25/05/2016 09:42 GMT+7

​Một số chứng bệnh điển hình do “ôm” máy tính

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Việc “ôm" máy tính cả ngày cộng với các yếu tố khác ở văn phòng rất dễ gây ra một số chứng bệnh điển hình

Máy tính gần như là vật bất ly thân của giới văn phòng, thời gian sử dụng máy tính của họ nhiều khi lạm chiếm cả vào giờ ăn và giấc ngủ. Vì vậy, bạn phải lưu ý và biết cách phòng ngừa để tránh được nhiều chứng bệnh đặc thù.

Mỏi tay do di chuột

Thao tác nhấp chuột, rê chuột và tay gõ phím đòi hỏi cổ tay và các ngón tay phải hoạt động liên tục, thao tác lặp đi lặp lại nhiều lần khiến đau mu bàn tay, đau quanh cổ tay hoặc lan dọc theo cẳng tay và khuỷu.

Nguyên nhân là do sử dụng chuột kích cỡ không phù hợp với lòng bàn tay, vị trí để chuột chưa đúng. Lâu dần có thể dẫn tới các bệnh về xương khớp ở cổ tay, vai.

Để tránh bị mỏi tay, bạn nên chọn loại chuột phù hợp với lòng bàn tay bằng cách cầm chuột di qua di lại, nếu không bị cộm hoặc lọt thỏm trong lòng bàn tay là phù hợp.

Chuột được thiết kế thuôn và lượn theo lòng bàn tay khi sử dụng sẽ thoải mái. Chuột dẹt giúp bớt duỗi cổ tay quá mức và giảm lực đè lên cổ tay. Chuột chuẩn phím bấm phải nhẹ và nhạy.

Hãy thả lỏng bàn tay khi sử dụng chuột, đặt chuột ở vị trí sao cho cổ tay thẳng hàng với cánh tay, đặt chuột càng gần càng tốt. Nếu để chuột ở vị trí xa, cánh tay sẽ phải liên tục di chuyển để với chuột sẽ dẫn tới đau cổ, vai và gáy.

Giữ tư thế tự nhiên lúc làm việc cũng sẽ giúp hạn chế chứng đau cổ tay. Nên dùng tấm lót chuột chống mỏi cổ tay, giúp bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng chuột, tránh được các bệnh về khớp cổ tay do sử dụng chuột lâu.

Hoặc dùng giá đỡ chuột: chụp lên phần số của bàn phím, nên kết hợp với giá đỡ cánh tay gắn vào bàn làm việc. Cũng có thể dùng bàn phím kèm touch pad thay thế chuột: touch pad thường nằm ở góc phải dưới bàn phím.

Nhiều người cũng chọn bàn phím ngắn hơn bàn phím thông thường khoảng 10cm, không có phần phím số bên phải, giúp cánh tay đỡ phải dang ra ngoài quá xa.

Để phục hồi độ dẻo và khắc phục chứng mỏi cổ tay do dùng chuột bạn hãy tập một số động tác dưới đây, mỗi động tác nên tập 20 lần.

Đặt sấp cánh tay lên bàn, bàn tay nằm ngoài mép bàn. Từ từ gập bàn tay xuống hết mức rồi bật lên tối đa. Xoay đứng bàn tay lên, từ từ nghiêng bàn tay xuống theo hướng ngón út rồi ngược lại.

Đặt sấp cánh tay và bàn tay trên bàn, sau đó lăn cánh tay qua để ngửa bàn tay lên. Xoay cổ tay theo một chiều rồi ngược lại. Nắm bàn tay lại rồi xòe ra. Dùng đầu ngón cái lần lượt bấm vào đầu các ngón khác, còn gọi là động tác đối ngón. Tập bóp trái banh tennis trong 5 giây rồi thả lỏng vài giây.

Khi sử dụng máy tính có biểu hiện đau, tê ở vùng cổ tay, các đầu ngón tay có cảm giác nhói, đau mỏi vùng cổ thì có thể là những triệu chứng của việc sử dụng chuột không đúng cách.

Tuy nhiên, triệu chứng đó cũng có thể là của một số bệnh và tuổi tác, ở phụ nữ có thể là do ở độ tuổi mãn kinh, do bệnh tiểu đường hoặc ở khớp cổ tay đã sẵn có yếu tố mầm bệnh. Vì vậy, bạn cần phải đi gặp bác sĩ khám trực tiếp để điều trị đúng nguyên nhân bệnh.

Thoái hóa cột sống

Do đặc thù công việc, giới văn phòng thường ngồi bất động khá lâu (chỉ có tay và mắt là hoạt động), ngồi sai tư thế, bên cạnh đó lại ngồi trong phòng lạnh, khiến máu huyết ít lưu thông, gây nên mỏi cho cơ gáy sau cổ, thoái hóa cột sống lưng.

Khi làm việc ta thường ngồi và cúi xuống nhìn màn hình vi tính, hoặc hay phải nhìn lên do màn hình quá cao so với tầm mắt. Về lâu dài điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới cột sống cổ. Còn ngồi làm việc sai tư thế, ngồi quá lâu không vận động sẽ ảnh hưởng đến cột sống lưng.

Để phòng tránh, khi sử dụng máy tính cần giữ tư thế ngồi đúng, khi ngồi hai chân chạm đất, nên dùng đệm cho chân, đảm bảo đủ độ rộng rãi để cho chân có thể hoạt động tự do trong phạm vi bàn làm việc. Không vắt chéo chân, nên thường xuyên dạng chân và thay đổi tư thế chân để cho cả cơ thể được thư giãn. Không nên để vật khác ở dưới bàn sẽ hạn chế không gian hoạt động của chân.

Luôn phải cố gắng giữ cho cột sống thẳng, giữ được đường cong tự nhiên của cột sống ở cổ và thắt lưng. Tốt nhất là nên giải lao sau mỗi 1 tiếng làm việc, tập nhẹ nhàng những động tác kéo dãn cột sống, thư giãn cơ thể. Khi mỏi cổ, hãy xoa bóp cho gáy nóng lên để khí huyết được lưu thông. Đi lại, vận động để cơ lưng đỡ mỏi.

Khi bị đau cột sống, cần phải điều trị sớm, đừng để bị đau quá lâu, ngưỡng chịu đựng đau sẽ hạ xuống. Khi đó người bệnh cảm thấy trầm trọng hơn, không thể làm việc dù chỉ vài phút. Việc điều trị sẽ rất khó khăn trong giai đoạn này.

Lưu ý, khi điều trị, uống thuốc phải kèm theo việc loại bỏ nguyên nhân thì mới hết bệnh. Vì thuốc có tác dụng làm giảm đau mỏi nhưng không thay đổi thói quen làm việc thì có dùng bao nhiêu thuốc vẫn không đỡ.

Không nên lạm dụng thuốc nhỏ mắt

Nhiều người luôn có sẵn lọ thuốc tra mắt theo quảng cáo dùng để chống mỏi mắt, nhức mắt và vô tư sử dụng bất cứ khi nào thấy mắt mỏi. Các bác sĩ khuyến cáo, khi mỏi mắt do sử dụng máy tính nhiều, bạn chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý Natri clorid 0,9%, vừa có tác dụng rửa mắt và chống mỏi mắt vừa an toàn hơn vì nó có chứa yếu tố dinh dưỡng.

Không nhất thiết phải sử dụng những loại thuốc đắt tiền, có tính chất đặc trị. Tốt nhất chỉ dùng thuốc nhỏ mắt trong trường hợp có chỉ định của bác sĩ vì chúng có chứa phụ gia công nghiệp, dùng nhiều và dùng hàng ngày sẽ không tốt cho mắt.

Khi mỏi mắt bạn hãy luyện cho mắt bằng cách nhìn cây xanh, vì màu xanh mát mẻ của cây lá rất tốt để cho mắt thư giãn. Nếu không có cây xanh thì đơn giản là nhìn ra xa để mắt được nghỉ ngơi.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên