Chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ - Ảnh: New York Times |
Nguyên thứ trưởng ngoại giao và cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 1995-2001 kể với Tuổi Trẻ khi thăm Hà Nội cách đây hơn 15 năm, ông Clinton tiếp tục vào TP.HCM.
Lúc đó, Chính phủ phân công ông và Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan đi tháp tùng ông Clinton. Hai người được phía Mỹ mời lên chuyên cơ Air Force One để đi TP.HCM cùng ngài tổng thống.
Ông Bàng kể rằng ông cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên chứng kiến nội thất bên trong chuyên cơ của Tổng thống Mỹ.
“Nó giống như một ngôi nhà khổng lồ gồm nhiều phòng, bao gồm phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách và nhà tắm,” ông Bàng nói.
Thiết kế đặc biệt
Và chắc hẳn không ai không ngạc nhiên khi được trực tiếp trải nghiệm chiếc chuyên cơ này. Bởi vì không một chiếc máy bay nào trên thế giới giống như chiếc Không lực 1 (Air Force One) - chuyên cơ chuyên chở các đời tổng thống Mỹ đi khắp nơi trên thế giới. Nó còn được gọi là “Nhà Trắng di động” của thế giới.
Mỗi giờ bay, chiếc chuyên cơ trên tốn 180.000 USD chi phí vận hành. Ước tính chỉ riêng chuyên cơ tổng thống cũng tiêu tốn vài triệu USD cho mỗi lần công du.
Không lực 1 là tên gọi dành cho bất cứ chiếc máy bay nào được thiết kế đặc biệt của không quân Mỹ mà tổng thống dùng để di chuyển trên không, nổi tiếng về độ an toàn và thoải mái mà nó tạo ra cho người đi trên đó. Đó là một biểu tượng nổi bật của Tổng thống Mỹ nhờ sức mạnh của nó.
Ý tưởng cho ra đời chiếc máy bay quân sự chuyên chở tổng thống xuất hiện năm 1943 khi các quan chức quân sự hàng không Mỹ - tiền thân của Không lực Hoa Kỳ - quan tâm tới sự lệ thuộc vào máy bay dân sự chuyên chở tổng thống.
Và chiếc C-87 Liberator Express sau đó được xem như là một động lực để phục vụ cho nhu cầu đi lại của tổng thống. Tuy nhiên, mật vụ Mỹ từ chối cho dùng máy bay này để chở lãnh đạo do lo ngại về sự an toàn.
Và một chiếc Skymaster C-54 sau đó đã được chuyển đổi để tổng thống sử dụng, chiếc máy bay này được gọi là Chú bò siêu khỏe, từng chở Tổng thống Franklin Roosevelt đến Hội nghị Yalta vào tháng 2-1945, sau đó chuyên cơ này đã được sử dụng thêm hai năm để phục vụ Tổng thống Harry S. Truman.
Năm 1953, sau một sự cố trong chuyến bay chở Tổng thống Dwight D.Eisenhower, yêu cầu việc lập ra một đội bay chuyên phục vụ tổng thống đã được tiến hành.
Trong những năm 1960, 1970, hai chiếc chuyên chở tổng thống là Boeing 707s, từ những năm 1990 tới nay cũng là hai chiếc máy bay Boeing VC-25 As. Đây là loại máy bay có cấu hình cao cách tân từ loạt máy bay Boeing 747-200B.
VC-25 được trang bị hệ thống an ninh cùng với điện thoại và những máy tính cho phép tổng thống làm việc trong trường hợp có vụ tấn công nước Mỹ.
Air Force One thường không có máy bay chiến đấu hộ tống khi chuyên chở tổng thống trên toàn nước Mỹ.
Có gì bên trong "Nhà Trắng bay"?
Sau sự kiện tấn công nước Mỹ 11-9-2001, đội ngũ phi hành đoàn nhận thấy máy bay có các điểm yếu, thiếu chức năng cho phép tổng thống thời đó là George W. Bush phát biểu trước toàn dân khi đứng trên máy bay. Và những điểm yếu này đã được khắc phục.
Ông Bush cùng các cố vấn, trợ lý Nhà Trắng trên chiếc Air Force One - Ảnh: CNN |
Kênh National Geographic mới đây đã có phóng sự hậu trường về "Nhà Trắng bay" - một chương trình về nhóm cầu không vận của tổng thống.
Theo thông tin được khai thác, thường thường chiếc Không lực 1 nằm tại nhà chứa ở căn cứ không quân Andrew được gọi là nhà và tất cả những tiện nghi trên máy bay đều dành cho Tổng thống Mỹ cũng như các cố vấn thân tín của ông trên máy bay.
Công tác bảo vệ được bắt đầu từ nhà chứa máy bay khổng lồ tại căn cứ không quân Andrews, nơi thường có chiếc Không lực 1 và chiếc máy bay sinh đôi của nó nằm ở đó. Nếu một chiếc có vấn đề, chiếc còn lại sẽ sẵn sàng đưa Tổng thống Mỹ tới bất cứ đâu ông muốn.
Các bộ phận của chiếc Không lực 1 được sửa chữa hoặc thay thế ngay tức khắc nếu có vấn đề. Trong nhà chứa máy bay cũng có chỗ tập bắn để phi hành đoàn có thể rèn luyện kỹ năng dùng súng của mình.
Phần trần của máy bay, chạy dọc theo chiều dài của chiếc Không lực 1 và nằm trên khoang hành khách là nơi giấu các thiết bị làm nhiễu sóng vô tuyến, các ăngten thường dùng và bộ cảm biến phát hiện bất cứ cuộc tấn công nào có thể diễn ra.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trên chuyên cơ của mình - Ảnh: New York Times |
Khi Tổng thống Mỹ trên đường tới hoặc có mặt ở nhà chứa máy bay, các nhân viên bảo vệ thường xuyên kiểm tra toàn khu vực đề phòng các mối đe dọa.
Chiếc trực thăng Marine 1 và 2 đưa Tổng thống từ Nhà Trắng tới căn cứ Andrews chỉ trong 10 phút.
Một khi tổng thống đã ở trên máy bay, đường dây điện thoại trắng và nâu được bảo đảm trong phòng họp sẽ cho phép tổng thống làm việc từ bất cứ đâu.
Trong khoang lái, ngoài phi công chính và phụ, trên Không lực 1 còn có một kỹ sư và một chuyên gia hàng không.
Trong sự kiện 11-9, chiếc Không lực 1 giữ vai trò như một pháo đài. Một quan chức ngành hàng không Mỹ nói: "Không lực là an toàn nhất ở trên không". Cuộc tấn công có thể xuất phát từ trên không nhưng tính tới độ an toàn của tổng thống, trên mặt đất còn nhiều mối đe dọa hơn.
Ông Bush xem tin tức về vụ tấn công khủng bố 11-9 trên chuyên cơ Air Force One |
Nhóm cầu hàng không của tổng thống chịu trách nhiệm về những chiếc Không lực 1, đã từng tìm cách đưa Tổng thống Bush tới Baghdad trong sứ mệnh tuyệt mật giữa đêm tối để dùng tiệc Tạ ơn tối với binh sĩ vào năm 2003.
Trong chuyến bay bí mật này, chuyên cơ của Tổng thống Mỹ hạ cánh trong bóng tối hoàn toàn. Các binh sĩ chỉ nhận ra máy bay dưới ánh trăng.
Lo sợ máy bay sẽ trở thành mục tiêu tấn công, phi hành đoàn luôn cảnh giác cao độ, ngay cả khi ở trên mặt đất. Một khi tổng thống quay lại máy bay, phi công sẽ mau chóng đưa máy bay lên tới độ cao 10.000 feet - ngoài tầm tấn công - càng nhanh càng tốt.
Bài trước:
Trên 1.000 người tháp tùng ông Obama
Lực lượng, phương tiện "khủng" phục vụ tổng thống Mỹ công du
Đón xem bài tiếp theo: Hậu trường chuẩn bị hậu cần, an ninh cho chuyến thăm của tổng thống Mỹ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận