18/05/2016 11:22 GMT+7

Liên kết Việt - Nga yếu nhất là kinh tế

PHAN XUÂN LOAN thực hiện (từ Matxcơva)
PHAN XUÂN LOAN thực hiện (từ Matxcơva)

TTO - Giáo sư, tiến sĩ sử học Vladimir Kolotov (Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg) trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Vladimir Kolotov - Ảnh: Ngô Vương Anh

* Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chọn Nga làm địa điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức, nhiều phương tiện truyền thông Nga đã nhấn mạnh chi tiết này. Ông nghĩ gì về thông điệp chuyến đi này? Những phương diện quan hệ nào của hai nước sẽ được thúc đẩy sau chuyến thăm?

- GS Vladimir Kolotov: Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Nga là một sự kiện quan trọng. Giữa hai nước chúng ta đã hình thành quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hợp tác và độ tin cậy cao.

Thế nhưng đáng tiếc là hiện nay, không phải trong tất cả mọi lĩnh vực, quan hệ của chúng ta đều ở mức độ chấp nhận được. Liên kết yếu nhất là kinh tế.

Ở Liên bang Nga hiện nay rất ít thông tin khách quan về một Việt Nam hiện đại phát triển nhanh và năng động ra sao.

Theo tôi, mức trao đổi kinh tế Việt - Nga hiện nay còn tương đối yếu. Kim ngạch thương mại Việt Nam với Trung Quốc (58 tỉ USD), với Mỹ (38 tỉ USD) cao hơn hẳn so với Nga (3,8 tỉ USD).

Do vậy, chuyến thăm lần này nên tập trung tìm ra những biện pháp thiết thực toàn diện để nâng cao việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước. Đồng thời theo tôi, bên cạnh kinh tế cũng cần nỗ lực phát triển mối quan hệ trên các lĩnh vực khác như truyền thông, văn hóa và giáo dục.

* Chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam diễn ra trước thềm hai chuyến công du quan trọng khác: Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam (23-5) và Tổng thống Nga Vladimir Putin đi thăm Trung Quốc (dự kiến tháng 6). Đề nghị ông bình luận về ba diễn tiến này.

- Trong điều kiện hiện nay, việc tích cực hóa các quan hệ trực tiếp ở cấp cao đã là việc bình thường. Đây là công việc của các chính khách hàng đầu. Trước khi bắt đầu một vòng mới của “trò chơi lớn”, các đấu thủ chính đang thông qua các nỗ lực đàm phán, làm sáng tỏ quan điểm và lối thoát khỏi tình hình đang có.

Cần sử dụng tối đa các kênh chính thức, ngoại giao, cấp độ chuyên gia để giải quyết những vấn đề tồn đọng và những vấn đề an ninh bằng con đường hòa bình trong khuôn khổ luật quốc tế. Khả năng này hiện hữu, nhưng chưa trở thành hiện thực.

Nếu những biện pháp trên không được thực hiện thì các vấn đề cũng sẽ được giải quyết, nhưng sẽ theo một cơ chế cứng rắn bất chấp luật quốc tế cũng như lợi ích quan trọng sống còn của các nước trong khu vực.

PHAN XUÂN LOAN thực hiện (từ Matxcơva)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên