14/10/2011 06:01 GMT+7

Tháp đá Cẩm Duệ: Hồn xưa lạc lõng

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TT - Được xây dựng từ thế kỷ 16, tháp đá Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang được tu bổ, phục hồi, nhưng chính công cuộc tu bổ lại khiến tháp đá trở nên lạc lõng, phản cảm...

0tjQKjvo.jpgPhóng to

Tường và cổng tháp đá bị đập phá không thương tiếc - Ảnh: V.Định

Tháp đá Cẩm Duệ vốn rất cổ kính. Tháp có ba tầng, cao hơn 3m, được ghép từ những tấm đá nguyên khối. Bao quanh tháp là hệ thống tường dày khoảng 1m, cao 1,2m, được xây bằng gạch gồ (loại gạch nung riêng dùng xây đền chùa trước đây).

Khi tháp được quan tâm đầu tư, một số hạng mục mới được “vẽ lên” trông rất bắt mắt, nhất là cổng tam quan được dựng trước tháp đá với đủ màu sắc. Trước cổng có đắp hai ông tượng, một ông có khuôn mặt teo tóp, một ông trông rất bặm trợn. Hai ông đều đi giày Tây, tay chống hông. Nhiều người không biết hai ông tượng này là thần giữ đền hay giữ miếu...

Tháp đá Cẩm Duệ là công trình kiến trúc tâm linh thờ ông Lê Am. Ông Lê Am là vị quan thái giám có công trạng với triều đình nhà Lê. Sau khi ông mất, nhà Lê cấp đất xây am tháp ở xã Cẩm Duệ để người dân hương khói. Trải qua bao tao loạn, chiến tranh, tháp đá vẫn được giữ nguyên.

Năm 2006, tháp được xếp hạng di tích văn hóa quốc gia. Năm 2009, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho tiến hành tu bổ, phục hồi tháp đá, đến nay dự án trùng tu gần hoàn thành.

Là người nắm rõ quá trình trùng tu, ông Nguyễn Gia Thư - trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh kiêm nhiệm trưởng ban quản lý các dự án, công trình của sở (hiện có người thay thế) - thừa nhận “cổng tam quan gây phản cảm khi chủ thầu xây dựng dùng sơn màu quá lòe loẹt. Khi nào nghiệm thu sẽ cho sơn lại...”.

Hỏi cổng tam quan ở tháp đá được xây dựng theo lối kiến trúc nào, nếu xây đặt trước một tháp đá cổ có hài hòa, tương xứng không, ông Thư chần chừ không trả lời. Suy nghĩ một lúc, ông nói: “Xây theo cổng tam quan ở nhà thờ Nguyễn Xí (Cương Gián, Nghi Xuân - NV). Việc này lãnh đạo sở đã phê duyệt, bảo tàng và phòng di sản có tham mưu”.

Đi vào cổng tam quan là đến một ngôi nhà xây ba gian. Kèo, cột, rui, mè... đều bằng bêtông, cốt thép được “hóa trang” bằng một loại nước sơn màu gỗ... Ông Nguyễn Đình Khoách, sống cạnh tháp đá, cho biết đó là ngôi nhà được phục dựng dựa theo ngôi nhà ngói bằng gỗ mít và lim trước đây bị tháo dỡ.

Rất mừng trong đợt tu bổ này chỉ có tháp đá là người ta chưa chạm đến. Nhưng cổng tháp, tường bao quanh đã bị đập phá làm lại mà không giữ được nét dấu tích văn hóa xưa. Trước đây người xưa dùng vôi, mật, nhựa cây xây tường, đường mạch trên tường rất mỏng, gạch khít nhau như sắp. Nay để xây tường người ta dùng cát độn ximăng nên những đường mạch quá dày, trông rất thô. Đặc biệt, cổng tháp bị đập phá không thương tiếc và được xây mới hoàn toàn. Bộ long chầu nguyệt trên mái cổng bị đập gãy 3-4 khúc, nay được phục chế vừa thô vừa thiếu hồn...

“Đáng lẽ trùng tu phải giữ nguyên các khối kiến trúc di tích nhưng vì lỡ đập vỡ ra, không lắp lại được. Có đoạn tường tháp chúng tôi bắt chủ thầu làm đi làm lại nhưng không thể trả nguyên trạng được, có lẽ không tìm ra thợ giỏi nên đành chịu...” - ông Thư nói.

Trả lời ý kiến cho rằng đầu tư xây dựng cổng tam quan trước tháp đá cổ gây phản cảm, ông Nguyễn Trí Sơn - trưởng phòng di sản Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh - cho rằng việc xây cổng làm tôn lên vẻ đẹp của tháp...

31DdJ0Nz.jpgPhóng to
Cổng tam quan ở tháp đá Cẩm Duệ nhìn rất lòe loẹt + Ảnh: V.Định
VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên