23/10/2014 09:05 GMT+7

​Buôn bán nô lệ tàn bạo như Trung cổ

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Tội phạm buôn người tại châu Á đang thay đổi hình thái nguy hiểm hơn, hình thành nên một thị trường buôn bán nô lệ dã man như thời Trung cổ, theo bài điều tra đặc biệt của Reuters.

 

Con tàu chở nạn nhân bị bắt cóc được tuần duyên Bangladesh giải cứu hồi tháng 6-2014 - Ảnh: Reuters
Con tàu chở nạn nhân bị bắt cóc được tuần duyên Bangladesh giải cứu hồi tháng 6-2014 - Ảnh: Reuters

Afsar Miae là một thanh niên 20 tuổi, đã có vợ và ba con, sống ở vùng Teknaf, miền nam Bangladesh. Tháng 9 vừa qua, Miae rời nhà để tìm việc làm rồi không ai thấy anh quay về nữa.

Mãi đến gần đây, cảnh sát Thái Lan mới tìm thấy Miae cùng 80 người khác trong tình trạng kiệt quệ trên một hòn đảo hẻo lánh ở tỉnh Phang Nga, phía bắc đảo du lịch nổi tiếng Phuket của Thái Lan. Họ đã bị bắt cóc và giam cầm trong một thời gian dài.

Câu chuyện của những người sống sót như Miae đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng buôn bán người ở châu Á.

Nếu trước đây đa số nạn nhân bị lừa để lên những con tàu bán sống họ thì nay bọn tội phạm chuyển sang dùng vũ lực, cưỡng bức và giam cầm các nạn nhân trước khi đem bán.

Ăn lá cây để sống

Trong số nạn nhân có một phụ nữ rất đẹp. Bọn chúng mang cô ấy lên khoang trên. Khi trở lại cô ấy khóc và quần áo ướt đẫm. Cô ấy không nói gì cả
Nạn nhân MOHAMAD NOBIR NOOR

Miae đến một trung tâm môi giới việc làm ở ngoại ô Teknaf vào một ngày tháng 9 định mệnh. Một người đàn ông lịch sự mời anh ly nước, và chỉ một lát sau anh cảm thấy buồn ngủ, đầu óc quay cuồng rồi mất ý thức.

Khi tỉnh dậy, Miae thấy mình bị trói cùng bảy người khác. Họ bị hai người đàn ông Bangladesh ép lên một chiếc thuyền nhỏ. Trong đêm, họ giong ra khơi cho đến khi cập mạn một con tàu lớn đang neo đậu, trên đó có nhiều người cầm súng canh gác.

Miae cùng hàng trăm người khác bị tống xuống hầm tàu chật chội, ẩm thấp. Họ thường xuyên bị đánh đập bằng roi và phải sống với khẩu phần ăn mỗi ngày là một nắm cơm và uống nước bẩn, tất cả chỉ để cầm hơi.

Bốn ngày sau đó, con tàu di chuyển đến vùng biển Thái Lan sau khi đã chất đầy “hàng hóa”. Từ năm ngoái, bọn tội phạm giam giữ hàng ngàn người như thế trong các lán trại ở rừng. Chúng yêu cầu thân nhân những nạn nhân phải trả tiền để chuộc họ về, nhưng không phải ai cũng đủ may mắn để sống sót cho đến lúc đó.

“Nhiều người bệnh nặng và đa số gầy trơ xương. Họ đã phải ăn lá cây để sống” - ông Jadsada Thitimuta, một quan chức Thái ở tỉnh Phang Nga, kể lại tình trạng của những tù nhân - nô lệ khi được giải cứu. Nhưng bọn tội phạm canh gác đã kịp bỏ trốn trước đó khi biết bị bại lộ.

Mohamad Nobir Noor là một trường hợp tương tự. Chàng trai 27 tuổi người Rohingya (dân tộc thiểu số, đa số định cư ở bang Rakhine, Myanmar) đang sống trong một khu ổ chuột ở Bangladesh gần biên giới Myanmar khi bị bắt cóc vào một buổi chiều tháng 9 năm ngoái.

Nhiều người đàn ông cầm dao và gậy gộc ép anh lên chiếc thuyền nhỏ. Mọi thứ sau đó xảy ra như với Miae.

Noor ước chừng khoảng 550 người bị bắt lên tàu, trong đó có 30 phụ nữ. Họ bị quản thúc bởi một nhóm người có súng, đa số nói tiếng Thái.

“Trong chúng tôi có một phụ nữ rất đẹp. Bọn chúng mang cô ấy lên khoang trên. Khi trở lại cô ấy khóc và quần áo ướt đẫm. Cô ấy không nói gì cả” - Noor nhớ lại.

Đào tẩu và nổi loạn

Hàng chục ngàn người đang bị nhốt

Theo số liệu của Arakan Project, một nhóm đấu tranh vì quyền lợi của người Rohingya, trong năm 2013 có khoảng 40.000 người thuộc dân tộc này bị nhốt trong các lán trại ở Thái Lan. Họ bị giam cầm cho đến khi người thân trả một khoản tiền chuộc, bọn buôn người sẽ thả họ qua biên giới Malaysia.

Trong chiến dịch truy quét hồi đầu năm nay, cảnh sát Thái Lan phát hiện không chỉ người Rohingya mà còn có hàng trăm cư dân của các nước khác như Bangladesh hay người Uighur từ tây bắc Tân Cương, Trung Quốc.

Nước uống trên tàu hiếm đến nỗi Noor kể anh phải uống nước tiểu của mình. Khi một ai đó qua đời, một nhóm nhỏ được phép mang thi thể lên boong tàu. Họ chỉ được phép nói qua loa vài lời cầu nguyện rồi ném nạn nhân xuống biển. “Cho cá mập” - Noor giải thích ngắn gọn.

Một lần nọ, Noor liều lĩnh nhảy khỏi boong tàu khi đang đi vệ sinh nhưng không thành. Bọn canh gác lôi anh lại và trừng trị anh bằng cách gí điện bằng dây nối với máy tàu. Thông thường, các nạn nhân đã quá kiệt sức hoặc quá sợ hãi nên ít dám đứng lên chống lại những kẻ giam giữ.

Nhưng đôi khi cũng có ngoại lệ. Sáng 11-6-2014, đội bảo vệ bờ biển Bangladesh tiếp cận một con tàu của Thái ngoài khơi đảo St. Martin, thuộc vùng biển Bangladesh và đã chứng kiến một cảnh tượng đẫm máu. Đó là kết quả của một cuộc nổi loạn chống lại bọn buôn người.

Vì đói ăn và thiếu nước, những người bị giam giữ phải liều mạng dùng số đông để tấn công nhóm bắt cóc.

“Nhưng một con tàu khác thuộc nhóm này đã nhanh chóng đến chi viện, chúng xả súng vào nhóm người đó” - thiếu tá Mahmud của lực lượng bảo vệ bờ biển Bangladesh nhớ lại.

Giới chức tỉnh Phang Nga tin rằng Miae và những người khác bị bọn buôn người chở đến hòn đảo hẻo lánh trong đêm tối để sau đó di chuyển đến một địa điểm khác. Tuy nhiên, chính quyền đã được mật báo và bọn tội phạm phải bỏ chạy.

Các nhà điều tra cho biết còn khoảng 190 “hành khách” khác trên cùng chuyến tàu với Miae vẫn chưa rõ tung tích. Họ cũng bị mang ra khỏi Bangladesh qua vịnh Bengal và có lẽ đang bị nhốt ở nhiều trại tập trung bí mật khác.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên