Thủ tướng Narendra Modi (giữa) ra đường quét rác ở thủ đô New Delhi ngày 2-10 - Ảnh: Reuters |
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi (2-10), ông Modi đã phát động chiến dịch Swachh Bharat Abhiyan, hay còn gọi là Sứ mệnh dọn dẹp Ấn Độ.
Theo Reuters, chiến dịch này đề ra mục tiêu hiện đại hóa các tiêu chuẩn vệ sinh trong vòng năm năm. Mệnh lệnh đầu tiên của ông trong chiến dịch này là yêu cầu các công chức nhà nước dọn dẹp công sở và ngay cả nhà vệ sinh.
Để phát động chiến dịch, theo Times of India, ông Modi đã mời chín người nổi tiếng bao gồm cả vận động viên thể thao và diễn viên giúp tuyên truyền nhận thức về sự sạch sẽ.
Lấy ý tưởng từ “Thử thách giội xô nước đá” (Ice bucket challenge), ông Modi yêu cầu những người nổi tiếng này đề cử chín người khác tham gia chiến dịch dọn sạch Ấn Độ và hi vọng chiến dịch nhờ đó mà lan rộng.
Mahatma Gandhi đã mơ về một Ấn Độ không chỉ tự do mà còn sạch sẽ và phát triển. Mahatma Gandhi đã đem lại tự do cho Ấn Độ. Bây giờ, nhiệm vụ của chúng ta là phục vụ đất nước bằng cách giữ cho Ấn Độ gọn gàng và sạch sẽ |
Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi |
Vệ sinh kém kéo lùi đất nước
Ai từng đến Ấn Độ chắc hẳn sẽ không khỏi khó chịu khi nhìn các thị trấn và thành phố lớn ở đất nước đang tăng trưởng nhanh chóng này bị xả rác khắp nơi. Hầu hết các con sông và hồ đều bị ô nhiễm bởi chất thải và nước thải công nghiệp.
Theo số liệu của tổ chức từ thiện WaterAid, chưa đến 1/3 trong dân số 1,2 tỉ người của Ấn Độ tiếp cận được với các tiêu chuẩn vệ sinh. Có tới hơn 186.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này tử vong mỗi năm vì tiêu chảy mà nguyên nhân chủ yếu là nguồn nước không an toàn và điều kiện vệ sinh thấp kém.
Số liệu của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 5 cũng cho thấy một nửa dân số Ấn Độ đi đại tiện bên ngoài chứ không đi trong nhà vệ sinh, gây ra các nguy cơ mắc bệnh tả, tiêu chảy, bệnh lỵ, viêm gan A và thương hàn.
Ngân hàng Thế giới năm 2006 ước tính Ấn Độ thiệt hại khoảng 6,4% GDP hằng năm vì điều kiện vệ sinh tồi tệ.
Mục tiêu mà ông Modi đề ra là mọi nhà, mọi trường học đều có nhà vệ sinh vào năm 2019, đúng vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh cựu lãnh tụ Gandhi.
Theo The Guardian, chiến dịch này dự kiến tiêu tốn khoảng 620 tỉ rupee (khoảng 10 tỉ USD) với ba phần đóng góp đến từ khối doanh nghiệp, các tổ chức phát triển quốc tế và những nơi khác.
Nặng nề chuyện giai cấp
Để thành công, theo Reuters, ông Modi sẽ phải dẹp bỏ quan niệm lạc hậu xưa nay ở vùng quê là “đại tiện trong nhà là không sạch sẽ”.
Thêm vào đó, giới quan sát cho rằng tân thủ tướng Ấn Độ còn phải xóa bỏ quan niệm sai lầm là chỉ có những người thuộc tầng lớp bần cùng xã hội mới phải làm những công việc dọn vệ sinh, đặc biệt là dọn phân người trên đường phố (xuất phát từ việc thiếu nhà vệ sinh). Giáo dục sẽ là yếu tố quan trọng và ông Modi sẽ phải hoàn thành nỗ lực của cố lãnh tụ Gandhi trong việc giải phóng tầng lớp bần cùng.
Nhà nghiên cứu Pravin Panchal thuộc Viện Vệ sinh môi trường phân tích: “Ông Modi sẽ phải giải quyết sự thất bại của xã hội trong việc giải phóng tầng lớp bần cùng khỏi công việc bị coi là hạ cấp này nếu ông ấy muốn Ấn Độ sạch sẽ như Singapore”.
Việc phân biệt đối xử theo giai cấp đã bị cấm ở Ấn Độ từ năm 1995, nhưng những người tầng lớp bần cùng vẫn đối mặt với những định kiến ở mọi nơi từ giáo dục cho đến tuyển dụng.
Quả thật, ông Modi muốn công việc dọn vệ sinh là của tất cả mọi người. Theo Reuters, ông bắt đầu bằng việc thay đổi quan niệm chung và làm gương bằng cách cầm chổi quét rác ở một khu dân cư tại New Delhi, nơi có những người thuộc tầng lớp Vamiki thấp kém đang ở. Hầu hết những người ở tầng lớp này làm công việc dọn phân người từ đời này sang đời khác.
“Chúng ta thường cho rằng việc dọn dẹp dành cho những người thấp kém - ông Modi nói - Chẳng phải tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ dọn dẹp đất nước hay sao?”. Ông cho rằng một Ấn Độ sạch sẽ hơn sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm chi phí chăm sóc y tế và đem lại việc làm.
Ông khẳng định: “Đây không phải là chiêu trò chính trị. Đây là lòng yêu nước”. Trong một bài diễn văn cách đây không lâu, ông yêu cầu mỗi người Ấn Độ bỏ ra khoảng 100 giờ mỗi năm, hay khoảng 2 giờ mỗi tuần để dọn dẹp rác ở nơi công cộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận