Khu lều của người nhập cư tại khu vực biên giới Hi Lạp - Macedonian - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí sẽ có một số nhượng bộ về tài chính và chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara ngăn được dòng người tị nạn tìm cách vào Hy Lạp.
Theo đó, Ankara sẽ tiếp nhận lại toàn bộ người di cư tới các đảo của Hy Lạp bằng cách vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đổi lại, cứ mỗi người tị nạn Syria được trả từ Hy Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ, EU sẽ tái định cư một người trực tiếp từ các trại ở Thổ Nhĩ Kỳ và tăng hỗ trợ tài chính cho những người tị nạn ở nước này.
Đồng thời, EU sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như xem xét chương trình miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ du lịch tới các nước EU.
Chủ tịch hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ chủ trì cuộc đàm phán giữa EU và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vào 14g30 chiều 18-3 (giờ Việt Nam) để trình bày đề xuất trên. EU mong muốn đẩy nhanh thỏa thuận với EU trước khi người di cư ồ ạt đổ về Hy Lạp.
Tuy nhiên điều này cũng chưa thể đảm bảo một thỏa thuận với Ankara.
"Cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dễ dàng” - Reuters dẫn lời thủ tướng Đức Angela Merkel. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng lo lắng “chúng ta đang đi đúng hướng nhưng vẫn chưa đến đích. Tôi không đảm bảo sẽ có một kết cục tốt đẹp”.
Trước đó, nhiều thành viên EU vẫn còn chia rẽ về tính hợp pháp của kế hoạch đẩy người tị nạn trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Dalia Grybauskaite của Lithuania cảnh báo đề xuất này đã chạm tới rìa của luật pháp quốc tế và rất khó thực hiện.
Thủ tướng Davutoglu cũng nhấn mạnh sẽ không chấp nhận biến Thổ Nhĩ Kỳ thành “nhà tù” của những người di cư. Ngày 17-3, chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cảnh báo các cuộc đàm phán giữa hai bên nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng không thể gắn với nỗ lực gia nhập EU của Ankara.
"Chúng tôi cần một đối tác chứ không phải phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ" - ông Schulz nói. Theo tổng thống Pháp Hollande, đề xuất mới buộc Ankara phải đáp ứng toàn bộ 72 điều kiện của EU trước khi được hưởng quy chế miễn thị thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận