12/11/2014 15:11 GMT+7

Trang Thế Hy: "người hiền" trong văn học Nam bộ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Rất đông nhà văn, nhà thơ và người yêu văn chương đến với tọa đàm “Trang Thế Hy - Người hiền trong văn học Nam bộ” do NXB Trẻ tổ chức sáng 12-11 tại TP.HCM.

Bạn đọc Đường Thị Ái Hoa kể về lúc đến với truyện Trang Thế Hy từ tuổi tiểu học - Ảnh: L.Điền
Nhà báo Ngô Thị Kim Cúc tâm sự về những kỷ niệm với nhà văn Trang Thế Hy - Ảnh: L.Điền

“Một nhà văn đã thôi viết 20 năm nay, mà khi tổ chức tọa đàm về ông, người ta đến đông đủ như thế này thì thật vinh hạnh”, nhà thơ Cao Xuân Sơn đã thốt lên như vậy.

Tọa đàm như một dịp gặp nhau giữa những người yêu mến nhà văn Trang Thế Hy để ôn lại những kỷ niệm về ông, lý thú hơn là cùng tâm sự những gì mỗi người nắm bắt được từ ông. 

Đạo diễn Lê Văn Duy nhớ lại thế hệ của ông đọc văn Trang Thế Hy từ báo chí Sài Gòn hồi trước năm 1975: Nhân Loại, Bách Khoa, Ngày Mới, Vui Sống… Khi đó Trang Thế Hy là một trong những nhà văn được bạn đọc yêu thích nhất.

Và điều nhớ nhất của đạo diễn Lê Văn Duy về Trang Thế Hy là các tích lũy từ sinh hoạt, cá tính, hoàn cảnh sống cơ cực của tầng lớp nghèo. “Cái vốn sống đó được đưa lên trang giấy rất sinh động nhờ kho từ ngữ dân gian khá dồi dào. Những “Sông dài cá lội biệt tăm” và “Trồng hường bẻ lá che hường” mà anh thích chọn làm đề từ cho truyện”, ông nhận định.

Nhà văn, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc xúc động kể về những lần gặp nhà văn Trang Thế Hy ở quê, lúc ông đã “đi chỗ khác chơi”. Chị kể về cái máy hát, chiếc xe đạp, lối nói chuyện dí dỏm mà trí tuệ của ông. “Văn của Trang Thế Hy như thúc vào mình, làm cho mình phải tự vấn nên sống như thế nào cho phải với cuộc đời”.

Cô Đường Thị Ái Hoa, 55 tuổi, kể rằng cô đọc truyện của Trang Thế Hy từ khoảng năm 1966. “Những tác phẩm của ông theo tôi suốt quãng đường đời. Có những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, chính những câu chuyện của ông tôi đã đọc và nhớ lại đã giúp tôi vượt qua".

Đến với văn Trang Thế Hy bằng công việc của người nghiên cứu, GS.TS Huỳnh Như Phương cho rằng nhà văn Trang Thế Hy có ba nét chính:

Một là ông đã giải bài toán về số lượng và chất lượng, “tính trung bình trong đời văn của ông, mỗi ngày ông chỉ viết mấy dòng, nhưng cái chính là ông biết rõ văn chương quan trọng ở chỗ nào”.

Thứ hai, văn của Trang Thế Hy có cái gì đó sang trọng, ông chú trọng đến chất văn trong mỗi sáng tác của mình.

Và cuối cùng, nhà văn Trang Thế Hy đạt được sự thống nhất giữa văn và người. “Tôi nhận thấy có những người tuy khác nhau về nhiều khuynh hướng nhưng đều yêu văn Trang Thế Hy” - ông Huỳnh Như Phương cho rằng chính điểm này cho thấy tầm vóc một nhà văn lớn ở Trang Thế Hy.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận định: “Trang Thế Hy là nhà văn Việt Nam viết nhiều nhất về nghề văn và nhà văn”, và “ông viết không vì danh lợi, mà viết như một cách sống”.

Cũng chính vì chọn cho mình một cách sống “thống nhất” với trang văn, nên Trang Thế Hy quyết định “đi chỗ khác chơi” khi thấy mình không nên “bẹo hình bẹo dáng” trước thế hệ viết trẻ đang lên.

Đó chính là thái độ đáng trọng của người nghệ sĩ. Yên tâm với chọn lựa của mình, nhà văn Trang Thế Hy đang có những năm cuối đời theo kiểu “một người không phải “bị” cuộc sống bỏ quên mà “được” cuộc sống để yên” như lời văn ông viết về một nhân vật trong truyện Sách và chim.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên