22/08/2016 09:37 GMT+7

Bắc Kinh vươn vòi quân sự đến châu Phi

N.QUÂN
N.QUÂN

TTO - Truyền thông Mỹ mới đây đồng loạt lên tiếng cảnh báo việc Bắc Kinh đang tăng tốc xây dựng căn cứ quân sự ở Cộng hòa Djibouti thuộc Tây Phi.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tăng tốc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti - Ảnh: Google Earth
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tăng tốc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti - Ảnh: Google Earth

“Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với chính quyền Djibouti để đảm bảo rằng những căn cứ của nước nào có thể là đối thủ của chúng tôi phải được phân cách ở khoảng cách hợp lý

Thiếu tướng Kurt Sonntag (tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở Djibouti)

Đài Fox News và báo Wall Street Journal cho rằng căn cứ quân sự của Trung Quốc nằm cách căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực châu Phi chỉ vài kilômet.

Trước đây, các tàu chiến Trung Quốc chỉ quá cảnh ở Djibouti trong khuôn khổ chiến dịch chống cướp biển Somalia.

Tham vọng khẳng định vị thế

Theo báo chí Mỹ, căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti được xây dựng trên khu đất rộng 36ha gồm một cầu cảng và các nhà kho chứa vũ khí. Công trình đã được khởi công từ hồi tháng 2 năm nay và đang được đẩy nhanh tiến độ.

Căn cứ này được cho là sẽ có khả năng phục vụ tàu chiến và trực thăng của Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài. Cũng có thông tin nói phía Trung Quốc sẽ triển khai một lực lượng binh sĩ đến đây.

Theo Fox News, việc xây dựng căn cứ ở một quốc gia tận vùng Sừng châu Phi cho thấy mong muốn vươn xa của Bắc Kinh, thể hiện vị thế cường quốc biển ở quy mô thế giới.

Thực tế cho đến nay không có nhiều quốc gia thiết lập căn cứ hải quân ở ngoài vùng lãnh thổ của mình.

Theo trang Sputnik của Nga, Mỹ đứng hàng đầu về khả năng này với 42 căn cứ ở nước ngoài. Anh, Pháp và Nga cũng có các căn cứ tại khoảng 10 điểm ở ngoài biên giới của mình.

Theo thông tin từ truyền thông chính thống của Trung Quốc, việc xây dựng và triển khai các căn cứ quân sự ở nước ngoài là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đô đốc Trung Quốc Sun Jianguo, phó tư lệnh lực lượng hỗn hợp và được đánh giá là lãnh đạo hải quân tương lai của Trung Quốc, từng khẳng định ý trên trong một bài viết hồi tháng 4 năm nay.

Điểm chiến lược

Việc lựa chọn triển khai tại Djibouti là có lý do của nó. Quốc gia này nằm ở đầu mũi trấn giữ eo biển Bab el Mandeb là “điểm quá cảnh” từ biển Đỏ đi vịnh Aden, rộng ra là có khả năng nối giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương.

Do vị trí đắc địa như vậy nên các cường quốc trên thế giới đều tìm cách đặt căn cứ quân sự tại đây để bảo vệ quyền lợi hàng hải của quốc gia mình.

Mỹ, Pháp, Ý và Nhật đã có căn cứ tại đây. Trung Quốc đang xây dựng, còn Saudi Arabia cũng khẳng định sẽ sớm có mặt.

Một sĩ quan phương Tây chuyên theo dõi hoạt động của Trung Quốc nhận định với báo Wall Street Journal: “Trung Quốc nhảy vào khu vực châu Phi theo kiểu rất gây hấn.

Tình hình ở đây sắp tới sẽ ra sao? Tôi chưa thể biết gì được. Nhưng rõ ràng chúng ta đang thấy một Trung Quốc muốn trở thành cường quốc của thế giới”.

Không chỉ là vị trí quan trọng giúp kiểm soát được tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, có căn cứ quân sự tại Djibouti cũng đồng nghĩa với việc có khả năng xuất quân can thiệp ngay đến những điểm nóng trong khu vực như Somalia, Yemen...

Với số dân chưa đến 1 triệu người và diện tích 23.000km2, CH Djibouti chủ yếu sống nhờ tiền cho thuê đất làm căn cứ quân sự, thu về gần 160 triệu USD mỗi năm.

Bộ Quốc phòng Mỹ tiên đoán sau căn cứ ở Djibouti, Trung Quốc sẽ còn thiết lập nhiều căn cứ khác ở nước ngoài trong thập niên tới.

Các chuyên gia quốc phòng Mỹ nhận định trước mắt có thể là căn cứ ở cảng Salalah của Oman, nơi mà tàu chiến Trung Quốc gần đây thường xuyên ghé lại để tiếp liệu và dừng chân. Hai điểm khác được kể đến là quần đảo Seychelles và cảng Karachi của Pakistan.

Xây bờ kè gần Senkaku/Điếu Ngư

Giới truyền thông Nhật gần đây khẳng định Trung Quốc đã xây dựng cầu cảng cho tàu chiến hiện đại tại một đảo nhỏ ở ngoài khơi thành phố Ôn Châu.

Phía Nhật cho biết cầu cảng dài 80m và được xây dựng trên đảo Nam Kỷ, một trong 52 đảo nhỏ thuộc quần đảo Nam Kỷ, tỉnh Chiết Giang. Theo Hãng tin Kyodo của Nhật, nhiều tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng ở bến đỗ mới.

Trong khi đó, báo The Japan Times cho rằng Bắc Kinh muốn xây dựng một căn cứ quân sự quy mô với hệ thống rađa hiện đại trên quần đảo Nam Kỷ vốn chỉ cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khoảng 300km.

Phía Nhật lo sợ căn cứ này sẽ là bàn đạp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng quân sự Trung - Nhật.

N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên