18/09/2014 07:46 GMT+7

​Đi tìm diện mạo linh vật Việt

VŨ VIẾT TUÂN - LAM ĐIỀN ghi
VŨ VIẾT TUÂN - LAM ĐIỀN ghi

TT - Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của những nhà nghiên cứu, bước đầu đi tìm diện mạo của những linh vật “phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Sư tử đá được chế tác tại làng nghề đá Non Nước, Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá
Sư tử đá được chế tác tại làng nghề đá Non Nước, Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá

LTS: Làm sao phân biệt sư tử đá VN và sư tử “ngoại lai”? Linh vật gì được cho là thuần Việt? Các câu hỏi đó ngày càng cần có lời giải đáp, nhất là khi các làng nghề chuyên chế tác sư tử đá lâm vào cảnh “sống dở chết dở” (Tuổi Trẻ ngày 16 và 17-9).

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của những nhà nghiên cứu, bước đầu đi tìm diện mạo của những linh vật “phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

* Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế:

Con nghê đi suốt chiều dài lịch sử người Việt

Ở Việt Nam có linh vật kiểu Việt như nghê, sấu, sư tử, voi, hổ... và cách tạo hình những linh vật này hoàn toàn khác với sư tử đá Trung Quốc.

Mỗi dân tộc đều có cách thức và nhu cầu sử dụng những con linh vật trong các không gian tín ngưỡng. Hiện nay ngoài hệ thống tứ linh (long, ly, quy, phượng), một trong những linh vật của người Việt là con nghê. Con nghê đã đi suốt chiều dài lịch sử người Việt từ dân gian đến cung đình.

Một trong những văn bia quan trọng về sự xuất hiện của con nghê là văn bia thời Lý năm 1090 có tên “Minh Tịnh tự văn bi” ở Thanh Hóa.

Qua sự dịch chuyển văn hóa giữa các tộc người, người Việt đã tiếp thu, học tập và sáng tạo nên một con vật sống động như con nghê. Đó là con vật uy nghiêm, biểu cảm, gần gũi, không hướng đến sự trấn áp hay dọa nạt như sư tử đá Trung Quốc.

Trong tiềm thức văn hóa, mục đích sử dụng sư tử đá Trung Quốc và con nghê truyền thống của người Việt có sự khác nhau.

Sư tử ở Trung Quốc có nhiều loại, nhưng loại chủ yếu đang được chế tác tại các cơ sở ở Việt Nam hiện nay như Ninh Vân, Ninh Bình, Ngũ Hành Sơn... đều được lấy mẫu sư tử Bắc Kinh thuộc về hệ môn thú - tức những thú canh cổng.

Công năng của chúng là để gác vương phủ, lăng mộ, đền đài với mục đích trấn áp, nên kích thước của nó rất cao, to và thường đặt ở phía trước cổng, trước lăng mộ.

Còn con nghê của người Việt có kích thước nhỏ hơn. Nó có hai chức năng, hoặc là hoan hỉ chào đón ở lối vào, hoặc là tạo ra sự thương cảm ở các đền miếu.

Vào thời Nguyễn sau này nó còn có ý nghĩa là con vật soi xét, phân biệt người ngay kẻ gian. Như ở điện Thái Hòa (kinh thành Huế), con nghê dữ dội hơn bình thường. Vì thế, dân gian Việt có câu “làm phượng thì múa, làm nghê thì chầu”.

Hay người ta thường nói là nói cười như nghê là bởi con nghê mang lại niềm vui, sự hoan hỉ cho con người. Vì mục đích tâm linh khác nhau như vậy nên cách tạo hình sư tử Trung Quốc rất dữ tợn: thân hình cơ bắp cuồn cuộn, mắt trợn, răng nanh sắc nhọn.

Để phù hợp với chiều kích văn hóa người Việt, con nghê thường nhỏ hơn sư tử đá Trung Quốc. Người ta không cố tình làm to, vì đặt dưới bệ thấp sẽ tạo sự hài hòa với con người.

Cái đầu của con nghê thường nhìn lên, tạo sự giao cảm với con người chứ không tạo ra sự ngăn cách, thị uy như sư tử Trung Quốc.

Người Việt cũng dùng linh vật sư tử, nhưng có những điểm khác biệt với sư tử Trung Quốc.

Sư tử Việt thường có chữ “vương” trên trán, mình mập, tròn, đầu ngẩng lên, bờm xoắn lên hoặc dựng ra phía sau, động tác mô tả thì đang vươn lên để gầm, miệng ngậm ngọc, thân mình sư tử phủ kín loại vân xoáy, hay còn gọi là hình thức lôi văn.

Vì thế nhiều nơi gọi sư tử đá của người Việt là ông sấm: chùa Thông, chùa Bà Tấm (Hà Nội).

Ở Trung Quốc, tất cả những hình mẫu cổ đều được vẽ ra thành sách vở, làm sách công cụ cho tất cả hoạt động văn hóa và thợ thủ công.  

Còn nước ta không làm việc này, không hề chú trọng đến việc này, nên khi người thợ làm hình mẫu gì đó hoàn toàn dựa vào sách của Trung Quốc

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Phan Cẩm Thượng

* Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức:

Thời nào cũng có sư tử...

Theo tôi biết thì Việt Nam ta thời nào cũng có sư tử. Thời Lý có sư tử Lý, thời Trần có sư tử Trần, và thời Lê, Nguyễn thì có sư tử Lê, Nguyễn. Nhưng sư tử thời Lê, Nguyễn trong dân gian mình quen gọi là con nghê, và thực chất con nghê ấy cũng là một loại sư tử.

Có nhiều người cứ bảo nghê là thuần Việt. Và trở lại con sư tử của các thời thì tính chất cũng giống như sư tử ở Trung Quốc, tức là dùng để trấn ở mộ, trấn ở cửa... nhưng giữa sư tử ta và sư tử Trung Quốc khác nhau ở cách tạo hình.

Trong con mắt nhìn của tôi, cách tạo hình sư tử của ta từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn không thời nào giống nhau và cũng không có thời nào giống hệt như bên Trung Quốc.

Kể cả những con tiêu biểu, có mẫu số chung giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng vẫn có bản sắc riêng của Việt Nam chứ không bị giống Trung Quốc, tất nhiên là có thể Việt Nam có mượn cái nọ cái kia, nhưng đặt trong bàn tay của người thợ Việt Nam, được làm ra từ bàn tay thợ Việt Nam thì mang đậm màu sắc Việt Nam, không sợ lẫn sang cái khác.

Trong văn hóa không thể tìm cái gì thuần Việt theo nghĩa “chỉ có ở Việt Nam”. Có những thứ đúng là chỉ có ở Việt Nam, nhưng nguồn gốc sâu xa thì một linh kiện ở vùng này, một linh kiện khác lại xuất xứ từ vùng khác, và lắp ghép lại thì nó ở Việt Nam.

Tôi thấy hiện đang có một nỗi sợ chung là nỗi sợ giống Trung Quốc, nhưng giống mà ta vẫn có nét riêng của mình thì có gì đáng ngại.

* Họa sĩ - nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Phan Cẩm Thượng:

Cần có sách hướng dẫn cách tạo linh vật Việt

Sư tử đá có ở Việt Nam chủ yếu vào thời Lý (1010 - 1225), hiện còn thấy ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Bà Tấm, chùa Thông...

Có nơi dùng làm bệ tượng Phật, có nơi đặt ở cửa chùa cùng nhiều con vật khác. Những con sư tử thời Lý mang tính trang trí cách điệu, không mang tính tả thực, thường có lưng ngắn, cổ ngắn, đôi khi trông giống như con cóc, có nhiều hoa văn ở đầu và phần đuôi.

Ở Việt Nam, ngoài con chó đá, người Việt rất ít khi bày linh vật gác cổng. Nếu có chỉ là con sấu, con nghê, con rồng nhưng luôn gắn với lan can thềm trước tòa tiền điện của kiến trúc.

Ở Trung Quốc, tất cả những hình mẫu cổ đều được vẽ ra thành sách vở, làm sách công cụ cho tất cả hoạt động văn hóa và thợ thủ công.

Những sách này làm rất chuẩn về mọi mặt, được đồ họa hóa hoàn toàn, tiện sử dụng sao chép bằng tay hay bằng máy.

Còn nước ta không làm việc này, không hề chú trọng đến việc này, nên khi người thợ làm hình mẫu gì đó hoàn toàn dựa vào sách của Trung Quốc. Nên không chỉ có linh vật gác cửa mà còn rất nhiều hình mẫu khác cũng bắt chước của Trung Quốc, như các tượng Phật bà Quan âm bằng đá hay thạch cao trưng bày khắp cả nước bây giờ.

Theo tôi biết, nhiều làng nghề hiện nay sử dụng các hình mẫu trong sách của Trung Quốc để chuyển sang sản xuất. Có thể nói đây là cái lỗi của ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam và sự chú ý quảng bá văn hóa dân tộc trong nước, chỉ nói suông mà không có biện pháp gì cụ thể.

V.V.T. ghi

 

VŨ VIẾT TUÂN - LAM ĐIỀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên