05/08/2012 04:33 GMT+7

Làng tôi và câu chuyện thực trạng xiếc Việt Nam

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TT - Tối 10-8-2012, tại Nhà hát lớn Hà Nội, bảy năm kể từ ngày diễn thử trong buổi ra mắt tại Hà Nội, vở xiếc Làng tôi sẽ quay lại quê nhà sau khi đã chinh phục khán giả trên khắp ba châu lục với hàng trăm buổi diễn.

F3Eclbts.jpgPhóng to
Một cảnh trong vở xiếc Làng tôi - Ảnh do đoàn xiếc cung cấp

Nhân sự kiện này, “Câu chuyện văn hóa” hằng tuần của VTV1 lúc 11g thứ bảy ngày 4-8-2012 đã làm một phóng sự về Làng tôi và những vui buồn xung quanh nó. Câu chuyện về vở xiếc này là một trải nghiệm thú vị cho một cách chọn lựa hướng đi để tìm kiếm khán giả và tìm kiếm chỗ đứng cho chính nghệ thuật xiếc vốn lâu nay ở VN chỉ được coi là các “trò diễn” nhỏ lẻ, vụn vặt, dành cho trẻ em.

Câu chuyện Làng tôi

Làng tôi thuộc thể loại “xiếc mới”. Đạo diễn Tuấn Lê của Làng tôi cho biết: “Xu hướng chung của xiếc trên thế giới là không dàn dựng các tiết mục đơn lẻ nữa mà xây dựng chương trình có ý tưởng, có nội dung rõ ràng hay vở diễn có lớp lang và đưa được thông điệp đến người xem. Diễn viên phải “đa năng”, vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa làm xiếc, ngoài biểu diễn sân khấu còn đóng vai trò như khán giả, nghe nhạc và xem các đồng nghiệp khác diễn...”.

Không gay cấn, không có nhiều nút thắt, Làng tôi mang vẻ đẹp của một công trình kiến trúc bằng tre mà trong đó các nghệ sĩ không ngừng biến hóa, nhào lộn, để tạo nên sự cân bằng và vẻ hoàn mỹ cho tác phẩm. Sân khấu Làng tôi không sặc sỡ dưới ánh đèn màu, chỉ đơn thuần được đánh sáng để nổi bật một màu nâu chàm - sắc nâu quen thuộc và gắn bó với những người nông dân VN. Cảnh phông tĩnh là những màn tre - bao gồm khoảng chục cây tre dài cùng với ống nứa, rổ tre, mõ tre, mành tre, vừa là những đạo cụ mang tính chủ đạo, vừa là chất liệu duy nhất để nghệ sĩ tung hứng và làm xiếc. Sự chuyển động và biến đổi không ngừng của dàn diễn viên 20 người trên những thân tre ấy tạo ra sự tương phản giữa “cái động” và “cái tĩnh”, khiến chúng hòa hợp và tôn lẫn nhau đẹp lên.

Về âm thanh, từ tiếng gà gáy ban mai đến câu ca trong buổi chiều tà, từ tiếng gió rì rào của rặng tre đến tiếng tụng kinh gõ mõ của bậc tu hành, từ câu ca khi mẹ ru con ngủ đến tiếng hò vu vơ của các đôi trai gái trong làng, tiếng chổi quét sân khe khẽ..., tất cả mang đến cho người xem những hồi tưởng và muôn bậc cảm xúc về một khu làng quê yên bình. Phần âm nhạc được khai thác từ chất liệu dân gian quen thuộc nhưng được làm mới với những tiết tấu và giai điệu hiện đại. Người xem sẽ có dịp ngân nga và đánh nhịp theo những làn điệu dân ca, đồng dao, hay trích đoạn của các vở chèo.

Xiếc VN không chỉ có Làng tôi

Nhưng đằng sau thành công hiếm hoi của Làng tôi, vở diễn đã đi lưu diễn qua sáu nước với hàng trăm buổi diễn, là những nỗi buồn của các nghệ sĩ xiếc “bản địa”, đang ngày đêm đối mặt với sự vất vả thiếu thốn, thậm chí nguy hiểm trong khổ luyện, để hi vọng về những đêm diễn đầy ắp tiếng cười và tiếng vỗ tay, không chỉ của các em mà cả người lớn.

Trước ống kính của PV truyền hình, nghệ sĩ xiếc trăn Tạ Toàn Thắng, chàng Thạch Sanh của xiếc VN, cho biết anh đã năm lần bị tai nạn ngay trên sàn, trong đó có lần bị ba con trăn cùng lúc lên cơn hung dữ bất thường quấn chặt khiến anh không thở được, ngất xỉu ngay trên sân khấu và phải cấp cứu, suýt chết. Nghệ sĩ Lê Đức Quang ngậm ngùi: “Tôi vào nghề này đã 20 năm, đi diễn nước ngoài cũng nhiều, giải thưởng trong nước, ngoài nước đủ cả nhưng giờ vẫn hưởng lương nhà nước 3 triệu đồng và nhận thù lao 80.000 đồng/suất diễn”.

Bằng thái độ điềm đạm nhưng đầy xót xa, giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, NSND Vũ Ngoạn Hợp cho biết tỉ lệ thương vong do tai nạn của nghề xiếc ở VN là 40%, gấp 20 lần các ngành nghề khác. Tuổi thọ của nghề cũng thấp, tỉ lệ nghịch với thời gian đào tạo. Rõ ràng, nghề “làm xiếc” ở VN đang là một nghề nguy hiểm và ít được xã hội quan tâm.

Sau đêm diễn đánh dấu sự trở về chính thức vào ngày 10-8, Làng tôi dự kiến được diễn định kỳ hằng tuần từ tháng 4-2013, với tham vọng sẽ trở thành một điểm đến của những người yêu xiếc, và với giá vé chấp nhận được. Với sự hợp tác tốt đẹp giữa Liên đoàn Xiếc VN và các tổ chức quốc tế khác nhau, các nghệ sĩ xiếc VN đang ấp ủ việc dàn dựng một vở xiếc mang âm hưởng cồng chiêng Tây nguyên vào năm 2013, không chỉ là âm nhạc mà còn cả phong cách, hồn cốt đại ngàn và không gian bao la của Tây nguyên hùng vĩ.

Vì thế, càng mong thành công của Làng tôi chỉ là khởi đầu của một chuỗi những thay đổi và thành công tiếp sau đó, cho làng tôi, cho cồng chiêng, cho xiếc, cho khán giả...

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên