20/04/2015 06:00 GMT+7

​700 người nghi đã chết trong vụ lật thuyền trên Địa Trung Hải

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Thảm kịch mới nhất đã hối thúc các quốc gia châu Âu phải có những giải pháp cho vấn đề người nhập cư bằng đường biển.

Một tàu cứu hộ ứng cứu sau vụ lật thuyền chở người di cư trên Địa Trung Hải nghi đã làm 700 người chết (ảnh từ video của cảnh sát biển Italy) - Ảnh: Reuters 

Theo AFP, hơn 700 người nghi là đã chết sau vụ lật thuyền ngoài khơi Libya trên hành trình tới châu Âu. Nếu số người tử nạn được xác nhận, đây sẽ là thảm kịch lớn nhất tính đến nay kể từ sau Thế chiến thứ 2 xảy ra với những di dân trên Địa Trung Hải.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy là đơn vị điều phối công tác tìm kiếm những người sống sót và trục vớt thi thể người bị nạn cho biết, chỉ có 28 người trên thuyền được cứu.

Vụ việc đã khiến Giáo hoàng Francis và nhiều tổ chức phi chính phủ kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu phải hành động khẩn trương để ngăn chặn những thảm kịch được cho là “có thể tránh được” này.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), những người sống sót cho biết đã có khoảng 700 người trên chiếc thuyền cá dài 20 mét khi nó ra khơi ban đêm. Tuy nhiên một di dân người Bangladesh được trực thăng đưa về bệnh viện ở Sicily lại cho rằng, số người trên thuyền phải là 950 người, có khoảng 200 phụ nữ và gần 50 trẻ em trong đó.

Hôm qua (19-4), thủ tướng Italy Matteo Renzi cho biết Italy sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu vào cuối tuần này để tìm giải pháp cho vấn đề người di cư trên Địa Trung Hải. Ông Matteo cũng nói đây sẽ phải là vấn đề ưu tiên hiện nay.

Sau thảm kịch mới nhất vừa xảy ra, nhiều tổ chức phi chính phủ đã chỉ trích Liên minh châu Âu về sự việc, cho rằng nếu Italy vẫn duy trì hoạt động tìm kiếm cứu hộ trên diện rộng ở ngoài khơi biển phía nam nước này thì có lẽ thảm kịch trên đã không xảy ra.

Sứ mệnh Mare Nostrum tìm kiếm và giải cứu những người di cư bằng đường biển kéo dài hàng trăm năm của Italy đã kết thúc cuối năm ngoái sau khi những đối tác EU khác không hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động. Họ cho rằng, việc duy trì sứ mệnh này đã vô tình khuyến khích gia tăng tình trạng nhập cư trái phép bằng đường biển của di dân từ bắc Phi vào châu Âu.

 

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên