Phóng to |
Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) -Ảnh: TTXVN |
1. Vào khoảng cuối năm 1284 đầu 1285, sau khi cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất diễn ra chỉ chừng mươi ngày, mặt trận Khâu Cấp - Nội Bàng đã tan vỡ và đại quân Trần phải lùi về Vạn Kiếp. Trên con thuyền chạy ra Hải Ðông nhằm tránh mũi dùi tấn công của giặc, giữa lúc quần thần không khỏi hoang mang, Trần Nhân Tông đã viết vào đuôi thuyền hai câu:
Cối Kê cựu sự quân tu ký Hoan Diễn do tồn thập vạn binh
(Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớHoan, Diễn còn kia mười vạn quân).
Hai câu thơ, có lẽ chỉ nhằm trấn an những bề tôi nào đó cùng đi trên thuyền, nhưng đã lan truyền rất nhanh như một thông điệp về tinh thần tự chủ kỳ lạ của người đứng đầu xã tắc. 1.000 quân còn lại trên núi Cối Kê của Việt Vương Câu Tiễn ở thời Chiến quốc, ngỡ bị quân Ngô dồn đến chân tường, vậy mà về sau đã lại dấy lên, đánh bại đội quân hùng mạnh của nước Ngô. Gợi một điển tích cũ để bày tỏ niềm tin vững chắc của mình vào triển vọng của đất nước lúc bấy giờ, trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc, đồng thời Trần Nhân Tông cũng nhắc người nghe đừng quên thực tế là vùng hậu phương Thanh - Nghệ lực lượng hiện vẫn chưa suy suyển.
Nhưng còn quan trọng hơn là cái dung lượng triết lý mà câu nói của ông chứa đựng. Với hình thức thi ca chứ không phải chiếu lệnh, Trần Nhân Tông như muốn truyền vào người tiếp nhận cùng lúc nguồn cảm hứng lãng mạn của một thi nhân và con mắt nhìn động của một triết nhân, để họ nhận rõ xu thế chuyển hóa bên trong của hiện thực rối bời trước mắt.
Một sự kiện Cối Kê sẽ được lặp lại trong cuộc chiến đấu tưởng như rất bất lợi nhưng lại đang diễn ra trên mảnh đất mà chính dân Nam mới đích thực là người chủ, còn kẻ địch chỉ là "bất tốc chi khách" - ông khách không mời mà đến, điều ấy cả ông và Trần Quốc Tuấn đều đã lường thấy. Có điều, nếu Trần Quốc Tuấn bày tỏ sự thấy bằng cái cách của con nhà tướng, đem đầu ra đánh cược với Trần Thánh Tông, thì Trần Nhân Tông lại thể hiện nó bằng tầm bao quát tinh xác tương quan lực lượng trên khắp mọi mặt trận khi đó, cả trước mặt mình và khuất xa sau lưng mình. Chưa nói đến đức bình tĩnh hiếm có, chỉ nội dung của lời thông báo cũng đủ chứng tỏ năng lực một con người lãnh đạo kỳ tài.
Trong mười thế kỷ phong kiến Việt Nam, Trần Nhân Tông là một trong những ông vua giỏi và tài hoa bậc nhất. Lịch sử đã xem ông là vị vua hiền đời Trần, có công lớn trong sự nghiệp trùng hưng đất nước. Văn học sẽ nhớ mãi ông bởi những vần thơ thanh nhã, sâu sắc và không kém hào hùng. |
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mãSơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá Non sông nghìn thuở vững âu vàng).
2. Phải nói, niềm xác tín lịch sử của Trần Nhân Tông có được chính là xuất phát từ cái nhìn hết sức nhân bản đối với người và việc trong thời đại ông. Trong hội nghị tướng lĩnh ở Bình Than năm 1282 mà ông đích thân chủ trì nhằm đối phó với nguy cơ quân Nguyên - Mông gây hấn, vừa bắt gặp chiếc thuyền bán than của Trần Khánh Dư - một tướng tài nhưng cũng lắm tật - lướt qua bên đoàn thuyền chiến, Trần Nhân Tông đã có ngay lệnh chỉ tha tội cho Dư, gọi Dư lại và cho được dự vào hàng tướng soái cầm quân. Thái độ bao dung của vị hoàng đế thật không uổng phí: rồi đây phó tướng Trần Khánh Dư sẽ lập công xuất sắc ở nhiều chiến trận. Thái độ bao dung ấy còn gây một không khí cởi mở trong tầng lớp quý tộc vương hầu, khiến họ càng xích lại gần nhau để toàn tâm toàn ý sống mái với giặc.
Cũng vậy, sau ngày kéo quân khải hoàn về Thăng Long (1288), bắt được một hòm thư biểu của không ít vương hầu quan lại từng vì nao núng mà xin hàng Thoát Hoan, biết tình thế muôn phần gay go của những ngày nước sôi lửa bỏng khiến có lúc xa giá triều đình cũng phải mặc ai nấy chạy; lại cũng thừa hiểu tâm lý con người thường tục ai mà chẳng có chỗ tham sống sợ chết; nên sau khi đã định công khen thưởng, tuân lệnh thượng hoàng Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông liền cho đốt ngay hòm biểu kẻ thù bỏ lại nhằm "giữ yên lòng người". Với hành vi "xé bỏ lý lịch" kiểu đó, dám chắc đây là một thời đại nhân hậu vượt lên mọi luật lệ khuôn phép, mà tính đến tận hôm nay có dễ cũng là một thời đại có một không hai.
Người động viên tài trí cả nước Trần Nhân Tông lên ngôi năm 1278, lúc mới 20 tuổi. Nhà Trần lúc này đã bước vào thời kỳ ổn định, đất nước hòa bình, nông nghiệp phát triển, luật pháp thi cử học hành đều đã vào nề nếp… Một thời kỳ thịnh trị bắt đầu. Song khó khăn đối với ông vua trẻ lại là áp lực dồn tới từ phương Bắc. Nhà Nguyên đã diệt xong nước Tống, bắt đầu tính đến Việt Nam, thường xuyên gây sức ép và cuối cùng là hai cuộc xâm lăng năm 1285 và 1288. Chưa đầy năm năm phải đương đầu với hai trận tấn công ồ ạt của giặc mạnh có đủ quân thủy, quân bộ, quân kỵ và mỗi lần con số đều không dưới 50 vạn không phải là việc dễ, trong khi phần lớn thế giới từ Âu sang Á lúc ấy đều đã bị khuất phục nhanh chóng dưới vó ngựa đạo quân Mông Cổ cực kỳ thiện chiến và hung hãn này. Song Trần Nhân Tông đã cố kết được lòng dân, phát huy được năng lực của các tướng, động viên được tài trí của cả nước đánh thắng giặc, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập cho nước nhà. |
Không chỉ có thế. Chính trong những tháng ngày bôn ba đánh giặc, Trần Nhân Tông còn nhận chân ra một sự thật: chỉ ở những đám người "chân đất" mới thật giàu phẩm chất trung thành tận tụy mà không chút tính toán so đo. Hộ vệ ông đến cùng chính là "bọn ấy" và cũng chính ông được "bọn ấy" dâng cơm hẩm trên con đường rút chạy phải nhịn đói từ sáng đến chiều.
Nhận thức về cái cao quý của người nghèo hèn đã in sâu vào trực giác của ông nên sau này trở lại ngai vàng, hễ mỗi lần gặp gia đồng của các vương hầu ông đều ân cần thăm hỏi, khi trị tội những kẻ đã cam tâm làm tay sai cho giặc, ông chủ trương "chỉ lính tráng và dân thường là được miễn tội chết" (Ðại Việt sử ký toàn thư). Ông cũng đem những điều chiêm nghiệm đã đúc thành chân lý ra dụ bảo bề tôi: "Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, nhưng khi quốc gia hoạn nạn chỉ có bọn chúng là có mặt" (Ðại Việt sử ký toàn thư). Ðấy hẳn là một nhận thức cơ bản trong ý thức Trần Nhân Tông, có vị trí cao hơn mọi tư tưởng cao siêu nào hết, làm nên bệ đỡ cho cả một thời đại nói như Trần Quốc Tuấn: "vua tôi chung sức đồng lòng".
3. Ðối với phần cuối cuộc đời ông vua anh hùng, kể từ sau năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con lên giữ chức thượng hoàng, rồi vài năm sau ông chính thức xuất gia, trở thành vị tổ thứ nhất dòng thiền Trúc Lâm, vào tu hạnh đầu đà ở Yên Tử cho đến khi viên tịch, đã có nhiều cách lý giải khác nhau của hậu thế. Ngô Sĩ Liên thì cho là ông đã "đi tìm siêu thoát", trái với đạo Trung dung của Khổng Mạnh (Ðại Việt sử ký toàn thư).
Tăng Hải Hòa tức Nguyễn Ðăng Sở ở thế kỷ 18 lại liên tưởng xa hơn, rằng thực chất Trần Nhân Tông tìm lên Yên Tử là để chọn một vọng gác tiền tiêu bao quát vùng đông bắc. Bởi tuy "trong nước vô sự nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm... Cho nên nhằm được ngọn Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị vô lượng lực đại thế chí bồ tát" (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh).
Thoạt nhìn, cả hai lời giải đáp trái ngược nhau xem ra đều có những mặt hữu lý. Tuy nhiên, xét từ phương pháp tư tưởng, cả Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Ðăng Sở lại cùng chung một nhầm lẫn là chỉ thuần dựa trên những hệ quy chiếu chủ quan, không để ý gì đến tiến trình tư tưởng nội tại của vị hoàng đế nhà Trần. Việc Trần Nhân Tông xuất gia vốn là sở nguyện của cả đời ông, phát lộ ngay từ còn trẻ. Ông không bao giờ quên cảnh giác với mưu ma chước quỷ của thiên triều, chắc chắn là thế nhưng thiết tưởng ông cần gì làm cái chuyện khoác áo cà sa để giấu giếm những hoạt động "tình báo" trên đất mình.
Cách giải thích "chính trị hóa" của Nguyễn Ðăng Sở vì thế khó có thể chấp nhận. Song Trần Nhân Tông đi tu phải chăng là đi tìm siêu thoát? Không! Nếu chỉ tìm đường siêu thoát cớ sao đã đi tu ông còn triệu tập quần thần về Thiên Trường định bàn chuyện phế lập khi bắt gặp Trần Anh Tông say rượu bỏ bê chính sự (1299)? Hoặc giả, sau khi vân du nhiều vùng miền trong nước, ông còn sang tận Chiêm Thành trong chín tháng trời, xem xét tình hình nước Chiêm và bàn chuyện tác hợp Huyền Trân công chúa với vua Chiêm Chế Mân (1301)?...
Chỉ có thể làm sáng tỏ những mắc mớ như trên khi ta đặt Trần Nhân Tông vào trong cùng chuỗi cả một hệ phái thiền mang nặng cảm thức nhập thế của Việt Nam. Trước Trần Nhân Tông đến hơn 300 năm, thiền sư Pháp Thuận (915-990) đã từng khuyên vua Lê Ðại Hành: "Vô vi trên điện gác / Chốn chốn tắt đao binh". Vô vi, trong nghĩa từ nguyên của thuật ngữ, không phải là không làm gì mà trái lại, làm bất cứ việc gì thuận theo quy luật tự nhiên, hay nói như vua Lý Nhân Tông khuyên thiền sư Mãn Giác (1052-1096): "Không việc gì không làm, chẳng những đắc lực về thiền định mà cũng có công giúp đỡ nhà nước" (Thiền uyển tập anh). Kế thừa người đi trước, Trần Nhân Tông đã đề xuất phương châm "cư trần lạc đạo" - ở giữa cõi trần mà vui đạo, cũng là một khái niệm vô vi được vận dụng cụ thể hóa trong bối cảnh lịch sử phức tạp và vĩ đại buổi thịnh Trần.
Và nhà vua đã bỏ hai phần ba cuộc đời giữ trọng trách "vỗ yên dân chúng" chính là thuận theo cái lẽ sống "cư trần lạc đạo" ấy. Cũng như ông nội và thân phụ, trong tư cách một con người lịch sử, ông ý thức được quy luật lịch sử và trách nhiệm trước lịch sử của cá nhân mình. Ông đang thực hiện vô vi ngay trên ngai vàng. Khi ông rời triều đình lên Yên Tử, con người nhập thế tất nhiên vẫn còn (chứ làm sao triệt tiêu ngay được?!).
Tuy vậy, lại cũng bởi là người nắm vững hơn ai hết quy luật sinh lão bệnh tử của tự nhiên, Trần Nhân Tông đã biết cách chủ động truyền trọng trách thế sự lại cho hoàng trưởng tử là Anh Tông kế tục, và mục tiêu vô vi giờ đây là thung dung đi tìm niềm vui của sự "giác ngộ".
Ở Trần Nhân Tông - giờ đây đã mang pháp danh Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà - với niềm khát khao được tỏa sáng trí tuệ theo cách riêng của ông để từ con người vô minh của nhân thế thật sự trở thành một người tự do (Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên / Ðói cứ ăn no, mệt ngủ yên / Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm / Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền - Cư trần lạc đạo phú); nhờ đó ít nhiều ông gầy dựng cho thiền phái Trúc Lâm một cơ sở triết thuyết, nó là nền tảng vũ trụ quan và nhân sinh quan của xã hội thời thịnh Trần. Về phương diện này nữa, gương mặt Trần Nhân Tông cũng phản ánh tầm vóc của một thời đại lớn trong lịch sử.
........................................
Đề nghị công nhận vua Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa thế giới
Theo ban tổ chức đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (vừa diễn ra từ 25 đến 27-11), sẽ có một dự án đệ trình lên Chính phủ kiến nghị UNESCO công nhận vua Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa thế giới.
Phóng to |
Tượng Trần Nhân Tông bằng đá trong vườn tháp Huệ Quang (Hoa Yên, Yên Tử) - Ảnh tư liệu |
Xung quanh thông tin này, ông Nguyễn Quốc Tuấn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (thuộc Viện Khoa học xã hội và nhân văn) - cho biết: “Trước mắt, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Viện Khoa học xã hội và nhân văn và UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ có kiến nghị công nhận vua Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa của quốc gia. Tiến trình của việc này sẽ bắt đầu bằng việc tập hợp các tác phẩm của vua Trần Nhân Tông, chính xác hóa các sử liệu, đánh giá lại di sản ngài để lại về mặt tư tưởng, văn hóa, quân sự, chính trị... Tiến trình của việc này đòi hỏi một sự nỗ lực lớn để không kéo dài đến quá tháng 6-2009 (xem bài trang 14).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận