19/02/2008 07:59 GMT+7

Kosovo và những điều sớm bị lãng quên

HIẾU TRUNG dịch
HIẾU TRUNG dịch

TT - "Đó thực chất là một tuyên bố ly khai và thật không may cho các nước phương Tây tham gia cuộc chơi này, Kosovo sẽ không độc lập". Tuổi Trẻ trích lược bài viết của tiến sĩ Jan Oberg, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu tương lai và hòa bình xuyên quốc gia (TFF - có trụ sở tại Thụy Điển), trong một nhận định gửi cho Tuổi Trẻ.

NGRAQ3S1.jpgPhóng to

Người Kosovo gốc Albania viết và ký lên hàng chữ lớn có nghĩa “mới ra đời” đặt tại thủ phủ Pristina Ảnh: New York Times

TT - "Đó thực chất là một tuyên bố ly khai và thật không may cho các nước phương Tây tham gia cuộc chơi này, Kosovo sẽ không độc lập". Tuổi Trẻ trích lược bài viết của tiến sĩ Jan Oberg, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu tương lai và hòa bình xuyên quốc gia (TFF - có trụ sở tại Thụy Điển), trong một nhận định gửi cho Tuổi Trẻ.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ngày 17-2 là một ngày chủ nhật buồn đối với phần lớn người Balkan và cộng đồng quốc tế. Kể từ 17-2, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chịu đựng gánh nặng kéo dài nhiều thập niên: hỗ trợ Kosovo thành công hoặc phải đối mặt với chiến tranh và bãi bỏ cuộc ly khai bằng vũ lực.

Trí nhớ ngắn ngủi

Trí nhớ lịch sử của phương Tây ngắn ngủi một cách nguy hiểm. Những người quyết định ăn mừng và công nhận nền độc lập của Kosovo cần phải được nhắc nhở về những điều sau, nếu không phải là họ đã biết rồi mà vẫn nhắm mắt làm ngơ.

Đó là khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, chính sách thanh trừng sắc tộc, chủ nghĩa quân phiệt của Đội quân giải phóng Kosovo (KLA) - đồng minh của NATO, sau khi nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và tình báo Đức. Người đứng đầu đội quân từng một thời bị phương Tây gọi là khủng bố này nay trở thành thủ hiến Kosovo, ông Hashim Thaci, giờ đây có thể thở phào nhẹ nhõm vì sẽ không bị đưa ra tòa án chiến tranh The Hague!

Sự dối trá của chính quyền Mỹ về "kế hoạch diệt chủng" của Slobodan Milosevic (cựu tổng thống Nam Tư cũ) sẽ bị quên lãng. Cùng với đó là sự ủng hộ của Đảng Xanh và các nhà hoạt động hòa bình, nhân quyền cánh tả đối với "sự can thiệp nhân đạo" của NATO. Trong ngày chủ nhật, người ta cũng quên mất rằng nhà lãnh đạo cấp cao nhất phải chịu trách nhiệm cho sự tàn phá Nam Tư là cựu tổng thư ký NATO Javier Solana. Ông ta được tưởng thưởng bằng việc được đưa lên vị trí lãnh đạo đường lối ngoại giao EU. Solana đặc biệt mong muốn Kosovo độc lập. Nếu không, quyết định tàn phá Nam Tư của ông ta và tướng Wesley Clark (chỉ huy lực lượng liên minh trong chiến dịch ném bom Nam Tư năm 1999) sẽ bị coi là một sai lầm.

Còn gì bị quên lãng?

Còn có nhiều điều về cuộc xung đột Kosovo đã hoàn toàn bị quên lãng. Đó là quyết định triển khai quân đến Kosovo của EU mới đây không được thực hiện thông qua Hội đồng Bảo an LHQ hay được phía Serbia công nhận, mà chỉ nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Kosovo khi Kosovo vẫn chưa tuyên bố độc lập. Đó là việc vấn đề người di cư trầm trọng nhất của châu Âu ở Serbia sau khi người Serb bị đẩy ra khỏi Kosovo năm 1999. Trong số 200.000 người phải tha hương, chỉ có vài nghìn quay trở lại trong vòng chín năm qua. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy giới lãnh đạo gốc Albania tại Kosovo đã không thực hiện lời cam kết Kosovo sẽ trở thành khu vực đa sắc tộc.

Đó là việc EU, NATO và Mỹ đã đồng lõa trong kế hoạch làm tan rã Nam Tư và tình trạng bạo lực vô nghĩa tại đó thông qua buôn bán vũ khí, sự "quản lý xung đột" thiếu đồng bộ đến mức tuyệt vọng và các trò chơi tình báo. Tội lỗi của các chính quyền của chúng ta (EU) trong tất cả những điều đó - tất nhiên không được thừa nhận - là lời dối trá rằng mọi tội lỗi thuộc về người Serb và liên minh của họ là nước Nga.

Hậu quả từ tuyên bố độc lập

Trong bài phân tích, ông Oberg chỉ ra 17 nguy cơ xuất phát từ tuyên bố độc lập của Kosovo. Trong đó bao gồm:

- Serbia sẽ trả đũa: bao gồm việc cắt nguồn cung năng lượng, triển khai quân dọc biên giới Kosovo, yêu cầu thị thực với công dân các nước công nhận Kosovo và hạn chế quan hệ ngoại giao với các nước này.

- Căn cứ quân sự Bondsteel của Mỹ gần Pristina, thủ phủ Kosovo (căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất được xây trong thời kỳ sau chiến tranh VN đến trước cuộc chiến Iraq) sẽ được mở rộng.

- Các phong trào ly khai sẽ lấy Kosovo làm tấm gương và tìm cơ hội. Kashmir, Chechnya, Xứ Basque... sẽ tự hỏi tại sao lại không phải là họ?

Tiến sĩ Jan Oberg đồng thời đưa ra một số dự báo sau về Kosovo:

- Xung đột về việc Kosovo đòi lại khu vực phía bắc do Serbia cai quản sẽ tiếp tục diễn ra.

- Các khu vực ly khai người Albania chiếm đa số ở miền tây Macedonia và Montenegro cũng sẽ lên tiếng đòi độc lập.

- Một gánh nặng kinh tế khổng lồ đối với EU bởi Kosovo không có hệ thống sản xuất, thay vào đó là một nền kinh tế xã hội đen đặc biệt phát triển, với những mối quan hệ mafia với phương Đông và phương Tây.

- Tuyên bố độc lập chỉ là hành động mang tính biểu tượng, do đó người Kosovo gốc Albania sẽ tỉnh dậy vào sáng hôm sau và nhận ra là chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống, và sẽ ngày càng trở nên bất mãn với giới lãnh đạo...

VN: tuyên bố Kosovo độc lập là không tuân thủ nghị quyết Hội đồng Bảo an

Theo TTXVN, trong cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ ngày 17-2 ngay sau khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, đại sứ Lê Lương Minh, đại diện VN tại HĐBA, nhấn mạnh: VN kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thông qua đối thoại và thương lượng hòa bình nhằm đạt một giải pháp chính trị bền vững, phù hợp với lợi ích không chỉ của Kosovo mà cả khu vực Balkan, châu Âu và thế giới. Ông Minh tuyên bố việc Kosovo đơn phương độc lập là không tuân thủ nghị quyết 1244 của HĐBA, chỉ làm căng thẳng thêm tình hình Kosovo và Balkan.

Theo RIA, Novosti, phát biểu tối 17-2, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho biết cho đến khi thông qua nghị quyết mới của HĐBA, phái bộ LHQ tại Kosovo sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình theo nghị quyết 1244 (trao quyền cai quản Kosovo cho LHQ), mặc cho EU đưa ra thời hạn 120 ngày để chuyển toàn quyền của LHQ tại Kosovo cho EU và NATO.

Hôm qua, HĐBA LHQ tiếp tục họp về Kosovo, trong khi các đại sứ NATO cũng nhóm họp khẩn để bàn về vấn đề Kosovo. Hãng tin Interfax (Nga) trong khi đó đưa tin hai tỉnh ly khai của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia cũng lên tiếng tuyên bố đòi độc lập. Lãnh đạo Gruzia đã phủ nhận yêu cầu này.

HIẾU TRUNG dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên