Tác phẩm trình diễn của họa sĩ song sinh Thanh - Hải tại New Space Art Foundation. Hoạt động của trung tâm này trong những năm qua khiến đời sống mỹ thuật ở Huế bớt phần yên ắng - Ảnh: THÁI LỘC |
Tác động của công chúng đến sự thay đổi và phát triển của mỹ thuật gần như không có. |
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn |
Đó là lý giải của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ thuật VN, nguyên phó vụ trưởng Vụ văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương - về đời sống mỹ thuật suy trầm, trong đó có thực trạng “đìu hiu” của các cuộc triển lãm (Tuổi Trẻ ngày 29-9).
Tại hai trung tâm nghệ thuật lớn ở Hà Nội, TP.HCM, các triển lãm thường xuyên diễn ra, có khi hằng tuần. Cũng có nhận xét chất lượng triển lãm đang dừng ở mức độ trung bình thôi. Các triển lãm thì đông nhất ở buổi khai mạc, còn những ngày khác thì “vắng như chùa Bà Đanh”.
Điều đó cũng không thể trách được, bởi cho đến lúc này không riêng gì mỹ thuật mà còn một số loại hình nghệ thuật khác cũng không có công chúng.
Bản thân người ta không có nhu cầu đến xem triển lãm nữa, ngoại trừ bạn bè, đồng nghiệp đến xem của nhau. Tác động của công chúng đến sự thay đổi và phát triển của mỹ thuật gần như không có.
Trong khi đó, thị trường tranh thì ế ẩm. Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng hầu hết gallery trong cả nước đang ngủ đông suốt cả bốn mùa, tranh không bán được, thị trường câm tiếng. Bản thân người nước ngoài cũng bắt đầu thờ ơ vì tranh cứ lặp đi lặp lại, không có gì mới.
Mối bức xúc trước tiên, theo tôi, là hình ảnh đẹp đẽ của thời kỳ đầu đổi mới đã bị làm hỏng bởi thị trường tranh giả mà Nhà nước không kiểm soát được. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những thế hệ đi trước, trong đó Bùi Xuân Phái là tác giả bị tranh nhái nhiều nhất. Điều đó hết sức đau lòng.
Nhưng đau lòng hơn là chưa thấy ai trả lời câu hỏi liệu có chấm dứt được vấn nạn này hay không. Trong khi lòng tin bị đánh mất, công chúng đã thờ ơ...
Thật ra, hướng tới hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp hơn luôn là mong mỏi của tất cả nghệ sĩ. Tôi nghĩ lớp trẻ hiện nay đang có những thuận lợi lớn để tự trưởng thành khi chủ động học tập nhằm tìm kiếm, nâng cao chất lượng nghề nghiệp, chất lượng ngôn ngữ, kỹ thuật biểu hiện...
Nhưng điều cực kỳ mỏng hiện nay là vốn liếng nền cốt về văn hóa ở họ. Bản thân đời sống nội tâm, đời sống tâm hồn cũng chưa đủ độ ngấm, độ dưỡng, chưa đủ nền tảng cần thiết để đi vào đời sống xã hội đương đại.
Trong khi đấy mới là nền cốt quan trọng để đi được xa, được bền và đến được những đỉnh cao. Hiện nay nhiều bạn chỉ “khai thác” được một mạch vỉa là hết. Dẫn đến tình trạng kém hấp dẫn ở hình thức nghệ thuật, đơn điệu, lặp đi lặp lại...
Mỹ thuật cho đến bây giờ vẫn chưa có động tác “lật trang”, “xoay bản lề” nào đáng để chờ đợi.
Tôi nhận thấy rằng tín hiệu đời sống mỹ thuật từ các trung tâm nghệ thuật lớn và thông qua triển lãm mỹ thuật ở tám khu vực trong cả nước được lần lượt tổ chức trong tháng 8 vừa qua, hội họa vẫn bình lặng và gần như giậm chân tại chỗ.
Trong khi đó điêu khắc và đồ họa đương đại đang có xu thế phát triển mạnh. Kể cả ở Festival mỹ thuật trẻ 2014 tại Hà Nội cũng vậy, điêu khắc và đồ họa vẫn chiếm ưu thế so với hội họa giá vẽ.
Phải chăng các nghệ sĩ đang trong quá trình đi tìm một cách nhìn khác, một cách nghĩ khác, một tiếng nói khác về hiện thực và sẽ thể hiện sự thay đổi ấy trong thời gian tới?
Lỗ hổng trong giáo dục nghệ thuật Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Lâu nay, chúng ta đã không đào tạo ra công chúng biết thưởng thức nghệ thuật. Trong giáo dục nghệ thuật từ tiểu học, kể cả mẫu giáo trở lên, chưa hướng dẫn được cho các em biết yêu thích cái đẹp, tìm đến cái đẹp, nhu cầu làm quen cũng như thưởng thức nghệ thuật. Mình chỉ dạy vẽ, dạy nhạc ở trường phổ thông như là dạy kỹ năng, mà đó là điều hết sức sai lầm trong nhiều thập kỷ qua. Tôi cho rằng để các em làm quen, tiếp cận với nghệ thuật dân tộc, nghệ thuật thế giới từ nhỏ là điều vô cùng cần thiết. Tập tô màu ở lứa tuổi mẫu giáo hiện nay cũng có. Nhưng hình tô quá đơn giản và không phải là hình đẹp. Nếu thay đổi bằng cách sử dụng những hình nét đẹp dù chỉ là đen trắng từ những tác phẩm của các danh họa thế giới để tập tô màu chẳng hạn, có thể các em chưa hiểu nhưng cảm nhận thị giác về cái đẹp sẽ thành hình một cách vô thức. Việc thu nạp cái đẹp đầu đời như thế rất quan trọng mà lâu nay bị lãng quên. Cho nên chúng ta đang thiếu hẳn các thế hệ công chúng của nghệ thuật. Thiếu sự cộng hưởng từ phía công chúng cũng là một phần lỗ hổng trong hoạt động nghệ thuật hiện nay và cũng là thiệt thòi lớn cho các xu thế phát triển”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận