Phóng to |
Mark Felt (cùng con gái và cháu) diện kiến giới truyền thông vây quanh nhà ông |
Bí mật ấy thật ra chỉ có bốn người biết rõ nó ngay từ ban đầu: hai phóng viên trẻ nhận tin (Bob Woodward và Carl Bernstein của nhật báo The Washington Post), tổng biên tập của tờ báo Ben Bradlee và Deep Throat (Cổ họng khô - tên một bộ phim con heo phát hành năm 1972 tại Mỹ).
Cả bốn người đều chung một giao kèo miệng: danh tính thật của Deep Throat không bao giờ được tiết lộ cho đến khi người này qua đời.
Kể từ hôm 31-5 thì cả nước Mỹ và toàn thế giới biết Deep Throat chính là Mark Felt, một ông già 91 tuổi đang sống những ngày cuối đời ở Santa Rosa (bang California) cùng con cháu.
Thông qua người bạn luật sư John O'Connor, ông Felt kể lại sự thật để đăng tải trên tờ tạp chí Vanity Fair. Tờ tạp chí giải thích rằng ông Felt muốn nói ra sự thật vì "cảm thấy gần đất xa trời", rằng ông phải kể sự thật để mọi người hiểu đúng về ông.
Sau tiết lộ của ông Felt, được Vanity Fair nhanh chóng tung lên mạng, Ben Bradlee thừa nhận: "Như vậy là bí mật cuối cùng của Watergate đã được giải mã".
Xìcăngđan Watergate
Câu chuyện bắt đầu với một nhân viên FBI tên là G. Gordon Liddy, cựu nhân viên FBI chuyển sang làm cố vấn tài chính cho ủy ban vận động tái cử của tổng thống Nixon.
Liddy được cấp 250.000 USD để thực hiện một kế hoạch gồm các trò bẩn và hoạt động gián điệp, trong đó có việc đột nhập vào văn phòng của ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) trong tòa nhà Watergate bên sông Potomac để cài “rệp” nghe lén vào đường điện thoại và ăn cắp tài liệu của đảng này.
Năm "kẻ trộm" bị bắt quả tang ngay tại DNC ngày 17-6-1972. Trong số đó có James W. McCord, một kỹ thuật viên CIA 20 năm kinh nghiệm, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho ủy ban vận động tái cử của tổng thống Nixon, cùng bốn người Mỹ gốc Cuba do E. Howard Hunt tuyển mộ.
Hunt là cựu nhân viên CIA từng tham gia trong chiến dịch Vịnh Con Heo nhằm xâm chiếm Cuba (1962) và nằm trong ban chuyên cài đặt thiết bị nghe lén của Nhà Trắng.
Hai phóng viên trẻ trang địa phương của The Washington Post khi đó là Bob Woodward và Carl Bernstein ngay từ lúc đó đã chú tâm theo dõi vụ trộm này. Woodward tới tòa án và nghe thấy McCord thì thầm "CIA" khi những tên trộm được yêu cầu công khai danh tính.
Mặc dù vụ trộm được công khai, Nixon vẫn giành chiến thắng vang dội tháng 11-1972. Nhưng thượng viện và cơ quan công tố Mỹ vẫn theo dõi các trợ lý của Nixon, và trước sức ép đó tổng thống tuyên bố hai trợ lý có thể từ chức.
Nixon sa thải cố vấn Nhà Trắng John Dean, người này sau đó tiết lộ những việc làm bí mật của Nhà Trắng, trong đó có việc chính phủ phải chi tiền mua sự im lặng của những tên ăn trộm.
Nixon khẳng định không biết gì về việc bưng bít, và rằng ông không bao giờ khuyến khích nhân viên dưới quyền sử dụng những chiêu thức vận động không thích hợp. "Sự thật đơn giản là như vậy", Nixon tuyên bố với dân Mỹ.
Nhưng toàn bộ xìcăngđan vỡ lở khi Alexander Butterfield, người nắm giữ lịch làm việc của Nixon, công bố trước thượng viện một hệ thống nghe lén ghi lại toàn bộ những cuộc đối thoại của Nixon tại phòng bầu dục, phòng họp nội các, phòng khách và phòng làm việc của tổng thống ở trại David.
Những cuộc đối thoại của Nixon, về sau được công bố sau một trận chiến pháp lý kịch liệt ở tòa án tối cao, đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài chính trị của Nixon khiến ông này phải rời Nhà Trắng ngày 9-8-1974.
Phóng to |
Hai nhà báo Bob Woodward (trái) và Carl Bernstein tại Washington ngày 31-5 |
Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một tổng thống phải từ chức vì xìcăngđan. Giới truyền thông Mỹ ghi nhận sự gan dạ và bền bỉ của hai nhà báo trẻ của The Washington Post (sau đó đoạt giải Pulitzer nhờ loạt bài điều tra này) nhưng đồng thời cũng rất thắc mắc về nguồn cung cấp thông tin. Một thắc mắc mà đến cả ông Richard Nixon lúc ấy cũng đau đầu.
Chỉ những người thuộc lãnh đạo hàng đầu mới có thể biết những kế hoạch nghe lén các đối thủ chính trị của tổng thống. Alexander Haig, tổng thư ký Nhà Trắng, bị nghi ngờ nhiều nhất (phải nhờ chính Woodward cải chính thì ông này mới thoát nạn).
Mark Felt, nhân vật số hai của Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI), cũng nằm trong tầm ngắm nhưng ông dễ dàng chối bỏ. Nixon khó có thể nghi ngờ những người thân cận cũng như thuộc cấp vì ông nghĩ không ai dám "bán đứng" danh dự hoặc hi sinh quyền lực để rò rỉ thông tin cho báo chí.
Có thể Richard Nixon đã lầm. Felt làm điều đó vì "nghĩa vụ". "Cha không có ý định hạ bệ ông ấy (Nixon)", Felt nay trả lời con gái Joan khi bà truy hỏi ông về nhân vật Deep Throat.
Felt quyết định cung cấp thông tin cho nhà báo Woodward, người mà ông đã có quan hệ từ tháng 1-1972 trong vụ cung cấp thông tin về chuyện tham nhũng của cảnh sát Washington.
Cách gặp gỡ giữa họ trở thành ước mơ cho bao thế hệ sinh viên báo chí Mỹ vì nó vừa lãng mạn vừa lạnh lưng như trong phim phản gián. Woodward chỉ gặp gỡ Deep Throat vào giữa đêm trong một bãi đậu xe ngầm ở Washington.
Để báo hiệu mình cần gặp, Woodward dịch chuyển một chậu cây trên bancông căn hộ của mình. Còn khi Deep Throat muốn gặp nhà báo, ông viết lên mẩu giấy kẹp trong tờ nhật báo New York Times gửi đến cửa nhà Woodward buổi sáng.
"Ông ấy đã giúp chúng tôi vô bờ trong vụ điều tra Watergate", Bob Woodward và Carl Bernstein đã ký tên chung trong bản thông cáo trên trang web của Washington Post, nhiều giờ sau tiết lộ của Felt.
Họ có lẽ còn bất ngờ về cái cách phá vỡ hợp đồng, tiết lộ quá đột ngột của Felt. Cách đây ba năm, Joan - con gái của ông Felt - từng được cha thú nhận về Deep Throat nhưng bà không cạy được miệng của nhà báo Woodward để xác tín thông tin đó. Bà kể: "Lúc đó ông ta chỉ bảo đơn giản là ông không thể làm điều đó".
Nay có lẽ các nhà báo của Washington Post cũng thông cảm cho nguồn tin của mình đã suy yếu về sức khỏe lẫn tinh thần nên quyết định công bố xác nhận nguồn tin. Theo như tờ Vanity Fair thì Felt chấp nhận lộ diện theo yêu cầu của con gái để kiếm chút tiền lo cho việc học hành của các cháu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận