10/11/2007 03:45 GMT+7

Cuộc chiến sinh tử của phim truyện nhựa

CÁT VŨ
CÁT VŨ

TT - Có lẽ chưa bao giờ danh sách phim truyện nhựa lại làm "mát lòng" ban tổ chức và đem lại sự phấn khích cho giới làm nghề và công chúng yêu điện ảnh VN như ở Liên hoan phim VN sắp diễn ra tại Nam Định lần này.

IJX4f7l7.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Sinh mệnh - Ảnh: Đào Duy Phước
TT - Có lẽ chưa bao giờ danh sách phim truyện nhựa lại làm "mát lòng" ban tổ chức và đem lại sự phấn khích cho giới làm nghề và công chúng yêu điện ảnh VN như ở Liên hoan phim VN sắp diễn ra tại Nam Định lần này.

Không chỉ ở số lượng vượt trội với 25 bộ phim - nhiều nhất so với 14 lần liên hoan phim (LHP) trước - mà còn ở đẳng cấp đáng nể vì không ít phim trong số đó đã được tôn vinh qua nhiều cuộc thi trong nước cũng như trên đấu trường quốc tế, hứa hẹn sẽ diễn ra một cuộc chiến sinh tử ngoạn mục.

Điểm mặt anh hào

Ở Hãng phim Giải Phóng, tuy Chuông reo là bắn (đạo diễn - ĐD Trương Dũng) là bộ phim đem về cơm áo gạo tiền cho anh em trong hãng ở mùa tết vừa qua, nhưng Mùa len trâu (ĐD Nguyễn Võ Nghiêm Minh) mới là ứng viên nặng ký cho chiếc cúp Bông sen vàng lần này. Bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ vì sự hiện diện đầy kịch tính của một đàn trâu nước trên 350 con, mà còn song hành cùng chúng là sự kỳ lạ của những con người chìm nổi trong sự nghiệt ngã của số phận.

Ngay sau việc làm khách trên sân nhà ở LHPVN 14, bộ phim đã được đạo diễn đưa đi chinh chiến khắp nơi trên thế giới, đem về hàng chục giải thưởng và đã được vinh dự trở thành bộ phim VN thứ hai (sau Mùi đu đủ xanh) lọt vào trong số 51 phim chính thức tranh giải Oscar phim nước ngoài hay nhất.

Hãng Phim truyện 1 ra quân rất "oách" với ba bộ phim tiếng tăm lẫy lừng trong hai năm vừa qua. Trong đó, Chuyện của Pao (ĐD Ngô Quang Hải) và Sống trong sợ hãi (ĐD Bùi Thạc Chuyên) đã từng làm mưa làm gió, chia nhau gần hết các hạng mục giải thưởng, đưa hãng này trở thành kẻ độc diễn trong đêm phát giải Cánh diều vàng 2005. Liền sau đó, dắt nhau đi LHP châu Á - Thái Bình Dương, hai bộ phim này lại "ẵm" về hai giải: giải đặc biệt của ban giám khảo cho Sống trong sợ hãi và giải ban giám khảo cho Chuyện của Pao, mặc dù cho đến nay dân trong ngành vẫn còn thắc mắc hỏi nhau về sự khác biệt hơn thua của hai giải thưởng này. Phim Sống trong sợ hãi, vào tháng 4-2006, cũng giành thêm được giải Phim hay nhất dành cho tài năng trẻ tại LHP quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc).

Bộ phim thứ ba - Sinh mệnh - cũng chẳng vừa, giật được giải kịch bản và giải phim hay nhất do các nhà báo Hà Nội bình chọn tại giải Cánh diều vàng 2006, cho dù giờ đây đạo diễn Tất Bình - ông giám đốc hãng, vẫn chép miệng tiếc "giá như biết phim khá thế" đã tìm thêm kinh phí để Sinh mệnh được làm hậu kỳ ở nước ngoài cho phần kỹ thuật bằng anh bằng em.

Với ba phim: Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ, Áo lụa Hà Đông, Hãng phim Phước Sang xem ra muốn tấn công đối thủ bằng chiêu "đá” song phi: nghệ thuật và thương mại. Đẻ mướn và Võ lâm truyền kỳ (ĐD Lê Bảo Trung) qua hai mùa Tết Nguyên đán 2005-2006 đều tỏ rõ vị thế cao thủ trên thương trường với doanh thu dẫn đầu vượt qua con số chục tỉ đồng.

Trong khi đó, Áo lụa Hà Đông (ĐD Lưu Huỳnh) vừa giành một Cánh diều vàng 2006 bên cạnh bộ phim "có yếu tố nước ngoài" Hà Nội, Hà Nội, lại vừa có trong tay các món "hàng độc": phim hay nhất do khán giả bình chọn tại LHP Busan 2006; giải Kodak Vision Award tại LHP quốc tế Fukuoka, Nhật Bản (9-2007) và gần đây là giải Phim nước ngoài hay nhất do khán giả bình chọn tại LHP Kim kê bách hoa, Trung Quốc.

Hãng phim Chánh Phương tuy chỉ có một "quí tử" là Dòng máu anh hùng nhưng chất hành động của phim đạt "đẳng cấp" Hollywood nên cũng đủ làm thiên hạ xanh mặt. Ngoài giải thưởng khán giả tại LHP quốc tế VN ở Mỹ vào đầu năm 2007, bộ phim khi trình chiếu trong nước đã tạo nên một cơn sốt "ngợi ca" của nhiều tầng lớp người xem, bởi vừa làm mãn nhãn với những pha võ thuật đẹp mắt, vừa khơi dậy chất hào hùng, lòng yêu nước vốn tiềm tàng trong dòng máu Việt.

Có vẻ như "lấy thịt đè người" là Hãng phim truyện VN với sáu phim, trong đó cũng có những đặc thù không thể không chú ý. Tỉ như bộ phim Giải phóng Sài Gòn vượt xa các đối thủ về cái khoản biên kịch với một danh sách dài đến năm vị, một điều hình như chưa có tiền lệ, không kể nội dung còn được xem là nổi bật tính chất "chông chênh" giữa hai thể loại: phim truyện và phim tài liệu. Hãng phim truyện VN còn sở hữu ba chàng đạo diễn tuy... người dưng nhưng... giống họ. Đó là Bùi Cường (phim Năm ngày trong đời vị tướng), Bùi Tuấn Dũng (Đường thư và Vũ điệu tử thần), và Bùi Trung Hải (Khi nắng thu về).

Giải thưởng của... mở cửa và hội nhập

Hạng mục phim truyện nhựa ở các LHP quốc gia bao giờ cũng khiến dư luận quan tâm hàng đầu. Bởi giải thưởng không chỉ có ý nghĩa như một sự nhìn lại những giá trị lao động sáng tạo đã qua, mà còn chỉ ra hướng đi mới cho điện ảnh nước nhà trong giai đoạn kế tiếp.

Việc lần đầu tiên trong lịch sử LHP VN có được số lượng 25 bộ phim truyện nhựa là kết quả của chủ trương mở cửa và hội nhập. Cuộc chiến không chỉ "nẩy lửa" trong cuộc cạnh tranh giữa các phim với nhau mà còn có ý nghĩa "sinh tử" trước khán giả. Để tránh thất bại, người ta đã đẩy lùi lại phía sau những phim có giá tỉ đồng cùng với quan niệm liệu cơm gắp mắm, được chăng hay chớ để bước vào cuộc đua ở bậc "triệu đô".

Nếu như nhà quay phim của Mùa len trâu chấp nhận việc nhiều lần suýt bỏ mạng để có được những cú máy dập dềnh theo lưng đàn trâu mùa nước nổi, giúp phim trở thành sứ giả của nét đặc thù văn hóa Việt, được người xem tại các LHP quốc tế thích thú thì ở Áo lụa Hà Đông, nhà sản xuất Phước Sang đã không ngại tốn kém sang tận Hong Kong thuê cho được chiếc máy quay tạo hiệu quả đặc biệt flyingcam với giá 30.000 USD/ngày để ghi hình từ trên sườn đồi cao 500m xuống dòng sông.

Anh em nhà Johnny Trí Nguyễn đang sống yên ổn ở Mỹ rủ nhau về VN bỏ ra cả hơn triệu USD chỉ với mục đích có được một bộ phim đủ sức hội nhập với thế giới. Và Dòng máu anh hùng dù chưa hẳn đã là gì so với các "... wood", nhưng được xem là phim hành động hay nhất của điện ảnh VN. Vì vậy, ở cuộc chiến này dù thắng hay thua thì sự khởi sắc của những bộ phim truyện nhựa lần này đã được coi là một giải thưởng cho hết thảy những người làm nghề của điện ảnh nước nhà.

CÁT VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên