20/09/2016 11:31 GMT+7

Án mại dâm của Kem Sokha

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Trong các đoạn hội thoại bị hack và bị đưa lên những đoạn trao đổi qua điện thoại bị ghi lén, người ta thấy nhân vật nam, được cho là Kem Sokha, hứa cho cô gái 3.000 USD và một căn nhà.

*** Error ***
Cô Khom Chandaraty - người được cho là nhân tình của Kem Sokha (ảnh nhỏ)  - Ảnh: AFP

Tất cả bắt đầu vào tháng 3 vừa qua khi tài khoản Facebook của cô gái làm nghề gội đầu tên Khom Chandaraty bị hack và bị đưa lên những đoạn trao đổi qua điện thoại bị ghi lén.

Cô gái 25 tuổi này được cho là nhân tình của nghị sĩ Kem Sokha, phó chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập.

Trong các đoạn hội thoại, người ta thấy nhân vật nam, được cho là Kem Sokha, hứa cho cô gái 3.000 USD và một căn nhà.

Cú đá giò lái bất ngờ

Thoạt đầu cô gái trẻ khẳng định không có quan hệ gì với ông Kem Sokha và ông Sokha cũng không lên tiếng gì về vụ việc.

Thế rồi vụ việc bị thổi bùng trên truyền thông và sau nhiều tuần cô gái bị mất việc, thậm chí bị dọa truy tố vì tội làm mại dâm và làm chứng giả.

Tại Campuchia, nạn mại dâm chính thức bị coi là bất hợp pháp từ năm 2008. Cô gái trẻ thay đổi quyết định và khởi kiện Kem Sokha, đòi bồi thường thiệt hại 300.000 USD.

Tiếp nhận lá đơn kiện đó, Ủy ban chống tham nhũng của Campuchia, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, nhảy vào cuộc nhanh chóng để điều tra số tiền mà Sokha có vì ủy ban này từng yêu cầu ông Sokha giải trình về tài sản cá nhân vào các năm 2011, 2013 và 2015.

Các nhà điều tra cũng nhanh chóng xác nhận giọng nam trong đoạn hội thoại là Kem Sokha và giọng nữ là cô Chandaraty.

Vấn đề là không có lời lý giải làm sao xác nhận chắc chắn như thế. Rồi thì các đoạn ghi âm lén này cũng được cho là hợp pháp dù rằng không rõ ai đã đứng ra ghi lén hoặc làm sao lấy ra được từ các máy điện thoại của đương sự.

Trong quá trình trả lời với cơ quan chức năng, Chandaraty đã khai ra tên sáu thành viên hoạt động bảo vệ nhân quyền đã cho cô tiền để cô chối bỏ mối quan hệ với Kem Sokha.

Ngày 2-5, Tòa án Phnom Penh liền kết tội sáu người đó. Năm trong số đó, đang làm hoặc từng làm trong tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc, bị tạm giam ngay và có thể bị phạt 5-10 năm tù.

Người thứ sáu, ông Sally Soen, nhân viên của Cao ủy nhân quyền LHQ hoạt động tại Campuchia, cũng bị kết tội (vắng mặt) tại phiên tòa trên. Do ông ta là nhân viên của LHQ nên được xem là có quyền miễn trừ theo Công ước LHQ 1946 về quyền miễn trừ và ưu tiên.

Vấn đề là các luật sư của bên Adhoc không biết thân chủ của mình bị kết tội ra sao. Họ cho rằng phía Adhoc có gửi cho cô Chandaraty 204 USD trong quá trình tiếp cận và trợ giúp cô này và đó có thể là “chứng cứ” để kết tội họ.

Gần 60 tổ chức phi chính phủ tại Campuchia sau đó đã ra thông cáo tố cáo “tình trạng gia tăng các vụ tấn công của chính phủ nhắm vào những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khi gần đến bầu cử địa phương và quốc gia”.

Điều đó cũng không làm chính quyền thay đổi quan điểm khi họ cho rằng cá nhân vi phạm luật pháp thì bị xét xử. Thủ tướng Hun Sen thậm chí lên tiếng sau vụ việc: “Chúng ta vừa hành động chống lại những kẻ vô chính phủ!”.

Một “kẻ vô chính phủ" khác là Ou Virak, chủ tịch của Diễn đàn vì tương lai (một dạng câu lạc bộ học giả ở Campuchia), cũng bị truy tố nhanh chóng vì lên tiếng tố Đảng CPP giật dây trong kỳ án Kem Sokha. Hôm 25-4, ông Ou Virak, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng của Campuchia, bị buộc tội đã bình phẩm xúc phạm đến “phẩm giá và danh dự” của Đảng CPP.

Đứng đơn kiện là ông Sok Eysan, phát ngôn viên của Đảng CPP. Đơn kiện của CPP viết: “Ngày 24-4-2016, khi trả lời phỏng vấn Đài phát thanh RFA, ông Ou Virak đã có bình luận vu oan khẳng định chính sách của Đảng CPP nhằm gây áp lực lên Kem Sokha và nguồn tài chính của ông ta”.

Thủ tướng Hun Sen từng gửi lời cảnh báo đến các nhà bình luận chính trị trong nước, thông qua tài khoản Facebook của ông: “Quý vị có quyền phát biểu nhưng cũng đừng quên là chúng tôi cũng có quyền đó. Hiện giờ chúng tôi đang chuẩn bị các đơn khiếu kiện chống lại những cá nhân đã hủy hoại thanh danh của Đảng Nhân dân Campuchia”.

Kem Sokha bị truy đuổi

Nghị sĩ Kem Sokha bị cáo buộc có quan hệ ngoài hôn nhân không chỉ với cô gái gội đầu mà còn với một phụ nữ khác nữa. Một cây bút viết blog rất nổi tiếng ở Campuchia cũng bị hài tên trong đoạn ghi âm. Cô ta cũng vào cuộc và khởi kiện với Kem Sokha đòi bồi thường 1 triệu USD. Vì thế những đơn đòi bồi thường trên được cho là nhằm làm cạn kiệt tài sản của ông Sokha.

Thật ra các bước đi tư pháp cũng được tiến hành rất nhanh chóng. Tòa gửi giấy triệu tập cho ông Sokha hai lần (ngày 17-5 và 25-5) và ông ta đều vắng mặt. Sang ngày 26-5, tòa liền đề nghị cảnh sát bắt ông ta.

Ngay trưa 26-5, cảnh sát bất ngờ xông vào trụ sở của CNRP ở thủ đô Phnom Penh để thực thi lệnh của tòa. Theo nghị sĩ CNRP Chhay Eng, phó chủ tịch Kem Sokha vừa chủ trì cuộc họp tại trụ sở sáng 26-5 và đã rời khỏi đó trước khi cảnh sát tới.

Nghị sĩ Kem Sokha (giữa) phát biểu tại trụ sở CNRP ngày 9-9 tức là ngày ông phải ra tòa Ảnh: Reuters
Nghị sĩ Kem Sokha (giữa) phát biểu tại trụ sở CNRP ngày 9-9 tức là ngày ông phải ra tòa - Ảnh: Reuters

Cuối tháng 5 vừa qua, Quốc hội Campuchia bỏ phiếu cho phép tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại ông Kem Sokha vì hai lần phớt lờ lệnh triệu tập của tòa án trong vụ kiện liên quan tới cô Khom Chandaraty.

Ngay trong buổi chiều 30-5 hôm đó, 36 nghị sĩ của Đảng CNRP đã lên cung điện hoàng gia trình kiến nghị hầu tìm kiếm sự can thiệp của Quốc vương Norodom Sihamoni đối với vụ việc.

Tiếp đó, Tòa án thành phố Phom Penh đã cấm nghị sĩ Kem Sokha rời khỏi nước này sau khi bị cáo buộc “từ chối trình diện” trước tòa. Theo lệnh do ông Thann Leng, thẩm phán điều tra của Tòa án thành phố Phnom Penh, ký hôm 8-7 và được công bố trên các phương tiện truyền thông ngày 14-7, ông Kem Sokha sẽ “không được rời khỏi lãnh thổ Vương quốc Campuchia”.

Tính đến nay đã hơn bốn tháng, ông Kem Sokha phải trú lánh trong trụ sở của CNRP. Ông Kem Sokha không xác nhận cũng không phủ nhận việc có quan hệ với cô Khom Chandaraty, nhưng phó chủ tịch CNRP coi những cáo buộc nhằm vào bản thân là hành động mang động cơ chính trị.

Trong cuộc gặp hiếm hoi với nhà báo nước ngoài đến từ Úc (thông tin đăng tải trên trang ABC Online ngày 19-9), ông Sokha thừa nhận hiện đang ở tại trụ sở là tòa nhà bốn tầng ở Phnom Penh và phòng làm việc của ông cũng được sử dụng như phòng ngủ.

Bảo vệ cho ông có vài cận vệ thân cận và vài chục ủng hộ viên của Đảng CNRP. Ông cũng chưa thể biết tình thế sắp tới sẽ diễn biến ra sao.

Phát biểu tại một buổi lễ ở Đại học Panha Chiet ngày 19-9, khi nói tới phó chủ tịch Đảng CNRP Kem Sokha - người bị kết án 5 tháng tù cùng một số tiền trong phiên tòa (xử vắng mặt) ngày 9-9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh: “Tôi muốn khẳng định rằng Campuchia không rơi vào khủng hoảng chính trị... xin đừng gắn vấn đề cá nhân với vấn đề chính trị. Chúng tôi không thể cho phép bất kỳ ai phá hoại hòa bình, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Người nước ngoài không được can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Campuchia”.

Kỳ tới: Cuộc so găng Mỹ - Trung 

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên