hà Nội hay TP.HCM. Việc hạn chế cũng cần thiết, song nên cân nhắc quan điểm bỏ hẳn, triệt tiêu bởi việc này rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người đang sống.

Linh mục Trần Văn Quý (Huế) cho hay trong Công giáo không có tục đốt vàng mã. Tục này trở nên nở rộ là do quyền của chính quyền chưa được thực thi đầy đủ.

Ông cho rằng nên soạn thảo tài liệu giải thích sự thật về việc đốt, rải vàng mã để phát cho người dân, cho người dân biết và hành xử đúng mực.

Linh mục Quý cũng đề nghị chính quyền nên kiểm soát các cơ sở sản xuất vàng mã làm sao đừng để tiêu tốn, lãng phí cũng như ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Nguyễn Ðăng Thắng - trưởng Phòng văn hóa thông tin TP Huế - nhận xét: chúng ta thường bắt gặp tình trạng đốt vàng mã tràn lan ở phần lớn lễ hội trong số khoảng 8.000 lễ hội trên cả nước mỗi năm hiện nay.

Ông Thắng cho biết Thành hội phụ nữ Huế từng vận động hội viên đốt vàng mã trong thùng để tro tàn khỏi bay ra môi trường, nhưng nhiều người cho rằng người âm không hưởng được nên không chịu làm theo.

Theo ông, rất cần nhìn nhận việc này ở rất nhiều góc độ để có hướng quản lý. Ông Thắng cho rằng việc hạn chế tục đốt, rải vàng mã phải nên bắt đầu từ các đảng viên, công chức hay cơ quan nhà nước để làm gương cho nhân dân.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: vàng mã phong tục Huế