Dệt Thắng Lợi - mô hình "tự cứu" nổi bật trong thập niên 1990 - Ảnh: Nguyễn Đạt |
Quá trình phát triển của đất nước trong 40 năm qua, đặc biệt trong gần 30 năm Đổi mới, xét về mặt thể chế, chính là quá trình xác lập mô hình kinh tế thị trường trong điều kiện chính trị và xã hội VN. Có thể khái quát đó là quá trình đi từ “bung sản xuất” đến “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
"XÉ RÀO" TÌM CHÂN LÝ
Trong bốn thập niên đó, TP.HCM đã thể hiện truyền thống năng động, sáng tạo, không chịu bó tay trước những khó khăn thách thức, có những lúc phải “xé rào” vì sự phát triển của TP và cải thiện dân sinh.
Đường lối đổi mới đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI được xem là bước ngoặt, tiền đề cho nền kinh tế VN hội nhập kinh tế thế giới. Đường lối đổi mới này được Đảng đúc kết từ thực tiễn của cả một quá trình xây dựng phát triển đất nước, trong đó dấu ấn về tư duy quan hệ thị trường, mà cơ sở của nó tồn tại trong đời sống kinh tế TP, thể hiện qua tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, không chịu bó tay trước những trói buộc về thể chế của những nhà lãnh đạo TP đương thời, đã trở thành nhân tố góp phần vào sự thừa nhận quan hệ sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường trong nội dung Đổi mới.
Từ cuối năm 1979, để thoát khỏi tình trạng kinh tế suy thoái, TP.HCM đã chủ động tìm kiếm những biện pháp và hình thức tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất bung ra để thoát dần cơ chế quan liêu, bao cấp. Thành ủy ban hành nghị quyết 9 (tháng 8-1979) khuyến khích các doanh nghiệp (DN) quốc doanh tinh thần tự chủ, tự lực, không trông chờ ỷ lại cấp trên về vật tư nguyên liệu. TP đỡ đầu về trách nhiệm cho một số DN quốc doanh thực hiện “kế hoạch B”, thực chất là tự tìm kiếm nguồn vật tư nguyên liệu, tự sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm (đây là hành vi phạm vào điều cấm của cơ chế quản lý kinh tế lúc đó). Các mô hình “tự cứu” nổi bật như Công ty Bột ngọt miền Nam (Viso), Nhà máy bia Sài Gòn, dệt Thành Công, dệt Phong Phú, dệt Thắng Lợi, cơ khí Caric, Sinco...; đẩy mạnh kế hoạch sản xuất “phụ” ngoài kế hoạch pháp lệnh, sức sống của các DN này là ở phần “phụ” vì nó bắt đầu có hơi thở của thị trường.
Từ đầu thập niên 1980, TP đã mạnh dạn thử nghiệm kế hoạch ba phần (theo các nghị định 25, 26/CP của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ), mở rộng xuất khẩu trực tiếp với vốn tự có để chủ động nhập vật tư nguyên liệu, tự cân đối cho sản xuất của địa phương đồng thời bổ sung cho các DN trung ương trên địa bàn. Đồng thời, chủ động liên kết với các địa phương có sản phẩm nông nghiệp để thực hiện mối quan hệ: công - nông nghiệp - thương mại, tạo ra nông sản phẩm xuất khẩu.
Việc thử nghiệm này đã giúp nhiều xí nghiệp phục hồi sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện, TP có nguồn hàng hóa phục vụ cho mạng lưới thương nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, TP cũng nhận không ít sự phê phán là “làm trái với những nguyên lý quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Nhưng, “bằng thực tiễn sinh động của mình, thành phố phải cố gắng báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ với các đồng chí lãnh đạo cao nhất ở trung ương về hướng đổi mới xuất hiện từ thực tiễn vì chỉ có sự chuyển động từ cấp cao nhất thì mới chuyển động được toàn cục, nếu chỉ một số địa phương làm thì hiệu quả cũng chỉ có ý nghĩa cục bộ, không thống nhất và cũng không xoay chuyển được tình thế” (trích Võ Trần Chí, Bước ngoặt của một chặng đường, TP.HCM 20 năm 1975-1995).
Nhận xét đó vẫn còn nguyên ý nghĩa trong công cuộc đổi mới thể chế kinh tế hiện nay. Chân lý không tồn tại ngoài thực tiễn.
HÌNH THÀNH, HOÀN THIỆN VÀ SÁNG TẠO RA THỂ CHẾ
Thực tiễn đời sống kinh tế TP.HCM từ đầu thập niên 1980 đến nay được xem là nơi hình thành những nhân tố mới đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường của nước ta. Nhưng điểm nổi bật vẫn là thể chế kinh tế, mà nhiều mô hình thí điểm đã trở thành định chế chung của cả nước.
Khi thực tiễn đời sống kinh tế đòi hỏi phải chế định loại hình DN để làm cơ sở pháp lý cho sự ra đời của các chủ thể kinh doanh, năm 1989, UBND TP đã ban hành một quyết định nhằm chế định các loại hình DN như DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý. Đây có thể xem là “luật chơi” đầu tiên ở nước ta để vận hành cơ chế thị trường, bảo đảm tính pháp lý cho các chủ thể kinh doanh. Việc chế định các loại hình DN này diễn ra hai năm trước khi Quốc hội ban hành một đạo luật liên quan.
TP sớm đề ra chiến lược kinh tế hướng vào xuất khẩu, trong điều kiện các chính sách kinh tế và điều kiện hạ tầng kỹ thuật chung chưa bảo đảm, đề xuất trung ương cho thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung. Định chế này sau đó đã được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước.
MẠNH DẠN THÍ ĐIỂM CÁC CHẾ ĐỊNH VẬN HÀNH CỦA THỊ TRƯỜNG
NHỮNG KIẾN NGHỊ • Tiếp tục cho phép TP thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành không còn phù hợp. • Xem xét tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và TP, thực hiện từ năm 2015; trong khi chưa tăng tỉ lệ điều tiết, hằng năm, xem xét tăng nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn; đồng thời ưu tiên các nguồn tài chính để thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải. • Tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho TP trong quản lý hành chính công, tăng tính tự chủ về ngân sách, quyết định một số khoản thu chi, về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, tổ chức, nhân sự; thẩm quyền xử phạt hành chính... phù hợp điều kiện TP. PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN VÀ NHÓM CỘNG TÁC |
Cùng việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và trước tình hình kinh doanh yếu kém của DN nhà nước địa phương, năm 1992, TP.HCM đã đề xuất Chính phủ cho thực hiện thí điểm cổ phần hóa DN nhà nước. DN đầu tiên được thực hiện thí điểm thành công và nay là một công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán (Công ty cơ điện lạnh REE). Đến năm 1997, chủ trương này trở thành chương trình chung của Chính phủ.
Trong điều kiện pháp luật chưa minh bạch và chính sách chưa rõ ràng, TP đã chủ trương thực hiện mô hình đổi đất để xây dựng đường giao thông và xây dựng đô thị mới, điển hình là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Từ thực tiễn của mô hình này, dẫu cần hoàn thiện thêm, việc “đổi đất lấy hạ tầng” được phát triển ở nhiều đô thị khác trong cả nước dưới nhiều hình thức.
Đứng trước tình hình thiếu vốn để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, TP đề xuất trung ương cho thành lập một định chế tài chính của Nhà nước có chức năng huy động các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế nhằm đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thành phố (HIFU) ra đời năm 1997 và đã được nhân rộng trong cả nước. Quỹ thực hiện chức năng “người mở đường cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trọng điểm”, nếu ngân sách TP bỏ ra đầu tư 1 đồng, có thể thu hút các thành phần kinh tế khác đến 60 đồng.
Năm 1995, trước sức ép phải mở rộng một số con đường nhưng không có vốn ngân sách, TP đã xin chủ trương thí điểm phát hành trái phiếu dự án đường Nguyễn Tất Thành - trái phiếu đầu tiên được bảo đảm nguồn vốn trả nợ bằng cơ chế thu phí giao thông. Sau kinh nghiệm này, TP đã xin trung ương cho phát hành trái phiếu đô thị - loại trái phiếu tổng hợp được bảo đảm bằng ngân sách TP. Hình thức này đã được Chính phủ mở rộng cho nhiều địa phương khác, mở ra cơ chế phân cấp về ngân sách đầu tư giữa trung ương và địa phương, tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương trong vấn đề huy động vốn đầu tư, có ý nghĩa lớn ở vấn đề tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương trong lĩnh vực ngân sách...
ĐỔI MỚI CHỨC NĂNG KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC
Sự tham gia chính quyền TP vào điều hành kinh tế vĩ mô không chỉ là sự đóng góp những mô hình cụ thể liên quan đến thể chế kinh tế. Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã góp nhiều giải pháp cùng trung ương trong việc bình ổn giá cả, xử lý những bất ổn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN... Thực tiễn chương trình bình ổn giá cho thấy không nhất thiết Nhà nước phải nắm trong tay nhiều DN nhà nước mới có thể can thiệp vào thị trường, mà thông qua chính sách và thể chế kinh tế cũng có thể can thiệp nhằm ổn định thị trường khi cần.
Khi cơ chế hành chính theo pháp luật hiện hành, đặc biệt mô hình tổ chức hành chính các tỉnh, TP biểu lộ sự bất cập giữa các quy định với thực tiễn yêu cầu phát triển, từ năm 1995, được Chính phủ cho phép, TP đã triển khai mô hình “một cửa, một dấu” ở một số quận, huyện, sau đó phát triển thành cơ chế “một cửa liên thông”, nâng cao rõ rệt chất lượng về công vụ. Từ năm 2007, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, TP đã nghiên cứu đề án thí điểm chính quyền đô thị, nội dung cơ bản liên quan đến tổ chức lại bộ máy hành chính của chính quyền địa phương, thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chủ động của chính quyền cơ sở, thí điểm tổ chức cơ quan chính quyền, cấp chính quyền.
Một khi chính sách, pháp luật không bắt kịp cuộc sống và không phản ánh được cuộc sống, thì phát huy sự năng động, sáng tạo của người dân, của chính quyền địa phương để làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh chính sách, pháp luật là rất cần thiết. Xây dựng thể chế kinh tế thị trường của nước ta là một quá trình lâu dài, gắn với quá trình phát triển của đất nước, nên chắc chắn TP.HCM vẫn còn nhiều “dư địa” để đóng góp vào quá trình này.
(*): Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thành viên Hội đồng Lý luận trung ương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận