16/09/2009 05:53 GMT+7

Mắt phố - một góc nhìn khác về Hà Nội

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Câu chuyện xoay quanh không gian phòng khách một gia đình trí thức ở Hà Nội gốc, kể từ khi người con gái thứ hai từ nước Đức trở về sau mười năm bôn ba kiếm sống.

gh8diwKD.jpgPhóng to

Mắt phố đã soi vào những thứ ngụy tạo - “ngụy” văn hóa, “ngụy” nề nếp... - dẫn đến những bi kịch của đời sống riêng và chung - Ảnh: H.Điệp

Vở diễn Mắt phố (đạo diễn: NSND Phạm Thị Thành, kịch bản: Nguyễn Quang Vinh) có sự tham gia của các diễn viên Hoàng Cúc, Hoàng Dũng, Tiến Đạt, Minh Vượng, Tiến Minh và tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội. Vở chính thức ra mắt khán giả Hà Nội vào tối 16-9 tại rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Hoàn Kiếm); 25-9 sẽ ra mắt khán giả TP.HCM và tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Những người trong gia đình đón tiếp người xa xứ với rất nhiều tâm trạng. Cô giúp việc thì háo hức vì không biết bác Hoàng Quyên là người thế nào, “chắc bác ấy xinh lắm”. Người con trai thứ ba (Dũng) thì sốt ruột vì mong mỏi gặp lại người chị tảo tần đã nuôi mình và gia đình trong suốt bao năm.

Người em út (Tráng) lại có sự chuẩn bị hoành tráng bằng cả một tấm băngrôn được viết bằng tiếng Anh để chào mừng chị trở về nhà, đề xuất cả nhà đặt tay lên ngực hát vang bài Người Hà Nội khi Hoàng Quyên bước chân vào phòng khách.

Bà chị cả (Lan) thì vẫn đi bán bánh cuốn buổi sáng và mong mỏi sẽ thết đãi người em gái món bánh do chính tay mình làm... Chỉ ông bố là không lộ vẻ sốt ruột hay vui mừng, mà ông lo: con gái về, nhìn ngôi nhà thế này không biết có còn cười được nữa hay không?

Và điều lo lắng của ông đã thành hiện thực khi Hoàng Quyên kéo chiếc vali vào phòng khách trước tiếng hát xen lẫn tiếng cười khúc khích. Rất vui mừng khi gặp lại gia đình và các em, nhưng niềm vui của Hoàng Quyên không kéo dài được mấy phút khi chị nhìn thấy ngôi nhà đã bị chia năm xẻ bảy, không còn dấu tích của ngôi nhà cổ.

Cả vở kịch được bắt đầu bằng sự sốt sắng và tiếp nối là những toan tính của mỗi người, nhất là Hoàng Quyên và cậu em út Tráng. Họ đều tỏ ra là vì gia đình, vì ngôi nhà cổ kính nhưng thật ra đều đang sắp sẵn một âm mưu. Bi kịch được đẩy đến tận cùng khi mọi chuyện cứ vỡ ra từng chút. Sau vẻ bề ngoài nồng thắm, người xem nhận ra nhiều thứ “ngụy”: “ngụy” văn hóa, “ngụy” gia phong, “ngụy” nề nếp, “ngụy” cổ...

Trái ngược với những gì người xem vẫn thường đoán được ở các vở kịch ở VN, trong Mắt phố, người xem đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác. Đây chính là điểm hấp dẫn của vở kịch đối với người dàn dựng và là động lực để khán giả theo dõi đến cùng vở diễn, cho dù cái “cùng” ấy cũng không đẩy đến đầu đến đũa trách nhiệm của công lý.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên