31/08/2008 10:22 GMT+7

Mỹ thuật Hậu đổi mới Việt Nam tại Singapore

Theo TẤT ĐẠTDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo TẤT ĐẠTDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Với tên gọi “Post-Doi Moi: Vietnamese Art After 1990” (Hậu đổi mới: mỹ thuật Việt Nam sau 1990), cuộc triển lãm 62 tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đương đại được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore từ tháng 5 đến cuối tháng 9-2008 mới bế mạc.

Trước hết là tên gọi, từ “đổi mới” được giữ nguyên và viết hoa thay vì dùng tiếng Anh (renovation), điều này được Joyce Fan, nhà tuyển trạch (curator) của triển lãm, giải thích: “Với các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, đổi mới hàm nghĩa thoải mái, tự do hơn trong biểu đạt nghệ thuật”. Đây cũng là lần đầu tiên tại Singapore, một triển lãm mỹ thuật Việt Nam được chuẩn bị và tổ chức công phu, kéo dài ngày như thế (trên năm tháng).

lZoMZX9u.jpgPhóng to
Tự họa - tranh của Hà Trí Hiếu

Song song với triển lãm này, tại Bảo tàng Văn minh châu Á còn có một triển lãm mang tên “Việt Nam! Từ huyền thoại đến hiện đại”, trưng bày hơn 200 hiện vật được mượn từ nhiều bảo tàng khác nhau tại Việt Nam và từ các sưu tập tư nhân. Ngoài ra, một số gallery tại đảo quốc Sư tử cũng bày tranh Việt Nam để bán dịp này (*).

Theo báo The International Herald Tribune, với nhiều du khách hay người chưa có cơ hội tìm hiểu về mỹ thuật Việt Nam đương đại, hình ảnh thường thấy nhất hiện nay trong tranh Việt Nam là những cô gái mặc áo dài và che nón lá thật thơ mộng, cũng như những phố cổ Hà Nội được lãng mạn hóa bằng màu sắc. Những bức tranh với hình ảnh như thế tràn ngập trong các gallery ở Hà Nội cũng như TP.HCM, nhưng không hề tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam hôm nay. Chính vì thế mà Joyce Fan đi tìm những tác phẩm mà cô cho là tiêu biểu hơn: “Có rất nhiều điều đã và đang xảy ra tại đất nước Việt Nam và tôi muốn giới thiệu tại triển lãm này sự đa dạng của thực tiễn cuộc sống trong 18 năm qua tại Việt Nam (1990-2008)”.

0dT9dcE0.jpgPhóng to
Bảo tàng Mỹ thuật Singapore

Tại sao lại chọn điểm mốc 1990, theo Fan, đó là năm đánh dấu sự ra đời của gallery mỹ thuật mang tính thương mại đầu tiên tại Hà Nội. Tác phẩm tại triển lãm “Post-Doi Moi” đã trải rộng qua ba thế hệ tác giả: thứ nhất là những người sinh vào những năm 1940, đã trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ khi vào tuổi trưởng thành, kế đến là các họa sĩ sinh trong những năm 1950, 1960, những người lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, và cuối cùng là những tác giả trẻ sinh sau thập niên 1970, không hề có chút kinh nghiệm gì về cuộc chiến đã qua.

Theo Nguyễn Quân, họa sĩ đồng thời cũng là nhà nghiên cứu mỹ thuật nổi tiếng, người có tranh trưng bày và cũng là một diễn giả tại cuộc hội thảo được tổ chức bên cạnh triển lãm “Post-Doi Moi”, các nghệ sĩ tạo hình trong thời kỳ đổi mới đã thay các chủ đề, đề tài truyền thống của thời chiến tranh và bao cấp bằng các chủ đề gần gũi hơn của thời bình: tranh của họ mô tả hoa cỏ, cá, thiếu nữ… Còn theo Joyce Fan thì: “Post-Doi Moi là một thời kỳ của tự do biểu đạt, vì vậy có khá nhiều họa sĩ tìm đến tranh tự họa, ở đó họ tìm thấy trạng thái cao nhất của tự biểu hiện. Tranh tự họa còn cho phép họ đưa ra những lời bình về quan điểm nghệ thuật, về những trói buộc của cái cũ nay đã biến mất mau chóng”.

Trừu tượng cũng là một xu hướng mạnh mẽ trong những năm đầu của hội họa “Post-Doi Moi”, bởi đó cũng là cách bày tỏ sự tự biểu hiện và một số tác giả như Bùi Hữu Hùng, Lê Hồng Thái còn làm tranh trừu tượng trên chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam.

Một trong những chủ đề được nhà tuyển trạch làm đậm trong triển lãm này là chủ đề “Hồi tưởng”, ở đó các thế hệ họa sĩ bày tỏ mối liên hệ hay cách nhìn của họ về cuộc chiến tranh đã qua. Các tác giả lớn lên trong thời chiến tranh ác liệt ở miền Bắc thường phải đi sơ tán về nông thôn khi tuổi còn nhỏ, và những ấn tượng về các làng quê nhỏ bé mãi theo đuổi họ, chẳng hạn như họa sĩ Trần Lương với tác phẩm trừu tượng Dưới nước.

eLLqQm0W.jpgPhóng to
Tranh Lòng mẹ của Đỗ Sơn

Trong khi đó, các tác giả lớn tuổi hơn lại hồi nhớ những thời khắc gian khổ và kinh hoàng trong chiến tranh, như Đỗ Sơn với bức Lòng mẹ, thể hiện một bà mẹ già đang cầu nguyện cho những người thân yêu đã mãi mãi không trở về sau chiến tranh. Fan giải thích: “Bức tranh này thật ý nghĩa, vì nếu bạn quan sát những chiếc mũ của người thân bà mẹ trong tranh, bạn sẽ nhận ra họ là những người lính của hai cuộc chiến tranh (chống Pháp và chống Mỹ). Một số tác giả hồi tưởng về cuộc chiến đã qua, nhưng không lộ liễu. Trong nhiều tác phẩm về chiến tranh, tôi tìm thấy chất thơ ca”.

Còn với các đề tài đời sống thường nhật, Joyce Fan nói: “Khi vẽ về phố cổ Hà Nội, các họa sĩ đã phản ánh những đổi thay về xã hội và kinh tế”. Trong tác phẩm sắp đặt Những hóa thạch sống của họa sĩ Vương Văn Thảo, gây được ấn tượng mạnh tại triển lãm, các ngôi nhà cổ của Hà Nội được thể hiện bằng gốm và được bọc trong một lớp nhựa thông trong suốt. Ba mươi sáu ngôi nhà gốm nhỏ tượng trưng cho 36 phố cổ của Hà Nội, đi cùng chúng là những chiếc loa phát những chương trình phát thanh công cộng - một hình ảnh của Hà Nội thập niên 1980. Những ngôi nhà cổ của Vương Văn Thảo giống như những hóa thạch khảo cổ học được tìm thấy.

Ở một góc khác, những tranh sơn dầu vẽ Hà Nội vào thu của họa sĩ Phạm Luận cũng rất được chú ý bởi kỹ thuật già giặn và tác giả đã thể hiện một tình yêu sâu đậm với Hà Nội qua tác phẩm.

Dù các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hôm nay đã có thể bày tỏ thoải mái hơn nhiều so với thời chiến tranh và trước đổi mới, song hầu hết các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Post-Doi Moi” không có bóng dáng của chính trị. Đó là điều rất khác với hội họa Trung Quốc đương đại.

Theo báo The Straits Times của Singapore, hàng vạn người dân đảo quốc và du khách các nước đã đến xem triển lãm “Post-Doi Moi” và các triển lãm khác về Việt Nam.

pEPIWLFf.jpgPhóng to
Tranh của Trần Trọng Vũ
rDLpAGTd.jpgPhóng to
Khu vực trưng bày “Post-Doi Moi”
qLahOG44.jpgPhóng to
Curator Joyce Fan (trái) trong phòng triển lãm

(*) Triển lãm “Post-Doi Moi” là một trong bảy hoạt động nhân kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo TẤT ĐẠTDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên