16/08/2017 08:54 GMT+7

Nghề dễ chết: bảo vệ môi trường

MY HÀ
MY HÀ

TTO - Vấn đề môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, tuy nhiên tiếng nói các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường không được lắng nghe nhiều hơn mà trên thực tế họ đang bị giết và đe dọa một cách tàn bạo.

Người dân biểu tình đòi lại chính nghĩa cho cái chết của một nhà hoạt động môi trường ở Honduran. Ảnh: The Guardian
Người dân biểu tình đòi lại chính nghĩa cho cái chết của một nhà hoạt động môi trường ở Honduras - Ảnh: AFP

Các nhà hoạt động, nhà bảo vệ động vật hoang dã và lãnh đạo tổ chức phi chính phủ đang bị giết “hàng loạt”, lên đến con số lục trong năm 2016.

Dường như “ai cũng có thể giết các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, mà không cần lo lắng đến hậu quả”, tờ Guardian của Anh chia sẻ.

Kỷ lục đáng buồn

Trung bình một tuần có bốn nhà hoạt động môi trường bị giết trên thế giới. Theo số liệu mới nhất của tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness, đã có 201 nhà hoạt động thiệt mạng chỉ trong năm 2016, gần gấp đôi năm 2011.

Năm 2017 được dự đoán sẽ còn “phá kỷ lục”, bởi chỉ trong năm tháng đầu đã có 98 nhà hoạt động môi trường tử vong, theo báo Guardian.

Brazil trở thành nước có số nhà hoạt động thiệt mạng cao nhất (132) từ năm 2015 đến nay, và 49 trường hợp chỉ trong năm 2016. Trong số đó, nhiều người thiệt mạng vì chống lại nạn chặt phá rừng tại Amazon - rừng nhiệt đới lớn nhất trên Trái Đất.

Philippines đứng thứ hai với 75 vụ. Tuy nhiên Honduras - quốc gia Trung Mỹ, mới là nơi nguy hiểm nhất của các nhà hoạt động với số nhà hoạt động thiệt mạng trên đầu người cao nhất thế giới.

Dữ liệu năm 2016 của Global Witness cho thấy lĩnh vực nguy hiểm nhất là khai thác dầu mỏ, trở thành nguyên cớ của 33 trường hợp thiệt mạng. Đứng thứ hai là khai thác rừng trên thế giới, gắn liền với 23 trường hợp, tăng 15 so với năm 2015. Đứng thứ ba là nông - lâm - ngư nghiệp.

Mặc dù vậy, xu hướng này có thể thay đổi khi nông - lâm - ngư nghiệp đang có nguy cơ vượt lĩnh vực khai thác dầu mỏ để trở thành lĩnh vực nguy hiểm nhất với 22 trường hợp tử vong trên khắp thế giới chỉ trong năm tháng đầu của năm 2017.

Nhà hoạt động Billy Kite của Global Witness khẳng định trên báo Guardian rằng những con số trên chỉ là một phần rất nhỏ của cả một “đại dịch” bạo lực đang hướng đến các nhà hoạt động môi trường.

Cứ một nhà hoạt động bảo vệ đất và môi trường bị giết, thì hàng trăm người khác bị dọa giết, trục xuất và dọa phá hoại toàn bộ tài sản và nhân lực
Nhà hoạt động Billy Kite của Global Witness 

“Có thể bị giết bất cứ lúc nào”

Trên toàn thế giới, số lượng và mật độ xung đột về vấn đề môi trường đang tăng. Một cuộc khảo sát do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho thấy có hơn 2.000 nhà hoạt động đang bị đe dọa tính mạng.

“Đây chỉ là những trường hợp được báo cáo. Thực tế phải gấp ba lần con số này. Hiện đang xảy ra rất nhiều bạo lực” - ông Bobby Banerjee khẳng định. Ông là nhà nghiên cứu theo dõi các dự án chống lại sự phát triển đô thị toàn cầu trong 15 năm qua.

Nguyên nhân chính của sự đàn áp tàn bạo này là lợi nhuận và hoạt động công nghiệp. Cụ thể, dưới áp lực của lợi nhuận kinh tế đồ sộ, lực lượng an ninh nhà nước bị cáo buộc đứng đằng sau 43 trường hợp trên toàn cầu - 33 trường hợp do cảnh sát và 10 trường hợp do quân đội - trong khi đó các bảo vệ tư nhân và sát thủ giết thuê chịu trách nhiệm về 52 trườgn hợp thiệt mạng.

Ông Bobby Banerjee bức xúc tố cáo: “Những mâu thuẫn đó toàn bộ là do sự toàn cầu hóa. Chủ nghĩa tư bản chứa đầy bạo lực và các tập đoàn toàn cầu tìm đến những nước nghèo để khai thác đất và tài nguyên. Các nước nghèo thường tham nhũng hơn và không có luật lệ chặt chẽ. Vì vậy các công ty và chính phủ bắt tay nhau để giết người".

Một nhà vận động hoạt động ở phía tây Châu Phi chia sẻ: “Gia đình tôi bị dọa giết. Chúng tôi nhận được những cuộc gọi ẩn danh. Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm việc với đồng nghiệp. Chúng tôi gửi thông tin cho Liên Hiệp Quốc và xin trợ giúp. Nhưng cũng không đạt được gì. Chúng tôi có thể bị giết bất cứ lúc nào".

“Các nhà bảo vệ môi trường ở tuyến đầu là những người vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của chúng ta” - ông Fran Lambrick, đồng sáng lập tổ chức bảo vệ các nhà hoạt động môi trường N1M, bức xúc về việc các nhà hoạt động môi trường phải đối mặt với đe dọa.

Tuy nhiên nhà hoạt động Laura Cáceres khẳng định: “Chúng tôi bảo vệ sự sống. Chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để sự sống tiếp diễn. Chúng tôi không muốn mất mạng hay mất đi cha mẹ, gia đình. Nhưng chúng tôi hiểu sự nguy hiểm. Nếu họ có thể giết một người nổi tiếng như mẹ Berta của tôi thì họ có thể giết bất cứ ai”.

Mẹ của bà Laura Cáceres cũng là một nhà hoạt động tại Honduras và bị sát hại năm 2016.

MY HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên