28/12/2014 11:51 GMT+7

2014: năm thảm họa của ngành hàng không Malaysia

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Trước thông tin về chuyến bay QZ 8501 của Hãng hàng không AirAsia, trong năm 2014, ngành hàng không Malaysia điêu đứng bởi những thảm họa của Malaysia Airlines.

Một phụ nữ ký vào tấm bảng với thông điệp cầu nguyện cho các nạn nhân MH370 ở Kuala Lumpur - Ảnh: Reuters

Đầu tiên là vụ chuyến bay MH370 mất tích một cách bí ẩn hồi tháng 3. Sau đó đến lượt chuyến bay MH17 bị bắn rơi trên bầu trời đông Ukraine. 

MH370

Ngày 8-3-2014, chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines chở 227 hành khách và 12 nhân viên phi hành đoàn cất cánh từ Kuala Lumpur để tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Máy bay ngừng liên lạc với đài kiểm soát không lưu vào lúc 1g19 (giờ địa phương) khi bay trên bầu trời biển Đông.

Các quốc gia khu vực mở chiến dịch tìm kiếm quốc tế trên vịnh Thái Lan và biển Đông. Ngày 12-3, nhà chức trách Malaysia và Thái Lan mở rộng diện tích tìm kiếm tới biển Andaman, phía tây bắc eo biển Malacca, theo xác định của phía Malaysia.  

Người nhà hành khách trên chuyến bay số hiệu MH370 mòn mỏi chờ tin - Ảnh: AFP

Ngày 15-3, các nhà điều tra cho biết theo dữ liệu radar quân sự, máy bay MH370 đã chuyển hướng tới phía nam Ấn Độ Dương, phía tây nước Úc. Trong hai tuần đầu tiên của tháng 4, tám quốc gia đã triển khai hàng loạt máy bay và tàu tới Ấn Độ Dương để tìm kiếm.

Một tàu ngầm tìm kiếm khu vực đáy đại dương gần khu vực phát ra tín hiệu “ping”, có thể xuất phát từ hộp đen máy bay. Tuy nhiên tàu ngầm này không phát hiện thấy mảnh vỡ nào. Đến nay các đội tìm kiếm đã lùng sục trên diện tích hơn 150.000km2 ở Ấn Độ Dương nhưng vẫn hoài công.

Đây là chiến dịch tìm kiếm đắt đỏ nhất trong lịch sử. Một cuộc truy lùng dưới đáy đại dương bắt đầu từ ngày 5-10-2014 sẽ kéo dài 12 tháng, với chi phí khoảng 56 triệu USD.

MH17

Cú sốc thứ hai đối với Malaysia Airlines xảy ra ngày 17-7-2014. Chuyến bay MH17 từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur bất ngờ nổ tung trên bầu trời vùng Donetsk thuộc miền đông Ukraine, 283 hành khác và 15 nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Thảm họa xảy ra khi quân đội Ukraine và quân ly khai thân Nga đang giao tranh dữ dội. Trong ngày, chính phủ Ukraine đã đóng cửa không phận miền đông. 

Tàn tích máy bay MH17 tại miền đông Ukraine - Ảnh: Independent 

Trong khi Kiev, tình báo Mỹ và Đức cáo buộc quân ly khai thân Nga đã dùng tên lửa đất đối không Buk bắn rơi chiếc Boeing 777 vì tưởng lầm đó là máy bay quân sự Ukraine thì phía chính phủ Nga và quân ly khai khẳng định máy bay chiến đấu của Ukraine đã bắn rơi chiếc Boeing 777.

Ủy ban An toàn Hà Lan đang mở cuộc điều tra và ngày 9-9 ủy ban công bố báo cáo sơ bộ xác nhận máy bay bị bắn rơi, có thể do tên lửa đất đối không. 

Ngay trong ngày 17-7, các đội cứu hộ Ukraine cho biết đã tìm thấy 181 thi thể. Ngày 21-7, quân ly khai thân Nga cho phép các nhà điều tra Hà Lan khám nghiệm tử thi. Đến thời điểm đó, 272 thi thể đã được tìm thấy. Các thi thể được đưa tới Kharkiv để lên máy bay về Hà Lan.

Ngày 5-12, các chuyên gia Hà Lan xác định được danh tính của 292 trên tổng số 298 nạn nhân. Bất chấp thảm họa, chiến tranh ở đông Ukraine vẫn tiếp diễn.

Phi công không gửi tín hiệu cấp cứu

Trong buổi họp báo, giám đốc Vận tải hàng không thuộc Bộ giao thông Indonesia Joko Muryo Atmodjo, cho biết chiếc máy mất liên lạc khi ở giữa khu vực cảng Tanjung Pandan và thị trấn Pontianak (thuộc miền tây Kalimantan).

Theo ông Atmodjo, chiếc máy bay bay ở độ cao 32.000 feet và đã yêu cầu bay ở độ cao 38.000 feet để tránh mây.

Bộ Giao thông Indonesia cho biết các phi công không hề gởi tín hiệu cấp cứu. Indonesia AirAsia khẳng định cả cơ trưởng và cơ phó chuyến bay đều là những phi công rất có kinh nghiệm.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên