01/04/2008 07:14 GMT+7

Một phụ nữ chống lại tất cả

N.T.ĐA dịch (Theo Sélection)
N.T.ĐA dịch (Theo Sélection)

TTCT - Theo tục lệ Pakistan, sau khi bị cưỡng hiếp tập thể, Mukhtar Mai phải tự sát để rửa nhục cho gia đình. Nhưng cô đã chọn cách đấu tranh để mang lại công lý và giúp các phụ nữ có hoàn cảnh như mình thay đổi số phận...

QYWe1wrt.jpgPhóng to
Mukhtar và các bé gái trong trường học do cô lập ra
TTCT - Theo tục lệ Pakistan, sau khi bị cưỡng hiếp tập thể, Mukhtar Mai phải tự sát để rửa nhục cho gia đình. Nhưng cô đã chọn cách đấu tranh để mang lại công lý và giúp các phụ nữ có hoàn cảnh như mình thay đổi số phận...

Vào tháng 6-2002, thời tiết quá nắng nóng ở Meerwala, một làng nhỏ ở miền nam của Pendjab, Pakistan. Không chút gió, chút mưa, trời nắng hầm hập như nung những con đường bụi bặm, làm những cánh đồng lúa đang chín khô khốc và sậm lại.

Tối 22-6, cô gái Mukhtar Mai, lúc ấy 28 tuổi, đi theo cha và chú đến nhà một người bà con ở đẳng cấp cao hơn, thuộc gia đình Mastoi. Gia đình này cho rằng đã nhìn thấy người em trai của Mukhtar là Abdul Shakoor, kém cô 12 tuổi, đi đường với một trong các người vợ của họ. Họ cáo buộc Shakoor tội hiếp dâm, nên đòi công lý và tiền bồi thường để rửa hận cho bộ tộc của họ. Ngay trong ngày đó, hội đồng trưởng lão của làng quyết định để làm nguôi cơn giận của người Mastoi, Mukhtar phải đích thân xin lỗi về hành vi của em trai mình. Theo tập tục, sự xin lỗi chân thành sẽ được tha thứ ngay.

Siết chặt cuốn Coran trong các ngón tay, Mukhtar vừa run vừa tiến đến bức tường rào của bộ tộc Mastoi và tự trấn an: “Họ không làm được gì mình đâu, đừng sợ”.

Cô sớm đối diện với một nhóm người cầm súng. Cô thả khăn choàng xuống chân để tỏ dấu phục tùng. Đôi mắt đen hơi cúi xuống, cô đọc nhẩm một câu kinh Coran mà cô đã thuộc.

Khi cô ngẩng đầu lên, cô không đọc thấy trong cái nhìn của họ tinh thần tha thứ mà là sự ham muốn trả thù. Họ túm lấy cha và chú cô, đe dọa bằng súng lên nòng. Rồi bốn người trong bọn họ lao vào, túm tóc và lôi cô vào chuồng bò trống trải. Trong khi bị lôi đi như thế, cô còn van xin: “Nhân danh đấng Allah, xin tha cho tôi!”.

Gia đình của Mukhtar Mai, ở đẳng cấp thấp Gujar, thuộc số gia đình nghèo nhất trong các làng nghèo nhất ở Pakistan. Họ sống nhờ vài đám ruộng và mía xung quanh nhà vách đất ở Meerwala, có vài con bò đực và dê, cộng thêm một con bò cái nữa. Nhà họ không có điện, điện thoại và đường ống nước.

Khi lên 18 tuổi, cô kết hôn với một người đàn ông ở làng bên cạnh. Đây là cuộc hôn nhân được sắp xếp và đã trở nên bất hạnh... Trái với đa số phụ nữ của đất nước cô, Mukhtar quyết định không sống với người chồng mà cô không hề thương yêu. Cô thú nhận với cha là cô không thể chịu đựng nổi. Ông Ghulam, gương mặt rám nắng với nhiều nếp nhăn, trả lời:

- Con tim của con sẽ cho con biết điều tốt, điều xấu.

Và cô thổn thức khóc khi cha cô nói thêm:

- Con luôn được đón tiếp trong ngôi nhà này.

Ở miền quê Pakistan, việc ly dị thật hiếm xảy ra và thường bị xem là nhục nhã, nhất là đối với phụ nữ, nhưng cha mẹ của Mukhtar ủng hộ cô trong mọi chuyện. Trong vòng một năm, cô nhận từ chồng mình tờ giấy bỏ vợ (tức talaq). Được giải thoát khỏi bổn phận làm vợ, cô trở về sống ở Meerwala bên cạnh người thân của mình.

Không có con, ly dị và vô học, cô chỉ có một tương lai hạn chế. Tuy nhiên, từ nay cô cảm thấy mình mạnh mẽ và rắn rỏi hơn, với niềm tin đang nắm giữ cuộc đời trong tay mình. Cô hăng hái tham gia việc thêu thùa và dạy kinh Coran cho trẻ nhỏ trong làng để kiếm sống qua ngày.

Khi gần đến tuổi 30, cô tìm thấy niềm hạnh phúc trong vai trò người con gái, người chị và người dì trong gia đình. Nhưng rồi xảy ra đêm kinh hoàng ấy, làm mọi sự đảo lộn hết.

Giá của danh dự

4JTPaKWM.jpgPhóng to
Mukhtar Mai
Ở làng, tôi chỉ như một giọt nước... Và cơn mưa sẽ đến. Từ giọt nước này đến giọt nước khác, chúng ta sẽ thấy một dòng sông lớn.
Trên nền đất của chuồng bò trong đêm tối hoàn toàn, bốn người đàn ông đã hãm hiếp Mukhtar, trong khi cha cô và chú cô bất lực nghe tiếng cô kêu khóc từ đằng xa.

Sau khi cưỡng hiếp Mukhtar, bốn người đàn ông vất cô ra ngoài, thân mình còn trần truồng. Bộ tộc họ không sợ ai và nhất là không sợ một phụ nữ nghèo hèn như cô. Cha cô choàng khăn cho cô và dẫn về nhà.

Nhục nhã trước cả làng, đi báo với cảnh sát lại càng thêm nhục và xấu hổ cho mình và gia đình. Như các nạn nhân khác bị cưỡng hiếp ở Pakistan, cô phải tự tử vì đó là vấn đề danh dự.

Suốt trong ba ngày, cô nằm trên tấm nệm rơm, không thể đứng dậy để ăn uống, trong khi bị ám ảnh với tư tưởng duy nhất: “Tôi phải tự tử”.

Bà mẹ Bachual van xin cô hãy sống và không hề rời xa cô.

- Con ăn đi, Mukhtar - bà mẹ nhắc đi nhắc lại.

Quá sầu buồn, cô từ chối mọi thức ăn mẹ đưa. Cô co quắp người lại, lấy khăn choàng che cả người mình, cô khóc:

- Con sẽ chết. Con mất hết danh dự rồi.

Rồi cô xin mẹ đem cho mình chai thuốc sâu. Bà Bachual quì gối, năn nỉ cô:

- Không, Mukhtar ạ! Mẹ sẽ làm tất cả cho con, nhưng con không được chết.

Có mẹ bên cạnh, Mukhtar nhẩm đọc kinh Coran. Cha mẹ cô muốn cô sống bên họ.

- Con là con gái của cha mẹ - họ nói - Con đừng bỏ cha mẹ, con nhé.

Bốn ngày sau vụ hiếp dâm, Mukhtar quyết định bước ra khỏi nỗi đau và bật khóc nức nở. Nhưng đây không phải là nước mắt của xấu hổ. Nỗi buồn nhường chỗ cho sự oán giận. Ước muốn đòi công lý như đang nung nấu, Mukhtar liền quyết định: với sự ủng hộ của giáo sĩ Maulul Abdul Razzaq, cô đi kể với cảnh sát những gì đã xảy ra với cô trong chuồng bò của người Mastoi. Và lấy hết sức lực của mình, cô tự hứa: “Tôi sẽ đấu tranh với họ, dù họ có giết tôi chăng nữa. Tôi sẽ không làm cho họ vui mừng vì đã làm cho tôi suýt tự sát”.

Đòi công lý

Biết tin này, gia đình Mastoi dọa giết Mukhtar. Gia đình cô được cảnh sát hộ tống đến đồn cảnh sát của làng Jatoi bên cạnh. Hai người bà con của cô chạy theo sát bên xe van xin:

- Đừng làm thế. Đừng nói gì với cảnh sát. Bọn Mastoi sẽ giết chết đó.

Cô không nghe lời cảnh báo của họ. Cô tự nhủ: “Họ không thể làm gì xấu hơn cho mình được đâu. Họ phải bị trừng phạt”.

Kể lại việc bị cưỡng hiếp cho người lạ nghe, nhất là toàn đàn ông, là điều không thể chịu được, nhưng Mukhtar yên tâm hơn nhờ sự có mặt của cha mẹ và vị giáo sĩ của mình. Khi đến đồn cảnh sát ở Jatoi, bà Bachual choàng tay ôm con gái để nâng đỡ con.

Giọng nhỏ nhẹ, khăn choàng che một phần mặt, Mukhtar bắt đầu kể với cảnh sát chi tiết của cái đêm khủng khiếp ấy. Quá xấu hổ, cô không nhìn thẳng vào mặt họ. Mô tả kỹ cuộc cưỡng hiếp là như làm sống lại cảnh ấy. Trong các tuần lễ tiếp sau đó, cô còn kể lại nhiều lần nữa.

Tấn thảm kịch của cô sớm được cả làng biết, rồi cả nước và cả hành tinh này biết. Đây là lần đầu tiên một phụ nữ Pakistan, lại là một cô gái vô học, đối đầu với những kẻ tấn công mình. Lòng can đảm của Mukhtar có tầm cộng hưởng lớn lao. Khuôn mặt của cô, với đôi mắt đen đượm buồn đằng sau khăn choàng màu xanh nhạt, xuất hiện trên báo chí và truyền hình khắp thế giới. Các nhà đấu tranh cho quyền phụ nữ ở Pakistan tổ chức nhiều cuộc biểu tình để đòi công lý cho cô.

Trong nhiều thế kỷ qua, bạo hành tình dục và nhiều hành động tàn nhẫn đối với phụ nữ vẫn thường xảy ra ở Pakistan. Các luật lệ bộ tộc thường tàn bạo, do hội đồng trưởng lão của làng áp đặt, xem các hành động tấn công này như một phương tiện sửa chữa có thể chấp nhận được trong trường hợp bị tố cáo. Ngày nay, hơn 100 phụ nữ là nạn nhân của nạn cưỡng hiếp tập thể mỗi năm. Nhiều người trong số họ đã chết vì cái gọi là tội ác của danh dự. Người phạm tội hiếm khi bị truy nã. Mukhtar Mai đang trên đường xóa bỏ tục lệ này.

Bỗng nhiên cô trở thành một nữ anh hùng, một biểu tượng của quyền phụ nữ. Được công chúng báo tin, chính quyền địa phương nâng đỡ cô và cho binh lính gác ngôi nhà nhỏ của cô ngày đêm. Chính quyền cũng quyết định đại diện cho cô chống lại số người cưỡng hiếp và hứa mở phiên tòa nhanh chóng.

Nhiều người đổ xô đến Meerwala để thăm cô, trong đó có nhiều người từng có số phận giống cô, và câu chuyện buồn của họ càng khuyến khích cô tiếp tục cuộc tranh đấu. Bà Attiya Inayatullah, lúc đó là bộ trưởng phụ trách về phụ nữ - một người có giọng nói êm dịu nhưng khẳng khái, đến thăm và trấn an cô:

- Cố lên. Người ta sẽ mang công lý lại cho cô. Theo lệnh chính phủ, tôi trao cho cô tấm ngân phiếu nửa triệu rupi, bà bộ trưởng thông báo. Đây chắc chắn không phải là tiền bồi thường, nhưng nó chứng tỏ sự đồng cảm của chúng tôi với nỗi khổ đau mà cô đã phải gánh chịu.

Mukhtar im lặng, không trả lời. Đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy một tấm séc - cô không biết chữ - nhưng cô biết đó là số tiền rất lớn (khoảng 7.500 USD) mà cha cô phải làm việc trong nhiều năm mới kiếm được. Tuy nhiên, cô từ chối:

- Không, tôi không cần tiền.

Bà bộ trưởng không hiểu và lại nhấn mạnh:

- Xin cô nhận cho, cứ cầm lấy đi.

Mukhtar phải giải thích:

- Tôi không cần tiền, nhưng cần một trường học.

Ý tưởng này mới chợt đến trong đầu cô. Cô hiểu ra rằng đa số người nâng đỡ cô đều có học hành.

- Chức quyền của họ đến từ đó, cô giải thích như thế với mẹ vào một buổi tối.

Và cô nhớ lại rằng do không được học hành, cô đã cảm thấy mình bất lực biết bao...

Cuối cùng Mukhtar nhận tấm séc với điều kiện là dùng số tiền này để xây một ngôi trường cho phái nữ:

- Để các em tránh được điều tôi đã phải gánh chịu đau đớn.

Cô gái cảm thấy từ nay mình mạnh mẽ hơn để đối mặt với nhóm người tấn công cô tại tòa án.

Giờ tuyên án

Một sáng tháng bảy, 14 thành viên của gia đình Mastoi, tay mang còng, xuất hiện trước vị thẩm phán. Chín người trong số này bị cáo buộc đe dọa giết người khi gặp ông Ghulam (cha của Mukhtar) và năm người bị cáo buộc đã cưỡng hiếp cô.

- Đồ nói láo!

Đó là lời bác bỏ mạnh mẽ mà chín luật sư của gia đình Mastoi nhắc đi nhắc lại.

- Không có gì xảy ra cả. Cô ấy toàn phịa chuyện!

Trong ba ngày, cô phải chịu đựng nỗi đau kinh khủng khi phải kể thật chi tiết diễn biến vụ cưỡng hiếp tập thể đối với cô. Cô không để cho mình sợ hãi và cố gắng giữ bình tĩnh, dù thật khó khăn như sau này cô nói:

- Tôi thật xấu hổ trong lòng.

Phán quyết được tuyên bố ngày 31-8, đúng hai tháng sau vụ cưỡng hiếp. Sáu người bị kết án có tội và bị án tử hình. Tám người kia được tha bổng.

Đây là một chiến thắng lịch sử, nhưng Mukhtar và gia đình không vui chút nào. Họ biết phán quyết đã chia rẽ dân làng. Một số người cho rằng cô đã nói láo và làm nhục cho Meerwala. Nhưng mọi người hiểu ra cuộc sống của gia đình Mai và của làng đã biến đổi kể từ đó.

Giữ lời hứa

Không ai trách cứ Mukhtar và gia đình cô, dù họ quyết định rời làng đi sống nơi khác sau vụ án để tránh xa gia đình Mastoi cứ tiếp tục đe dọa giết họ. Nhưng cô gái vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.

- Một trường học có thể thay đổi nhiều cuộc đời - cô nhấn mạnh như thế với mẹ mình.

Cô nghĩ rằng một khi đã được học hành, các cô gái của làng sẽ có thể tránh được số phận giống như cô trước đây. Tuy nhiên, mẹ cô lưu ý:

- Nhưng khó thuyết phục cha các cô gái cho họ đi học lắm, con ạ. Con sẽ gặp phiền toái mà thôi!

Mukhtar không từ bỏ ý định của mình. Cô mua một đám đất gần nhà và thuê thợ xây một trường tiểu học. Cô tham gia với nhóm thợ trong việc đúc gạch dưới trời nắng chang chang và mang gạch đến nơi xây dựng. Dân làng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy từng ngày ngôi trường nữ sinh càng xây cao hơn. Chính quyền cho trải nhựa con đường trước trường và lắp đặt điện cùng điện thoại cho trường. Ngôi trường mở cửa vào tháng 1-2002.

Xây trường là một chuyện, dạy và học lại là chuyện khác. Nhưng bà Bachual có lý: đàn ông trong làng khó thuyết phục lắm. Khi Mukhtar, được cảnh sát hộ tống vì lý do an ninh, đi đến từng nhà để nói chuyện với cha mẹ các em gái, cô được nghe liên tục câu nói của họ:

- Nào có ích gì đâu khi con gái chúng tôi được học hành.

- Chỉ có con trai cần học mà thôi.

Nhưng Mukhtar biết cách thuyết phục họ. Nếu một gia đình có nhiều con gái, cô đề nghị xin một đứa đi học thôi. Cô còn hứa cho xe hơi đến đón các em đi học và chở về nhà sau giờ tan học.

Cuối cùng, một nhóm em gái đăng ký đi học, rồi dần dần các em khác cũng xin vào lớp. Trường còn nghèo nên các em ngồi trên ghế là những bao trấu. Vững tin giấc mơ của mình đang biến thành hiện thực, Mukhtar tham gia với các em trong việc học đọc, học viết.

Khi số tiền đã cạn, cô phải bán những gì mình có - đôi bông tai và con bò cái - để tiếp tục chi tiền cho trường. Tuy nhiên, nhờ việc báo chí đăng tin về ngôi trường đặc biệt này, tiền tài trợ ngày càng đổ đến cho cô nhiều lên. Nhờ vậy, cô thuê thợ mộc đóng bàn ghế và gắn quạt trần cho các lớp học.

Cô còn kiếm tiền để xây thêm trường học, một cho con trai làng Meerwala và một cho con gái ở làng bên cạnh. Cuối cùng, hơn 700 trẻ em thuộc đủ hạng người của xã hội, trong đó có cả con em gia đình Mastoi, có nơi học hành đàng hoàng.

Các trường học chỉ là một phần của điều kỳ diệu. Câu chuyện của Mukhtar lan tỏa khắp mọi làng quê ở Pakistan và ngày càng có nhiều phụ nữ từng chịu số phận đau đớn như cô đến với cô. Một số chị đã bị cưỡng hiếp, một số khác bị đánh đập, bị tạt axit hoặc cắt tai, cắt mũi, vốn là hình phạt thông thường cho phụ nữ bị cáo buộc tội ngoại tình.

Những cô gái này tìm nơi nương tựa và nhất là nhờ đòi công lý bên Mukhtar, người từ nay trở thành biểu tượng của quyền lợi phụ nữ. Mukhtar mở lòng ra với họ và mở hầu bao để sớm thành lập bên cạnh trường một trung tâm Mukhtar Mai trợ giúp các cô gái nạn nhân của tệ cưỡng hiếp.

Nhưng câu chuyện riêng của cô vẫn chưa kết thúc. Một ngày nọ, các luật sư của cô gọi báo tin rằng Tòa án tối cao Lahore chấp nhận đơn kháng án của những người trong gia đình Mastoi đã bị kết án. Ngày 3-3-2005, cô biết tin là năm bị cáo (trong đó có bốn người đã cưỡng hiếp cô) được trắng án và sẽ sớm được trả tự do. Án của người thứ sáu được giảm xuống án tù chung thân.

Hai ngày sau, cô loan báo với giới báo chí là sẽ kháng cáo. Cô rất sợ hãi khi biết gia đình Mastoi tìm cách giết cô. Tuy nhiên, cô cho biết sẽ không bao giờ rời Meerwala.

Những người tranh đấu cho quyền phụ nữ tổ chức biểu tình chống lại phán quyết mới của tòa án, bằng cách trưng các biểu ngữ có dòng chữ “Can đảm lên, Mukhtar Mai, chúng tôi ở bên cô!”.

Trước nhiều sự phản kháng và can thiệp ở khắp nơi trên thế giới, Chính phủ Pakistan buộc phải can thiệp, cả năm người gia đình Mastoi vẫn bị y án tử hình.

Đến nay, họ vẫn còn bị ngồi tù, chờ đợi một phiên tòa khác xử vụ án của họ. Mukhtar tiếp tục nhận nhiều lời đe dọa và cảnh sát vẫn phải bảo vệ cô ngày đêm. Các lời đe dọa này không làm cô ngừng đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ.

Cô không từ chối ai

Khoảng 5.000 người sống ở Meerwala, trên một diện tích khoảng 80km2. Đa số nhà cửa bằng gạch nung, quét vôi trắng, rất nóng nực giữa mùa hè. Các cánh đồng lúa phủ nhiều màu nâu của bụi bặm trong nắng hè.

Đằng sau song sắt sơn màu đen, một bức tường cao gần 2m bảo vệ ngôi nhà của Mukhtar, ngôi trường và trung tâm hỗ trợ phụ nữ. Ở một trong số sáu lớp học tại tầng trệt, các cô gái đang học tiếng Anh. Trong một lớp khác, giáo viên đang hướng dẫn học sinh học môn khoa học bằng tiếng Ourdou (tiếng Pakistan).

Trên tường, một tờ giấy lớn trưng hình hai cô gái Pakistan với dòng chữ bên dưới: “Tại sao không đưa bé đến trường? Hãy suy nghĩ nhé. Các bạn cũng sẽ rút ra lợi ích đó”. Trên sân, chó và dê thoải mái đi lại và các công nhân đang xây dựng một tòa nhà mới để làm trường cấp hai.

Trong văn phòng ở tầng một, Mukhtar Mai, khoác khăn choàng và mặc quần dài màu vàng, chân mang giày trắng có điểm bông hoa, đang lắng nghe một phụ nữ bang Pendjab, tên Nasreen Bibi, vừa khóc vừa kể về vụ một số người hàng xóm đã cưỡng hiếp và sát hại con gái bảy tuổi của mình.

- Quasar đi mua kẹo - cô ta thút thít giải thích - Tôi không bao giờ thấy nó còn sống trở về nữa.

Mukhtar âu yếm nắm tay người mẹ đau khổ đã đến gặp cô để nhờ đòi công lý. Jam, em trai của Bibi, kết thúc câu chuyện:

- Trước khi chôn con bé, họ còn đổ axít lên mặt nó để làm dị dạng khuôn mặt, cho người ta nhận dạng không được. Con bé được tìm thấy sau nhiều ngày mất dạng trong một cái hố sâu.

- Họ đốt con bé bằng axit. Họ không để cho tôi nhìn lại khuôn mặt con bé sau khi chết - Nasreen Bibi kêu khóc và siết mạnh tay của Mukhtar - Xin cô giúp tôi!

Đây chỉ là một trong vô số trường hợp. Đôi khi có những chuyện rất thương tâm, khó mà tưởng tượng được. Sau khi nghe lời kể của Nasima Labano, cô gái 16 tuổi, bị tám người cưỡng hiếp tập thể ở tỉnh Sind, Mukhtar suýt ngất xỉu. Vụ việc này gần giống chuyện của cô trước đây. Nghe xong, cô cho Nasima tạm trú ở trung tâm, cho thêm tiền để lo vụ kiện và chữa bệnh.

Mukhtar ít khi nhìn thẳng vào mắt người lạ. Mặc dầu đã nổi tiếng trên thế giới và đã đi nhiều nơi, cô vẫn hay mắc cỡ. Tuy nhiên, trong vẻ giản dị của cô toát lên sự duyên dáng và lịch sự.

Khi cô bước ra khỏi tòa án, nhiều học sinh lễ phép đến chạm vào khăn choàng hoặc bắt tay cô.

- Bên các em này, tôi cảm thấy mình thanh thản, an lành. Ước mơ của tôi đang trở thành hiện thực.

Khuôn mặt cô càng rạng rỡ hơn khi nhìn thấy Sidra Nazar, một trong các em học sinh xuất sắc nhất của trường. Cô gái 10 tuổi có đôi mắt sáng đang muốn sau này trở thành bác sĩ. Cách đây một năm, cha mẹ bé muốn đưa bé về để gả cho một người 30 tuổi, nhưng Mukhtar cực lực phản đối và cô đã cố thuyết phục để cha mẹ bé đồng ý cho cô bé ở lại.

- Các cô gái này đều sẽ có tương lai tươi sáng cả - Mukhtar vui mừng nói.

Nhờ trung tâm hỗ trợ phụ nữ và nhờ các trường học của mình, Mukhtar đã cứu rất nhiều cô gái. Giờ đây họ hướng về cô, nhờ cô giúp đỡ chứ không còn chờ quyết định của hội đồng trưởng lão nữa.

- Trái với mọi chờ đợi, người phụ nữ nông thôn nhỏ bé này đã thực hiện được một cuộc cách mạng thầm lặng - Rashid Redman, một người tranh đấu cho nhân quyền, nói.

Mukhtar là người đầu tiên nhận biết sự lạ lùng này:

- Ở làng, tôi chỉ như một giọt nước... Và cơn mưa sẽ đến. Và từ giọt nước này đến giọt nước khác, chúng ta sẽ thấy một dòng sông lớn.

N.T.ĐA dịch (Theo Sélection)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên