02/05/2007 05:45 GMT+7

Nga đòi Estonia phục hồi công bằng lịch sử

DUY VĂN (Theo RIA Novosti, Wikipedia, IHT)
DUY VĂN (Theo RIA Novosti, Wikipedia, IHT)

TT - Căng thẳng trong quan hệ Nga - Estonia vẫn chưa được giải quyết dù đoàn đại biểu Đuma (Hạ viện) Nga đang có mặt tại Tallinn.

ralcqCNq.jpgPhóng to
Thanh niên Nga biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Estonia ở Matxcơva ngày 30-4 - Ảnh: Reuters

Hôm qua, trưởng đoàn Nikolai Kovalev than phiền đoàn không được phép tới hiện trường khai quật phần mộ các chiến sĩ Hồng quân trên đồi Tynismyagi.

Trước đó, tại cuộc họp báo ở Tallinn, ông Nikolai Kovalev đã trình bày quan điểm của Nga: không chấp nhận việc Estonia di dời tượng đài Chiến binh giải phóng. Ông Kovalev nhấn mạnh: “Sự thật lịch sử, tính công bằng lịch sử đòi hỏi tượng đài này phải đứng ở nơi nó từng ngự trị nhiều năm qua”.

Tuy nhiên, ngày 30-4, tượng đài đã được đặt ở nơi mới là nghĩa trang quân đội Tallinn (cách địa điểm cũ 3km) và Estonia nói sẽ khánh thành tượng đài vào ngày 8-5, khi thế giới kỷ niệm Ngày chiến thắng. Estonia cũng cho biết đã tìm được chín hài cốt trong cuộc khai quật phần mộ dưới chân tượng đài và sẽ cho nhận dạng trước khi cải táng.

Theo Hiệp ước Nga - Đức năm 1939, Estonia thuộc về “vùng ảnh hưởng” của Nga; và ngày 6-8-1940, Estonia chính thức nằm trong Liên bang Xô viết. Năm 1941, phát xít Đức chiếm Estonia. Năm 1944, làn sóng phản công của Nga khiến Đức quốc xã phải rút khỏi Estonia. Trong những năm cuối thập niên 1940, một bộ phận người Nga đã được đưa đến Estonia theo chính sách di dân của Stalin.

Estonia tuyên bố độc lập năm 1991, hiện là thành viên EU và NATO. Thời gian gần đây, những người nói tiếng Nga ở Estonia (chiếm 1/3 trên tổng số hơn 1,3 triệu dân) gặp nhiều khó khăn ở một đất nước tạo nhiều cơ hội hơn cho dân bản xứ và định hướng liên kết chặt chẽ hơn với các nước Bắc Âu.

Trong khi đó, làn sóng phẫn nộ trước việc Estonia di dời tượng đài tiếp tục diễn ra không chỉ ở Matxcơva, nơi có Đại sứ quán Estonia, mà còn ở Saint Petersburg và Kiev (thủ đô Ukraine, nơi có một bộ phận cư dân nói tiếng Nga sinh sống). Tại thủ đô Tallinn (Estonia), tất cả cuộc tụ họp đông người đều bị cấm tới ngày 11-5. Những cuộc phản đối ở Tallinn chỉ trong ba ngày (từ 26-4) khiến ít nhất một người gốc Nga thiệt mạng, 150 người bị thương và 1.100 người bị bắt.

Chính quyền Estonia hiện nay muốn nhìn lại thời kỳ những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai là thời kỳ Estonia “bị chiếm đóng”, và lực lượng Hồng quân giải phóng Estonia khỏi sự xâm chiếm của phát xít Đức là “quân chiếm đóng”. Còn xã hội Estonia hiện nay đang rất chia rẽ. Bằng chứng là quốc hội đã thông qua dự luật cho phép di dời tượng đài chỉ với một đa số nhỉnh hơn hai phiếu. Trong khi chính quyền Estonia giải thích tượng đài cũ ở khu giao lộ đông đúc, “không thích hợp cho việc tưởng niệm”, thì những người nói tiếng Nga ở Estonia cho rằng hành động di dời tượng đài, cải táng phần mộ Hồng quân chỉ nhằm “thỏa mãn những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Estonia”.

Nhiều người cho rằng việc di dời tượng đài đồng nghĩa với việc phủ nhận công lao của Hồng quân đã giải phóng nhân loại khỏi ách phát xít. Trung tâm Simon Wiesenthal, trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), nói: “Có thể dưới thời Xô viết đã có những sai lầm, nhưng việc di dời tượng đài là xúc phạm các nạn nhân của Đức quốc xã”. Giám đốc trung tâm Efraim Zuroff nói trong một thông cáo báo chí (International Herald Tribune, 30-4): “Người ta không bao giờ được quên rằng chính Hồng quân đã chặn đứng hiệu quả cuộc thảm sát hàng loạt của phát xít và những kẻ hợp tác với chúng trên đất Estonia”.

DUY VĂN (Theo RIA Novosti, Wikipedia, IHT)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên