11/11/2015 11:15 GMT+7

Bà Aung San Suu Kyi đắc cử Hạ nghị sĩ Myanmar

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Ngày 11-11, Ủy ban bầu cử liên bang của Myanmar thông báo thủ lĩnh đảng NLD đối lập, bà San Suu Kyi, đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và được bầu lại làm Hạ nghị sĩ.

Bà Aung San Suu Kyi và chồng Michael Aris thời trẻ - Ảnh: Getty Images

Ngày 11-11, Ủy ban bầu cử quốc gia đã xác nhận kết quả với tổng cộng 88 ghế ở hạ viện và 33 ghế thượng viện, trong đó NLD giành lần lượt 78-29 ghế, so với 5-2 của đảng cầm quyền.

Các đảng nhỏ hơn và các ứng viên đối lập đắc cử cho những vị trí còn lại.

NLD đưa ra 1.123 ứng viên cho cuộc bầu cử lần này, trong khi đảng cầm quyền có 1.122.

Ở các hội đồng dân biểu địa phương, NLD đã giành được 182 ghế so với 19 của đảng cầm quyền.

Cuộc đời của bà San Suu Kyi, thủ lĩnh đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập đầy biến cố và bi kịch.

Bà sinh ngày 19-6-1945 tại Rangoon (Yangon hiện nay). Cha bà là Aung San, người sáng lập quân đội Myanmar hiện đại và góp công giúp Myanmar giành độc lập từ đế quốc Anh năm 1947.

Aung San Suu Kyi - "đóa hồng" làm nên kỷ nguyên mới

Khi bà mới 2 tuổi, cha bà cùng bảy lãnh đạo chính phủ bị đối thủ chính trị giết hại trong cuộc thảm sát đẫm máu ngày 19-7-1947 tại Rangoon. Bà Suu Kyi lớn lên trong vòng tay mẹ Khin Kyi và hai anh trai Aung San Lin và Aung San Oo.

Bi kịch gia đình lại ập đến khi Aung San Lin chết đuối ở một hồ nước gần nhà khi mới 8 tuổi. Sau đó, gia đình bà Suu Kyi chuyển đi nơi khác.

Bà Khin Kyi tham gia hoạt động chính trị và được bổ nhiệm lại đại sứ Ấn Độ và Nepal năm 1960. Và Suu Kyi đi theo mẹ đến Ấn Độ.

Sau đó bà sang Anh học tại ĐH Oxford. Ở đây bà gặp ông Michael Aris, một sử gia Anh, chuyên nghiên cứu văn hóa Tây Tạng. Hai người làm đám cưới năm 1972 và có hai con trai là Alexander và Kim.

Dù xa nhà, bà Suu Kyi luôn tin rằng sứ mệnh của bà là đóng góp cho đất nước. Bà nói thẳng điều đó với chồng mình trước khi hai người làm đám cưới.

“Tôi muốn đảm bảo rằng ông ấy hiểu rõ từ đầu là đất nước có ý nghĩa to lớn đối với tôi. Khi cần thiết, tôi phải quay về Myanmar và ông ấy không thể cản trở điều đó” - BBC News dẫn lời bà Suu Kyi kể.

Sứ mệnh vì đất nước

Năm 1988, bà Suu Kyi trở lại Myanmar để chăm sóc người mẹ hấp hối. Khi đó bà nói với chồng và hai con rằng sẽ quay lại Anh sau vài tuần. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.

Năm 1988, đất nước Myanmar trải qua nhiều biến động, ngày 8-8 quân đội mở cuộc trấn áp giết chết tới 5.000 người biểu tình. Sự kiện đó đi vào lịch sử với cái tên Cuộc nổi dậy 888.

Sau cuộc đảo chính quân sự ngày 18-9, bà Suu Kyi thành lập NLD. Trong vai trò tổng thư ký NLD, bà Suu Kyi liên tục đi vận động, phát biểu, kêu gọi dân chủ và tự do.

Nhưng đến ngày 20-7-1989 bà bị chính quyền quân sự giam giữ tại gia. Bà được đề nghị rời Myanmar để đổi lấy tự do nhưng từ chối. Trong thời gian bị giam giữ tại gia, bà Suu Kyi học thiền và nghiên cứu Phật pháp.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, năm 1990 chính quyền quân sự Myanmar buộc phải tổ chức tổng tuyển cử. Đi vận động tranh cử cho NLD, bà Suu Kyi và nhiều người khác lại bị bắt giam.

Bản thân bà bị cấm tham gia tranh cử. Cuộc bầu cử diễn ra và NLD giành chiến thắng vang dội với 82% số ghế quốc hội. Tuy nhiên quân đội không công nhận kết quả bầu cử và từ chối rời bỏ quyền lực chính trị.

Bà Suu Kyi gặp ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại nhà của bà năm 2011 - Ảnh: Telegraph

Bị giam 15 năm

Bà Suu Kyi bị giam giữ tại gia trong ngôi nhà cũ của mẹ bà ở số 54 đại lộ University, Rangoon. Bà dành phần lớn thời gian đọc sách và luyện thiền. Bà được trao giải Sakharov năm 1990 và Giải Nobel hòa bình năm 1991.

Hai con trai bà đã nhận giải Nobel thay cho bà. Bà dùng số tiền thưởng 1,3 triệu USD của giải Nobel để lập một quỹ y tế và giáo dục cho người dân Myanmar.

Trong thời kỳ bị giam giữ, bà quyết định lựa chọn con đường đấu tranh chính trị phi bạo lực. “Tôi chọn phi bạo lực không phải vì lý do đạo đức mà vì lý do chính trị và thực tế” - bà Suu Kyi cho biết hồi năm 2007. Sau khi được trả tự do vào tháng 7-1995, bà Suu Kyi vẫn bị hạn chế đi lại.

Kể từ lần đầu tiên bị giam giữ tại gia, bà Suu Kyi chỉ gặp chồng năm lần, lần cuối cùng là hồi Giáng sinh 1995.

Sau đó chính quyền quân sự từ chối cấp thị thực cho ông Aris. Năm 1997, ông mắc bệnh ung thư. Bất chấp những lời kêu gọi của Chính phủ Mỹ, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và giáo hoàng John Paul II, chính quyền Myanmar vẫn không cho phép ông Aris đến gặp bà Suu Kyi. Họ yêu cầu bà phải sang Anh gặp chồng.

Tuy nhiên bà Suu Kyi từ chối sang Anh vì lo ngại chính quyền quân sự sẽ không cho bà về nước. Ông Aris qua đời vào tháng 3-1999. Bà Suu Kyi cũng phải sống xa hai con ở Anh.

Sau này bà kể lại một trong những điều hối tiếc lớn nhất của cuộc đời bà là phải sống xa gia đình. “Ai cũng muốn ở bên cạnh gia đình mình. Tôi có nhiều điều hối tiếc. Tôi muốn được sống cùng gia đình và chứng kiến hai con trai trưởng thành” - bà Suu Kyi kể.

Nhưng bà không hề nghi ngờ gì về sự lựa chọn ở lại với đất nước. Năm 2000, bà lại bị giam giữ tại gia vì nhiều lần rời Rangoon để dự các cuộc họp chính trị. Năm 2002, bà được trả tự do và có quyền đi lại nhưng liên tục bị quấy rối. Tháng 5-2003, đoàn xe của bà Suu Kyi bị một nhóm người ủng hộ Đảng USDA cầm quyền tấn công, hơn 70 người ủng hộ bà bị đánh đến chết. Lái xe kịp đưa bà chạy thoát. Sự kiện đó có tên là thảm sát Depayin.

Chính quyền quân sự khẳng định đây là một vụ bạo động do NLD kích động. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu mở cuộc điều tra nhưng vô hiệu. Sau đó bà Suu Kyi lại bị giam giữ tại gia.

Đường dây điện thoại nhà bà bị cắt, chính quyền đuổi cổ những người tình nguyện của NLD đến bảo vệ an ninh cho bà. Kể cả Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon khi đến Myanmar năm 2009 cũng không được thăm bà.

Ở tuổi 70, bà Suu Kyi đang đứng trước chiến thắng chính trị lịch sử - Ảnh: Reuters

 

Được tôn sùng

Tháng 5-2009, bà Suu Kyi bị bắt vì tội vi phạm quy định giam giữ tại gia sau khi công dân Mỹ John Yettaw bơi qua hồ tới nhà bà. Tháng 8 bà bị xử tù 3 năm. Trước phản ứng dữ dội của quốc tế, bản án giảm xuống còn 18 tháng giam giữ tại gia.

Bà chỉ được trả tự do sáu ngày sau cuộc bầu cử tháng 11-2010. Tính ra bà Suu Kyi bị giam giữ tại gia trong tổng cộng hơn 15 năm.

Sau đó, bà Suu Kyi bắt đầu gặp nhiều lãnh đạo chính trị quốc tế như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Ngoại trưởng Anh William Hague. Năm 2011, chính quyền quân sự Myanmar bắt đầu thực hiện cuộc cải cách lịch sử. Năm 2012, bà Suu Kyi quyết định tranh cử giữa kỳ và giành ghế trong quốc hội.

Giới quan sát quốc tế đánh giá những hoạt động chính trị của bà Suu Kyi từ năm 2012 chưa thật sự thuyết phục. Bà không tạo ra được mối quan hệ hiệu quả với Tổng thống Thein Sein, không thuyết phục được quân đội thay đổi hiến pháp.

Bà bị chỉ trích là chặn đường các chính trị gia trẻ tuổi của NLD có thể đe dọa vị trí của bà. Bà cũng khiến cộng đồng quốc tế bất mãn khi không tuyên bố về việc người Hồi giáo Rohingya mất nhà cửa vì đụng độ với người theo đạo Phật.

Dẫu vậy, bà Suu Kyi vẫn là nhân vật được tôn sùng tại Myanmar. Một số nhà quan sát cũng nhận định bà Suu Kyi đã chứng tỏ sự thực tế và cứng rắn cần thiết để tồn tại trên chính trường.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Aung San Suu Kyi Myanmar