1.
Khi xưa thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em
Trong số đó, có bao nhiêu người thật sự “anh em”, hay chỉ là “thấy sang bắt quàng làm họ”, tìm đến điếu đóm, nịnh nọt, nhờ cậy? Nhiều người cứ tưởng rằng, nịnh nọt là chuyện dễ ẹt bởi ai lại không thích được nghe những lời “có cánh”? Khen dù trật, vẫn thích; chê dù đúng, vẫn cáu. Tuy nhiên cũng có những trường hợp “gậy ông đập lưng ông”, tưởng được lòng cấp trên nhưng không ngờ “ép phê” ngược.
Tương truyền, ông Đào Tán Hán (1571-1634) quân dưới trướng Trịnh Kiểm, một lần cao hứng, viết thơ ca ngợi:
Trang quốc sĩ, ai bằng Trịnh Kiểm
Trổ thần uy đánh chiếm hai châu
Thẳng đường rong ruổi vó câu
Phò Lê diệt Mạc trước sau một lòng
Lời vàng ý ngọc này, chắc hẳn sẽ làm hài lòng chủ tướng? Không ngờ, Trịnh Kiểm đùng đùng nổi giận, hạch tội “phạm húy”, dám gọi tên sỗ sàng bèn ghép tội “mạo phạm”, sai lính nọc ra đánh 20 roi và đuổi khỏi quân ngũ.
2.
Nhiều cơ quan nhà nước thời buổi này, mối quan hệ gia đình, dòng tộc cực kỳ chồng chéo, chằng chịt. Nhìn qua đâu cũng thấy thân sơ họ hàng “dây mơ rễ má”! Choáng! Mà không phải bây giờ mới có. Thời vua Lê Thái Tổ, trong chiếu, biểu, nhà tư tưởng, văn hóa kiệt xuất Nguyễn Trãi cảnh báo một trong những cái họa mất nước: “Yêu người gần, vị tình riêng. Họ hàng thì người thấp cũng tôn quý, tiểu nhân mà người nịnh cũng tin dùng”.
Tâm lý người Việt: “Một người là quan, cả họ được nhờ”. Nay, cả họ cùng làm quan thì việc nịnh nọt lẫn nhau, lại càng có “đất dụng võ”. Ông cha ta đã nhìn thấy nên mới có luật “hồi tỵ”. Từ điển Hán- Việt của Đào Duy Anh giải thích: “Hồi tỵ là tránh đi. Ví như một người được bổ làm quan đứng đầu ở một địa phương nếu có một người bà con đã là thuộc liêu ở chỗ đó thì người ấy phải tránh đi chỗ khác, thế gọi là hồi tỵ”.
Đại Nam điển lệ từ thời vua Minh Mạng, năm 1831 cho biết thực trạng: “Vì tình riêng làng nước, khó lòng khỏi sự tư túi sinh ra nhiều tệ hại. Vậy từ nay phàm là người ở bản hạt, đều phải cải bổ đi hạt khác”; vua Thiệu Trị qui định: “Trong nha môn có nhiều người là bố vợ, anh em ruột của vợ, chồng chị, chồng em của vợ đều phải hồi tỵ”.
Thế nhưng dù không có quan hệ ruột thịt gì, nhưng nhờ biết nịnh nên không ít người vẫn được sếp tin cậy, dành cho nhiều đặc quyền, đặc lợi… như con cháu trong nhà. Trên bước đường thăng tiến vẻ vang, vinh dự ấy, họ “bật mí” rằng: Bí kíp cực kỳ quan trọng khi nịnh sếp là phải biết dũng cảm… “phê bình” sếp một cách công khai!
Phê bình như thế nào?
Như thế này: Chỉ phê bình những khiếm khuyết vặt vãnh như tính cách ít hòa đồng, cười đùa với cấp dưới… còn những chuyện “quốc gia đại sự” dù biết tỏng mười mươi cũng chớ dại hé răng! Trong binh pháp Tôn Tử gọi là chiến thuật “bắn chỉ thiên”, càng rôm rã càng tốt nhưng không đâu vào đâu, không trúng không trật gì sất. Lại được đồng nghiệp đánh giá là người có tư cách, dám “phản biện”, dám ăn dám nói, chứ không phải loại “theo đóm ăn tàn”, “gió chiều nào xoay chiều ấy”.
Nịnh là cả một “nghệ thuật”, thế nhưng có những bậc hiền nhân quân tử, tài năng, đạo đức sáng ngời như vầng nhật nguyệt, đố ai có thể nịnh nọt, nếu người đó tài cán kém hơn so với người khác. Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Năm 1179, Thái úy Tô Hiến Thành lâm bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, thái hậu đến thăm, hỏi rằng: “Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?”. Hiến Thành trả lời: “Trần Trung Tá có thể thay được”. Thái hậu bèn nói: “Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?”.Hiến Thành trả lời: “Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?”.
3.
Có bài thơ trào phúng nào khái quát được cái sự “siêu nịnh” không? Tất nhiên là có. Bài thơ này, không rõ tác giả là ai nhưng vẫn còn nhiều người thuộc làu:
Một quan nọ đương ngồi chễm chệ
Bỗng vô tình trung tiện nổ ra
Kẻ hầu người hạ trong nhà
Vội vàng nín thở lảng xa phía ngoài
Có tên nọ quen tài nịnh hót
Liền xoa tay ỏn thốt thưa rằng:
“Thật là trung tiện nhà quan
Còn thơm hơn cả muôn ngàn thứ hoa”
Quan nghe nói nghĩ mà lo sợ:
“Trung tiện thường thối tựa xác trương
Rắm ta nay bỗng mà thơm
Ắt là mệnh yểu, khó còn sống lâu”
Biết phật ý, tên hầu vội chữa
Hắn giả vờ, sực nhớ, nói phăng:
“Con nghe sách tướng dạy rằng:
Trước thơm sau thối thọ bằng Thái sơn”
Hắn vội vã khom lưng quỳ gối
Ngửi đít quan, bịt mũi tươi cười:
“Thưa rằng, giờ lại thối rồi
Mừng quan lớn hưởng tuổi trời muôn năm”!
Tuổi Trẻ Cười số 533 ra ngày 15/10/2015. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận