07/07/2015 12:34 GMT+7

Hi Lạp rơi vào hố sâu khủng hoảng ra sao?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - “Mối tình” giữa Hi Lạp và đồng euro bắt đầu với những niềm hi vọng lớn lao, nhưng đất nước này đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ. Thực tế những dấu hiệu của tương lai đen tối Hi Lạp đã le lói từ 14 năm trước.

Quốc kỳ Hi Lạp bay sau bức tượng thể hiện tinh thần thống nhất của châu Âu bên ngoài tòa nhà Nghị viện châu Âu ở Brussels (Bỉ) - Ảnh: Reuters

Năm 2001, Hi Lạp trở thành quốc gia thứ 12 gia nhập khối đồng euro trước khi đồng tiền chung châu Âu được chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2002. Để được gia nhập khối đồng euro, một quốc gia phải đạt chuẩn kinh tế tương tự các nước thành viên khác.

Khi Hi Lạp được nhận vào “câu lạc bộ châu Âu”, Bộ trưởng Tài chính Yannos Papantoniou mô tả đó là ngày đất nước này được đưa vào trung tâm châu Âu. Nhưng ngay ở thời điểm đó, những lời cảnh báo đã vang lên.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Wim Duisenberg khẳng định Hi Lạp cần phải nỗ lực cải thiện nền kinh tế và kiểm soát tỉ lệ lạm phát. Và thực tế là Hi Lạp không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để gia nhập khối đồng euro.

Giấu giếm và lờ tịt

Một trong các điều kiện là quốc gia thành viên không được có tỉ lệ thâm hụt ngân sách vượt qua 3% GDP. Nhiều nước khối đồng euro cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn này. Nhưng theo CNN, Hi Lạp là đối tượng vi phạm nghiêm trọng nhất.

Chính quyền Athens đã che giấu số liệu thâm hụt ngân sách thực tế. Tháng 3-2004, tân Thủ tướng Konstantinos Karamanlis lên nắm quyền và kiểm tra sổ sách tài chính. Kết quả là vô cùng đáng lo ngại. Thâm hụt ngân sách của Hi Lạp không phải là 1,5% như chính phủ đời trước công bố để được gia nhập khối đồng euro, mà lên tới 8,3%.

Con số thực tế cao hơn tới 5,5 lần so với con số công bố. Nợ thực tế của Hi Lạp cũng cao hơn nhiều so với những gì đã thông báo. Chính quyền Thủ tướng Karamanlis đối mặt với thế lưỡng nan là phải làm gì với thông tin gây sốc này. Nhưng đến tháng 8-2004, Thế vận hội Athens sắp sửa khai mạc. Đại hội thể thao lớn nhất thế giới quay trở lại với nguồn cội.

Đó là thời điểm để Hi Lạp tỏa sáng trên trường quốc tế. Không muốn khiến người dân Hi Lạp và các nước châu Âu lo ngại, chính quyền Thủ tướng Karamanlis cũng bắt tay che giấu tỉ lệ thâm hụt ngân sách thực. Năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu bùng lên ở Mỹ rồi lan rộng khắp thế giới.

Các nước Liên minh châu Âu (EU) như Tây Ban Nha hay Ireland bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng Hi Lạp là một trong số các quốc gia thiếu sự chuẩn bị nhất để đối phó với cơn bão tài chính toàn cầu. Năm 2008, hệ thống thu thuế của Hi Lạp sụp đổ.

Khoảng trống trong ngân sách trở nên quá khổng lồ đến mức không thể che giấu được nữa. Hi Lạp buộc phải ngửa tay xin cứu trợ tài chính. Khối đồng euro lo ngại nếu Hi Lạp vỡ nợ, chi phí vay nợ của các nước khác trong khối sẽ tăng vọt. Do đó, châu Âu không còn sự lựa chọn nào khác là hỗ trợ tài chính Hi Lạp.

Vay nợ để trả nợ

Năm 2009, các nhà đầu tư quốc tế lo ngại Hi Lạp không thể trả nợ. Các hãng Fitch và Moody’s lần lượt hạ bậc tín dụng Hi Lạp. Chi phí vay nợ của Athens tăng vọt và có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Do đó, “bộ ba” Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định can thiệp.

Tháng 5-2010, các nhà lãnh đạo khối đồng euro và Chính phủ Hi Lạp đạt thỏa thuận về gói cứu trợ 110 tỉ euro. Nhưng gói cứu trợ đi kèm các điều kiện rất ngặt nghèo. Đó là Chính phủ Athens phải cải thiện hệ thống thu thuế, giảm chi phí nhằm cân bằng ngân sách. Giảm chi có nghĩa là sa thải công chức.

Hậu quả là công chức mất việc buộc phải giảm chi tiêu, khiến các doanh nghiệp lao đao và sa thải công nhân. Tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt khiến nguồn thu thuế của chính phủ giảm mạnh. Đến năm 2012, thất nghiệp Hi Lạp vọt lên tới gần 30%. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra.

“Thuốc đắng” của gói cứu trợ tỏ ra không hiệu quả. Tháng 2-2012, chính quyền Athens nhận thêm gói cứu trợ thứ hai, nâng tổng số nợ lên 246 tỉ euro. Hi Lạp chấp nhận thêm một chương trình thắt lưng buộc bụng mới. Nợ Hi Lạp đã chạm ngưỡng 135% GDP. Athens cứ đi vay nợ để trả nợ và không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.

Năm 2015, ngân sách Hi Lạp vẫn thâm thủng vì các vấn đề cũ. Kinh tế không thể tăng trưởng do chính phủ phải thắt lưng buộc bụng cùng khổ. Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền với cam kết chống các điều kiện hà khắc của châu Âu. Đàm phán với chính quyền Tsipras và châu Âu đổ vỡ hồi tháng 6. Hi Lạp vỡ nợ.

Sau cuộc trưng cầu ý dân, chính quyền Hi Lạp và “bộ ba” ECB, EC và IMF sẽ lại tiếp tục đàm phán giống như những lần trước. Câu hỏi đặt ra là liệu đến bao giờ Hi Lạp mới có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn vô định này?

 

 

 

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên