22/04/2007 10:07 GMT+7

Tiếng gọi đò Ca Cút

HỒ SĨ BÌNH
HỒ SĨ BÌNH

TTCT - Ông Hồ Tấn Phan lâu nay được biết đến là một nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của Huế. Mấy năm gần đây, ông lại bước vào lĩnh vực nghiên cứu và sưu tầm cổ vật dưới lòng sông Hương. Gặp lại ông, suốt cả buổi nói chuyện không ngoài đề tài mà ông đang theo đuổi.

E0nQhFGk.jpgPhóng to
TTCT - Ông Hồ Tấn Phan lâu nay được biết đến là một nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của Huế. Mấy năm gần đây, ông lại bước vào lĩnh vực nghiên cứu và sưu tầm cổ vật dưới lòng sông Hương. Gặp lại ông, suốt cả buổi nói chuyện không ngoài đề tài mà ông đang theo đuổi.

Những điều ông nói thường là những khám phá bất ngờ, những phát hiện độc đáo. Tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết khi ông nói về phá Tam Giang, mà theo ông, dựa trên những cổ vật với hàng ngàn tiêu bản được trục vớt dưới lòng sông và trong lòng đầm phá, thì phá Tam Giang chỉ hình thành và xuất hiện vào khoảng 2.000 năm trở lại đây.

So sánh cổ vật vùng cửa biển Thuận An, dưới lòng sông và khu vực đầm phá cho phép ông xác quyết điều đó. Bãi cát dài phân cách giữa đầm phá và biển gọi là Đại Trường Sa, Tiểu Trường Sa được sự bồi đắp hiển lộ do những cơn địa chấn biến thiên trời đất, do triều cường của biển Đông với bờ biển mà có mặt trong khoảng thời gian này.

Tôi cắt ngang giữa chừng và báo cho ông biết là đã có dự án để xây một cái cầu từ đất liền qua vùng cát ngay tại bến đò Ca Cút. Câu chuyện lại xoay quanh cái bến đò mà trong tâm tưởng của những ai từng một lần dừng chân, là hình ảnh thường khơi gợi sự thương tâm nhức buốt.

Những dòng chữ ngắn ngủi trên bản tin thông tấn về chiếc cầu chưa đủ sức làm lay động trái tim của bạn đọc. Bởi đằng sau là một bức tranh nhân sinh lắm nỗi đoạn trường với nhiều điều để suy ngẫm. Hồ tiên sinh là người đã qua lại vùng đầm phá trong những chuyến đi điền dã. Theo ông, cái phải nhắc đến là tiếng gọi đò Ca Cút. Đó là thứ âm thanh đầy thảng thốt được cất lên giữa thời khắc của bóng đêm mà tỏa xuống gieo neo giữa mênh mông vùng sóng nước đầm phá.

Thật sự, tiếng gọi đò rất khủng khiếp bởi nó heo hút mong manh giữa hi vọng rồi thất vọng của những người gọi đò, bờ bên này hay bờ bên kia, sau một ngày kiếm sống trở về nhà, đến bến đã muộn màng. Mạng sống người đi biển luôn bị đe dọa, nên người đi, người đợi chờ luôn cùng chung mong muốn sum vầy; nên chi người ở Ca Cút không nói là gọi đò mà là kêu đò. Từ “kêu” gợi sự hãi hùng ghê gớm lắm...- ông Phan nhấn mạnh.

Khắp cả nước cơ man là bến sông, khó lòng đếm hết tiếng gọi đò bên bến sông, giữa đêm tối ở đâu cũng phập phồng mong ngóng. Nhà thơ Trần Tế Xương từng để lại trong thi ca một tiếng gọi đò thật tê tái: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...

Tiếng kêu đò Ca Cút lại vọng về từ thực tế hoàn cảnh, thân phận lại có một tâm thế éo le hơn nhiều. Mùa đông tôi từng qua vùng đầm phá, những khi ấy mưa lạnh âm u, những ngọn đèn dầu tắt hết trên những chòi cá, cảnh vật thật ảm đạm, thê lương, chợt vẳng lên đâu đó tiếng gọi đò. Có đắm mình trong khung cảnh đó mới thấm thía nỗi buồn của người về muộn sau ngày xuôi ngược.

Cứ theo nghiên cứu của ông Hồ Tấn Phan về sự xuất hiện tầng tầng lớp lớp cổ vật dưới lòng sông Hương và vùng đầm phá cho thấy những vùng dân cư đã tụ tập từ rất sớm, thì chắc chắn tiếng gọi đò Ca Cút cũng ra đời và đồng hành với cuộc sống bươn chải của con người, chí ít là từ 2.000 năm trở lại. Gần hơn, những người Việt cổ đã có mặt từ buổi đầu trên đường Nam tiến cũng đã gần 500 năm. 500 năm với hàng ngàn số phận từ thời này sang thời khác đã trầm luân, thắc thỏm theo một tiếng gọi vọng về từ bên kia sóng nước.

Lan man đủ thứ rồi cũng trở lại chuyện cây cầu. Nếu dự án được thực hiện thì chắc chắn sẽ chấm dứt cảnh gọi đò. Nó sẽ trở thành quá khứ, nói theo cách của nhà nghiên cứu, sẽ trở thành cổ vật, một loại cổ vật phi vật thể chỉ tồn tại trong ký ức con người giữa đôi bờ Ca Cút.

HỒ SĨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên