19/11/2015 08:30 GMT+7

3 quyển sách hay xuất bản nhân Ngày nhà giáo

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Ba tập sách mới của ba đơn vị khác nhau vừa được ra mắt trong dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay: Từ bục giảng đến văn đàn, Ký ức người thầy Mái trường thân yêu.

Ảnh: L.Điền
Ảnh: L.Điền

Từ bục giảng đến văn đàn của nhà giáo Trần Hữu Tá vừa được NXB Trẻ ấn hành, giới thiệu chân dung 25 nhà giáo tên tuổi của Việt Nam.

Tác giả gọi một cách bình dị là “chân dung 25 người thầy”, cũng đủ để nói lên trọn vẹn tấm lòng của một người thầy, người viết ở tuổi mấp mé tám mươi chấp bút viết về những người thầy của mình.

Ở mỗi nhân vật, tác giả có phần tóm tắt tiểu sử của từng vị và sắp xếp theo trật tự ngày tháng năm sinh của từng người. Và như thế, bạn đọc sẽ biết ngay những thông tin cần yếu của 25 gương mặt nhà giáo trong Nam ngoài Bắc: Trương Vĩnh Ký, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Giản Chi, Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Lý, Nguyễn Đổng Chi, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đình Đầu, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Phạm Thế Ngũ, Thẩm Thệ Hà, Lê Đình Kỵ, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đăng Mạnh, Văn Tâm, Nguyễn Khắc Phi, Phong Lê.

PGS Trần Hữu Tá khiêm tốn gọi công trình này là sản phẩm “của một phần kỷ niệm và tình cảm riêng, nhưng có khi cũng cần cho người học người đọc hôm nay, gọi là cũng có chút học thuật”. Kỳ thực thì đây sẽ là những tư liệu quan trọng về chân dung những người thầy không những có đóng góp xuất sắc trên phương diện giáo dục mà còn tạo ấn tượng trên văn đàn nước nhà về phương diện sáng tác, nghiên cứu, phê bình.

Tập sách có những chân dung thầy giáo rất xưa, được tác giả “tự nhận” là thầy qua tài liệu trước tác để lại. Như Trương Vĩnh Ký, người thầy giáo của cả một nền giáo dục quốc ngữ Việt Nam từ thuở sơ khai cho đến tận sau này.

PGS Trần Hữu Tá đã tận tụy tìm kiếm tư liệu, đáng quý nhất là công bố hai bức thư của vua Đồng Khánh và của GS Trần Văn Giàu có nội dung nhận định về Trương Vĩnh Ký, để góp phần làm sáng tỏ thêm nhân vật trí thức đặc biệt này. Hay như những trang viết về Đào Duy Anh, Giản Chi, Thẩm Thệ Hà...

Những trang viết như xới lại những khoảng trời kỷ niệm, trong đó có thơ, có chuyện, có bài học rút ra sau mỗi dòng tâm sự... Thật thích thú để “nhâm nhi” trong dịp cả nước mừng Ngày nhà giáo.

Ảnh: L.Điền
Ảnh: L.Điền

Cũng trong đợt này, Công ty sách Phương Nam vừa phối hợp với NXB Văn Hóa Văn Nghệ phát hành một tập sách đặc biệt: Ký ức người thầy.

Đây là tập tuyển chọn những bài hay nhất đoạt giải từ cuộc thi viết “Người học trò trong trí nhớ” do Công ty sách Phương Nam và Vụ Công tác học sinh - sinh viên tổ chức từ tháng 10-2014 đến tháng 9-2015.

Cuộc thi đặc biệt bởi đối tượng dự thi là các thầy cô, những người gắn bó với bảng đen phấn trắng, trang giáo án, những giờ lên lớp và nhiều không gian/tình huống dạy học thật đáng nhớ. Quả là thú vị khi được đọc những dòng tâm sự của “giới” thầy cô viết về những ấn tượng từ phía học trò.

Đó không đơn thuần là kỷ niệm, đó còn là một dịp để những học - trò - đã - lớn có dịp tìm thấy mình trong những câu chuyện kia, để nhận ra biết đâu mình cũng từng chạm tay vào niềm vui nỗi buồn của những người từng chia sẻ kiến thức đầu đời cho mình trong quãng đời đáng nhớ nhất.

Công ty Sáng tạo Trí Việt và Nhà xuất bản TP.HCM cũng vừa ấn hành tập sách in chung hai tác phẩm của Lê Khắc Hoan và Đỗ Quốc Anh - hai người thầy từng là phó tổng biên tập báo Người Giáo Viên Nhân Dân (nay là báo Giáo Dục và Thời Đại), từng cùng khai sinh ra tờ tạp chí Thế Giới Mới nổi tiếng một thời. Đó là truyện dài Mái trường thân yêu (Lê Khắc Hoan) và thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi toán (Đỗ Quốc Anh), trong đó ấn bản mới của Mái trường thân yêu là bản in lần thứ 11 của tác phẩm này.

Một quá khứ đẹp của thời thơ ấu

Truyện dài Mái trường thân yêu kể về một ngôi trường miền trung du, qua đôi mắt một cậu học sinh Hà Nội sơ tán về đó vào những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc.

Những trang sách làm tôi được sống lại thời gian đó, quen thuộc quá chừng và nhớ quá chừng những lớp học đơn sơ mái lá, hào giao thông ngay dưới chân bàn, mũ rơm trên lưng mỗi ngày theo đường làng, men theo cánh đồng, ven đồi đến trường, tiếng trống trường khi khoan thai báo hiệu giờ học, khi dồn dập báo động máy bay Mỹ... Và con người bình dị của làng quê, trong đó có thầy cô giáo và những người bạn mới.

Thế hệ trẻ em thành phố như chúng tôi có tuổi thơ và lớn lên trong chiến tranh, có thể tự hào nói rằng rất nhiều điều tốt đẹp chúng tôi đã học được từ cuộc sống ở thôn quê: sự tự lập, biết quan tâm và chia sẻ với mọi người, và biết lao động chân tay để hiểu giá trị của những gì mình đang được hưởng dù chỉ là vật chất đơn giản.

...

Một trong những tấm gương cụ thể mà lứa tuổi chúng tôi hằng ngày được soi vào, đó là những người thầy người cô ở trường phổ thông các cấp. Các thầy cô cũng nghèo khó, cũng vất vả, cũng có cuộc sống như những người nông dân, nhưng luôn hành xử đúng mực và giữ được sự kính trọng của phụ huynh, của xã hội với bản thân, với nghề nghiệp.

Thầy cô còn là những mẫu mực về tri thức mà học trò luôn hướng đến. Thầy giáo Tôn Thân trong thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi toán là một trong nhiều người thầy như vậy.

Ông đã khơi gợi, định hướng, uốn nắn và quan trọng là đã làm cho học sinh tìm ra và hiểu được khả năng của chính mình, dù sau này làm nghề gì thì những khả năng được thầy khơi gợi luôn là hành trang quý giá của mỗi người học trò.

Cảm ơn các tác giả đã mang lại cho tôi cả một quá khứ đẹp của thời thơ ấu. Mong rằng bạn đọc sẽ nhận được từ cuốn sách này nhiều điều hay về một thời đã qua, được viết lại một cách chân thực, giản dị, không tô vẽ cũng không bi kịch hóa - điều có trong không ít các tác phẩm bây giờ viết về thời quá khứ.

NGUYỄN THỊ HẬU

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục