16/10/2014 11:10 GMT+7

​1 từ điển “rác” - 4 “nhà” xuất bản

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất đang gây bức xúc trong dư luận. Từ điển la liệt các lỗi "rác"

Từ trên xuống: Quyển từ điển của Vũ Chất in năm 1969 và các quyển được in từ năm 2000 đến 2013 với logo của các NXB khác nhau: Hồng Đức, Trẻ - Ảnh: L.Điền

Xung quanh nội dung cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất đang gây bức xúc trong dư luận, trong đó có bản in có tên và logo NXB Trẻ, chiều 15-10, ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - khẳng định: NXB không thực hiện quyển sách này.

Ðọc cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, nếu xem cách giải thích các mục từ kiểu như: buồn cười = buồn mà cười; buông xuôi = chết, thả, duỗi hai tay ra; quản giáo = người trông coi một giáo đường hay tu viện; tù trưởng = người đứng đầu trông coi tội nhân... hẳn ai cũng giật mình cho cách hiểu sai lạc và soạn từ điển vô tội vạ như vậy.

Chẳng những thế, nhiều mục từ ở quyển từ điển này được định nghĩa vu vơ, không theo nguyên tắc giải nghĩa, ví dụ mục từ “nón” được giải thích là “đồ vật thường làm bằng lá, bằng nỉ”, trong khi đó để định nghĩa nón thì bắt buộc phải gắn với chức năng “đội, che đầu”; hay như mục từ “liệt sĩ”, được định nghĩa là “người có chí khí anh hùng”, trong khi nghĩa của liệt sĩ phải gắn với tình trạng “đã hi sinh”. Lại có chỗ định nghĩa nhầm lẫn về nghĩa từ Hán Việt, như mục từ “tiểu số = một số ít”, là không đúng, vì “một số ít” là “thiểu số” chứ không phải “tiểu số”.

Suốt toàn bộ nội dung quyển từ điển này la liệt các lỗi “rác” như vậy, khiến dư luận dành các từ “khiếp đảm”, “phát hoảng”. Và đây là điều không mới, bởi quyển từ điển này từng được phát hiện một bản in năm 2000 với giấy phép của NXB Thanh Niên, công ty phát hành lúc đó là Thành Nghĩa. Ðến năm 2006, báo chí từng phát hiện một bản từ điển này với bìa in “NXB Thanh Niên” nhưng ruột sách in thông tin NXB Trẻ. Ngay lúc đó, bà Quách Thu Nguyệt - với cương vị giám đốc NXB Trẻ - đã phát biểu nghi ngờ đây là một trường hợp mạo danh.

“Sống” qua hai chế độ

Ðầu tháng 10 vừa qua, có thông tin Thư viện Quốc gia có lưu một quyển Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mang thông tin do NXB Trẻ cấp phép vào năm 2001.

Tuy nhiên, phía NXB Trẻ ngay lập tức kiểm tra hồ sơ lưu thì không hề có giấy phép cấp cho quyển này vào năm 2001.

Dư luận bức xúc và đặt vấn đề tác giả Vũ Chất là ai mà đứng tên trên một ấn phẩm tồi tệ như vậy.

Câu trả lời về tác giả không dễ dàng. Chúng tôi đã truy tìm và phát hiện bản in sớm nhất được biết của quyển từ điển này là từ thời... chế độ cũ: đó là quyển Việt Nam tự điển của tác giả Vũ Chất, ra đời vào ngày 15-10-1969, giấy phép số 4239 BTT/NBC/PHNT.

Sau đó, cũng dưới thời Việt Nam cộng hòa, quyển này còn được tái bản một lần vào năm 1971, có đề cơ sở xuất bản là Hồng Dân (nằm trên đại lộ Khổng Tử, Chợ Lớn).

Vậy đây là một quyển từ điển ra đời tại miền Nam trước năm 1975. Bản in năm 1969 không ghi nhà xuất bản, giới nghiên cứu cho rằng bản này do chính tác giả tự in - một hình thức phổ biến vào thời đó.

Vấn đề là tại sao một quyển từ điển có nội dung “rác” như vậy mà sau năm 1975, đến năm 2000, Thành Nghĩa và NXB Thanh Niên lại liên kết cho ra đời trở lại?

Ông Võ Thành Tân - tổng giám đốc Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa - cho rằng ông sẽ lục lại hồ sơ xem có phải chính doanh nghiệp của ông thực hiện liên kết xuất bản quyển sách này không, vì nhiều năm tháng qua rồi ông không còn nhớ nữa.

NXB Trẻ: “Sẽ làm rõ ai đã mạo danh”

Không chỉ có bản in của Thành Nghĩa - NXB Thanh Niên, hiện nay trên thị trường còn có bản in của ba “nhà” khác: bản in của NXB Hồng Ðức, do Công ty Minh Lâm (Hà Nội) phát hành, in năm 2013, nội dung giống y như bản in của Vũ Chất năm 1969 và bản mang tên NXB Trẻ năm 2001.

Ngoài ra, còn một bản từ điển này mang tên NXB Văn Hóa Thông Tin lưu truyền trên mạng nhưng chúng tôi chưa tìm thấy ở các cửa hàng, nên chưa rõ năm xuất bản.

Tại cuộc gặp mặt một số nhà báo vào trưa 15-10, ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - đã khẳng định NXB Trẻ không tự xuất bản quyển sách này, cũng không hề liên kết với đối tác nào để thực hiện quyển sách này.

Về việc tên và logo của NXB Trẻ in trên một bản từ điển này, ông Nhựt cho biết sẽ tiếp tục làm rõ ai đã mạo danh, để bảo vệ uy tín và thương hiệu NXB Trẻ.

Còn việc có một quyển từ điển Vũ Chất mang tên NXB Trẻ đang lưu tại Thư viện Quốc gia, ông Nhựt cho biết hồ sơ của NXB Trẻ không cho thấy đã từng thực hiện quyển này, cũng không có dấu hiệu nộp lưu chiểu quyển này; thậm chí hồ sơ tài chính cũng không thể hiện NXB đã từng trả nhuận bút cho phía tác giả Vũ Chất (nếu là sách kế hoạch A), hay phía đối tác liên kết nộp tiền quản lý phí (nếu là sách kế hoạch B).

Ông Nhựt cũng cho biết từ năm 2000, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM có hợp đồng lưu giữ tất cả bản sách in của NXB Trẻ.

Khi vụ việc này xảy ra, NXB Trẻ đã nhờ Thư viện Khoa học tổng hợp kiểm tra các sách lưu trong năm 2001 thì không thấy có quyển Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh này. 

Cục Xuất bản yêu cầu thu hồi quyển từ điển

Phát biểu về việc một bản từ điển có nội dung “độc hại” như thế đã lưu hành trên thị trường sách VN trong 13 năm, ông Chu Văn Hòa - cục trưởng Cục Xuất bản - cho biết: “Rõ ràng công tác quản lý có vấn đề. Tôi đã chỉ đạo các nhà xuất bản liên quan báo cáo cụ thể việc xuất bản quyển từ điển này. Tiếp theo là Cục Xuất bản sẽ có công văn yêu cầu thu hồi quyển từ điển này. Một sản phẩm độc hại thì không thể để nó đến tay người tiêu dùng được, nên trước mắt là thu hồi. Còn chuyện xử phạt như thế nào thì còn tính toán vì có yếu tố thời gian xảy ra đã lâu. Tuy nhiên, việc này cũng đặt lại vấn đề trách nhiệm của nhà xuất bản, xã hội giao cho lãnh đạo các nhà xuất bản không được để các xuất bản phẩm kém chất lượng được ra đời, thế mà lại có một quyển từ điển như thế in đi in lại nhiều lần thì các giám đốc nhà xuất bản đã cấp phép cũng phải chịu trách nhiệm”.

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên