12/01/2008 18:49 GMT+7

Thực vật tự nhiên ở Vịnh Hạ Long

Theo NGUYỄN TIẾN HIỆP và RUTH KIEW
Theo NGUYỄN TIẾN HIỆP và RUTH KIEW

Từ lâu, vịnh Hạ Long Việt Nam đã nổi tiếng thế giới bởi vẻ đẹp tuyệt mỹ và hoành tráng của hàng ngàn đảo đá sống động trên mặt biển biếc xanh. Với cảnh quan ngoại hạng ấy, tháng 12-1994, Tổ chức UNESCO đã quyết định công nhân vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.

rko9c6x6.jpgPhóng to
Cọ Hạ Long
Từ lâu, vịnh Hạ Long Việt Nam đã nổi tiếng thế giới bởi vẻ đẹp tuyệt mỹ và hoành tráng của hàng ngàn đảo đá sống động trên mặt biển biếc xanh. Với cảnh quan ngoại hạng ấy, tháng 12-1994, Tổ chức UNESCO đã quyết định công nhân vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.

Nhưng Hạ Long không chỉ là một thắng cảnh. Vùng biển đảo này còn chứa đựng những giá trị nổi bật về địa chất, đa dạng sinh học và lịch sử văn hóa.

Cách Hà Nội 165km về phía đông bắc, vịnh Hạ Long nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp đã được công nhận là di sản thế giới vào cuối năm 1994.

Gần 2.000 đảo đá vôi đủ hình thù kỳ thú, trong đó chỉ có khoảng 900 đảo có tên, nhô cao thẳng đứng trên mặt biển nhiệt đới. Trong phạm vi 434km2 của khu di sản thế giới có tới 788 đảo.

Du khách đến vịnh Hạ Long thường chỉ chú ý đến phong cảnh đẹp nổi tiếng mà bỏ qua thảm thực vật ở đây, một màn xanh phủ khắp các đỉnh núi cheo leo, các vách đá và vách hang trên các đảo mà từ xa có thể quan sát được. Vì vậy, sự phong phú và tuyệt diệu của các loài thực vật của Hạ Long vẫn còn là tấm màn bí mật đối với rất nhiều người.

Trên thực tế, các hòn đảo ở đây là nơi trú ngụ của rất nhiều loài thực vật, bao gồm cả những loại quí hiếm, đặc hữu và tuyệt đẹp. Những loài này có mặt ở tất cả các vách hang, ở bất kỳ nơi nào mà bộ rễ của chúng có thể chạm tới được.

Sự đa dạng và phong phú về các loài, các hình dáng khác nhau và sự thích nghi của chúng chứng tỏ rằng hệ thực vật ở đây, như các nhà khoa học nói là đa dạng sinh học. Điều này tạo cho vịnh Hạ Long, di sản thế giới, một tầm quan trọng hơn rất nhiều.

Khí hậu và hệ thực vật

Khí hậu vịnh Hạ Long là khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm vào mùa hè (từ tháng năm đến tháng mười) với nhiệt độ trung bình từ 27-290C, mát và khô vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp từ 16-180C.

Lượng mưa trung bình hằng năm lên đến 1.680mm, với khoảng trên 300mm vào mùa nóng nhất trong năm là các tháng sáu, bảy, tám và dưới 30mm vào mùa khô nhất trong năm là tháng mười hai, một và hai.

Nhiều loài thực vật ở đây bị thiếu nước theo mùa bởi nước rất dễ trôi trên bề mặt đá vôi và do cả sự hanh khô của gió biển. Ngoài ra, chúng phải chịu sự tấn công của các cơn bão ghê gớm.

Điều này đã tạo nên vóc dáng thấp nhỏ và bề ngoài bù xù do bị gió táp của cây cối. Đã thế, cái bề ngoài bù xù ấy lại được trang điểm thêm bởi nhiều loài cây leo mọc chằng chịt trên các ngọn cây. Các bụi cây này là nơi trú ngụ cho các loài thực vật mềm mại và xinh xắn mọc phía dưới.

Tổng số các loài thực vật có mặt trên các đảo gồ ghề ở vịnh Hạ Long hiện nay vẫn chưa xác định được vì còn nhiều đảo con người vẫn chưa khám phá, nhưng có lẽ con số phải lên đến trên một nghìn loài.

Các loài phân bố không đều. Một số quần xã (các quần thể thực vật sống trong cùng một nơi sống) khác nhau được tìm thấy, như các loài mọc trên các sườn núi hoặc vách đá cheo leo, trên đỉnh núi hoặc các loài mọc ở cửa hang hay khe đá.

Các loài thực vật ở đây thường nở hoa vào các thời điểm khác nhau trong năm, tuy có loài nở hoa quanh năm như bướm bạc, còn phần lớn là nở hoa theo mùa. Một số loài nở hoa vào mùa xuân, như cọ Hạ Long và khổ cử đại nhung, một số khác nở hoa vào mùa đông như ngọc nữ và nhài Hạ Long, nhưng phần lớn là nở hoa vào những tháng mùa hè nóng và ẩm.

Rừng ngập mặn

Một số đảo ở các bãi lầy hẹp chạy dọc theo bờ biển. Quần xã các loài ngập mặn được tìm thấy ở đây. Những bãi bùn lầy là nguồn cung cấp thức ăn phong phú cho các loài cá, tôm và cua. Chính vì vậy, quần xã các loài thực vật này đóng vai trò quan trọng đối với các loài thủy sản ở vịnh Hạ Long, nguồn sinh nhai của rất nhiều dân cư sống ở đây.

Do chịu tác động của thủy triều, rễ của các loài ngập mặn tạo thành các hình thù kỳ lạ. Hình vòng cung như của cây đăng đỡ cây trên đất bùn, còn cây mắm có rễ khí hình bút thẳng tắp vươn cao giúp cây trao đổi khí.

Do nước biển là nguồn nước chủ yếu, các loài cây như cây mắm thải bớt lượng muối thừa bằng cách bài tiết muối ở mặt dưới của lá. Một điều cũng rất thú vị là quả của cây sú và cây đăng nẩy mầm ở ngay trên cây, vì vậy lúc rơi xuống, chúng nhanh chóng cắm rễ xuống bùn khi bị mắc cạn giữa các đợt thủy triều.

Thực vật bờ cát ven đảo

Trên bờ cát ven đảo, một quần xã thực vật hoàn toàn khác được tìm thấy. Không còn dấu vết gì của các loài ngập mặn, mà chỉ thấy phổ biến các loài như tra làm chiếu và hếp cây. Giữa thiên nhiên thoáng rộng, những cây thân thảo ngoằn ngoèo của hồ da thịt và tiết căn trang trí thêm trên các cành cây.

Thảm thực vật trên các sườn núi

Cao hơn bờ cát ven đảo, trên các sườn núi gồ ghề mọc dựng đứng là một quần xã các cây cao chừng 2m, như nàng kiên. Chúng tạo thành một tấm thảm xanh và chỉ khi những cây này đến thời kỳ mở hoa hay cho quả chúng mới trở nên nổi bật và thu hút sự chú ý, như loài ngọc nữ, râu ông lão và móng bò thơm ra hoa trắng muốt, mềm mại, hay cây sảng có quả đỏ thẫm treo lủng lẳng.

Các ngọn cây ở đây được đan xen bởi các loài dây leo và bụi trúc, không những giúp bảo vệ các cây nhỏ mọc phía dưới tránh gió biển khô rát và tạo bóng mát, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến hình dáng các loại này, tạo nên một nhóm thực vật hoàn toàn khác biệt có vóc dáng thích nghi phù hợp. Các loài thực vật thân mềm hơn như thu Hải Dương, giềng núi, khoai nưa hoa chuông và các loài thân mọng nước như họ bóng nước cũng có mặt ở đây.

Thực vật vách đá

Nổi bật nhất là các loài thực vật mọc cheo leo trên các vách đá. Chúng có bộ rễ bám chặt và sâu vào các vách đá dựng đứng. Không hề được bảo vệ, chúng phơi mình giữa ánh nắng chói chang, trải qua các kỳ thiếu nước trong năm và vững vàng trước các đợt bão táp.

Chỉ có một số loài sống sót được trong điều kiện khắc nghiệt này, và đó là những báu vật của vịnh Hạ Long như hài vệ nữ hoa vàng tao nhã, khổ cử đại tím, thiên tuế Hạ Long và phất dụ núi. Ở đây cũng có một loài thân xanh, có gai, mọng nước, thuộc họ xương rồng.

Thực vật trên đỉnh núi

Các đỉnh đảo được bao phủ bởi một lớp đất mỏng, nơi sinh sống của các loài cỏ và những cây bụi thấp. Nấp dưới những bụi cỏ, khổ cử đại nhung hoàn toàn được bảo vệ khỏi nắng và gió. Sừng sững trên cao là cọ Hạ Long, một phát hiện mới chỉ tìm thấy ở vịnh Hạ Long.

Thực vật ở cửa hang và khe đá

Không phải tất cả các loài thực vật đều đối mặt trực tiếp với gió biển và ánh nắng nóng bỏng. Các khe đá và cửa hang thường được che khuất và do đó có lớp đất tương đối dày, tạo điều kiện cho các loài cây mọc khá cao từ 6-8m, có tán rộng như cây bông mộc và quao nước.

Phía trong các hang, nơi ánh sáng có thể đến được, loài khổ cử đại móc lá mềm mọc phổ biến. Lá xanh non của nó nổi rõ nơi tranh tối tranh sáng. Nhưng hãy cẩn thận! Không phải tất cả các loài thực vật đều đơn giản như bạn đang thấy. Có những loài sẽ làm tài liệu minh họa cho cuốn sách này, bảy loài hoàn toàn mới đã được minh họa ở đây.

Thiên nhiên đá vôi độc đáo cho thấy một số loài thực vật chỉ thích nghi với điều kiện sống trên các đảo ở Hạ Long, mà chưa thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Điều đó có nghĩa chúng là đặc hữu của vịnh Hạ Long. Còn các loài khác như ngũ gia bì Hạ Long, cọ Hạ Long, khổ cử đại Hạ Long, sung Hạ Long được lấy chính tên vịnh Hạ Long làm tên khoa học (những loài do người Pháp phát hiện được đặt là alongensis alongense).

Lộng lẫy hơn cả là các loài được thiên nhiên phú cho vẻ đẹp tuyệt mỹ như hà vệ nữ hoa vàng, thiên tuế Hạ Long và phất dụ núi. Loài sung Hạ Long dùng làm cây bonsai rất đẹp. Tuy nhiên, giá trị làm cảnh của các loài này lại chính là nguy cơ tiềm ẩn đối với chính chúng vì du khách nào cũng muốn tìm cách lấy mang về.

Các loài khác cũng có giá trị của chúng. Thân sợi của tra làm chiếu được dùng để làm chiếu. Lá gai được nấu lên để nhuộm màu một loại bánh phổ biến của địa phương (bánh gai). Lá hăng hăng của bầu đất tai và quả mềm của cây vang lô có thể ăn được. Những người dân chài địa phương thường dùng lá cây chè dây để pha chè uống, và đối với họ, các loài cây trên đảo cũng là nguồn cung cấp củi đốt.

Một số loài được dùng làm nguyên liệu thuốc như củ của bình vôi hoặc thân phình to của loài cốt toái bổ. Vỏ thân và rễ của ngũ gia bì Hạ Long được dùng làm thuốc bổ.

Hiện nay, thảm thực vật ở vịnh Hạ Long còn khá nguyên vẹn và hầu như không có dấu hiệu đốt cháy hay chặt phá ở xung quanh cửa hang có du khách đến thăm. Với vị thế là di sản thiên nhiên thế giới được bảo vệ, đa dạng sinh học phong phú ở đây sẽ được bảo tồn như một phần của di sản thiên nhiên Việt Nam cho các thế hệ sau này.

Theo NGUYỄN TIẾN HIỆP và RUTH KIEW
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên