24/12/2016 17:30 GMT+7

​Phụ nữ và tuổi mãn kinh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Thời kỳ tiền mãn kinh xuất hiện ở độ tuổi khoảng 42 đến 47,5 tuổi, là một giai đoạn tự nhiên ở mọi phụ nữ.

Trong thời gian này, nồng độ nội tiết tố buồng trứng trong cơ thể bắt đầu giảm sút do buồng trứng bắt đầu suy giảm việc sản xuất nội tiết tố sinh dục – estrogen và progesterone. 

Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn tắt dục, là một giai đoạn trong quá trình lão hóa của người phụ nữ; đánh giá sự chuyển tiếp từ tình trạng có khả năng sinh sản sang tình trạng không còn khả năng sinh sản xảy ra từ giai đoạn trước mãn kinh và kéo dài tới khi đã mãn kinh.

Thời kỳ mãn kinh 

Bắt đầu khi hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng không còn nữa kèm theo một số thay đổi về tâm sinh lý của cơ thể. Thời kỳ này thường bắt đầu trung bình từ 45 – 55 tuổi và việc mãn kinh sớm hay muôn không liên quan đến việc có kinh lần đầu tiên. Mãn kinh đến sớm hơn ở những phụ nữ bị cắt hai buồng trứng do bệnh lý buồng trứng. Phụ nữ hút thuốc lá mãn kinh sớm hơn trung bình là 1 năm so với những người không hút thuốc.

Những dấu hiệu nào giúp phụ nữ biết được bắt đầu bước vào thời kỳ tiền mãn kinh?

Các triệu chứng hay dấu hiệu cho biết người phụ nữ bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh thay đổi khác nhau ở mỗi người. Việc giảm sút nội tiết tố sinh dục estrogen trong suốt thời kỳ tiền mãn kinh chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề khó chịu cho phụ nữ. Họ sẽ cảm thấy sự thất thường về kinh nguyệt và xuất hiện những cơn bốc hỏa – đó là một cảm giác nóng bừng đột ngột, thường có cảm giác lan khắp vùng ngực. Đổ mồ hôi về đêm, hoa mắt chóng mặt và cảm giác ngột ngạt, nhịp tim không đều, cảm giác thiếu tập trung và nhầm lẫn trong trí nhớ. Tính khí thất thường và hay gắt gỏng. Khô da, giảm sự ham muốn tình dục và âm đạo khô rát; có dấu hiệu loãng xương, đau nhức xương khớp và có thể xuất hiện các vấn đề về tim mạch.

Thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe phụ nữ?

Các triệu chứng trên có thể vẫn tiếp tục kéo dài trong vài năm đầu sau mãn kinh kèm theo một số những thay đổi về tâm lý và sinh lý. Sự thiếu hụt estrogen sau mãn kinh có thể là nguyên nhân gây ra các rối loạn như:

• Loãng xương, dễ gãy xương, đau nhức các khớp.

• Da kém sự đàn hồi, tóc dễ gãy, rụng.

• Các vấn đề về tim mạch có thể xảy ra như xơ cứng thành mạch, tăng nguy cơ bệnh mạch vành, cao huyết áp hay nhồi máu cơ tim.

• Các rối loạn chuyển hóa có thể xảy ra và là nguyên nhân của các bệnh béo phì, đái tháo đường.

• Chứng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.

• Giảm ham muốn tình dục do niêm mạc âm đạo teo, khô, dễ trầy sướt và chảy máu. Sa sinh dục do cơ, dây chằng vùng chậu giảm tính đàn hồi hơn.

• Cũng liên quan đến việc thiếu hụt estrogen khiến cho phụ nữ mãn kinh dễ nhiễm khuẩn đường tiểu và chứng tiểu không kiểm soát cũng thường xuất hiện.       

• Các ung thư sinh dục như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung cũng vẫn còn là mối lo ngại đối với phụ nữ mãn kinh.

Phụ nữ cần làm gì để giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa các rối loạn hoặc các bệnh lý trong thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh?

Tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn bình thường xảy ra đối với người phụ nữ. Có người giai đoạn này diễn ra bình thường mà không có triệu chứng nào nhưng cũng có người giai này xảy ra sớm và kéo dài gây rất nhiều sự khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và công việc của họ.

Sự lão hóa xuất hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh là sự thay đổi tự nhiên của cơ thể do sự suy giảm dần dần chức năng của các cơ quan, do đó người phụ nữ ở vào thời kỳ này nên giữ được thái độ lạc quan để giúp cho tinh thần tốt, tư duy nhẹ nhàng. Họ cần tạo cho mình  một cuộc sống với môi trường vui tươi, thoải mái, tránh những lo âu phiền muộn, xây dựng một kế hoạch làm việc thật khoa học và lành mạnh nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình.

Dinh dưỡng:

• Tăng lượng canxi cho xương khỏe mạnh giúp ngăn ngừa loãng xương. Bổ sung canxi bằng các thực phẩm như sữa, sữa chua, phô mai…

• Ăn chất béo có lợi: Ăn cá nhiều hơn giúp tăng cường lượng omega-3 cho cơ thể, giúp cân bằng hormone, giảm sạm da và làm giảm bớt cơn bốc hỏa, cải thiện tình trạng hay quên và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

• Tăng cường các loại rau xanh, trái cây trong chế độ ăn hàng ngày để bổ sung chất xơ, vitamin C và carotene - các thành phần có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa hiện tượng lão hóa và nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Đậu nành giúp cải thiện các triệu chứng của tuổi mãn kinh như bốc hỏa, là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời và đừng quên uống đủ nước mỗi ngày vì nước giúp ẩm da và thải trừ chất độc cho cơ thể.

• Hạn chế rượu và cà phê: những cơn bốc hỏa thường gặp ở thời kỳ mãn kinh được cải thiện ở hầu hết các trường hợp khi những thực phẩm này được giảm hoặc loại bỏ. Các thức uống có gaz có thể ảnh hưởng đến viêc thất thoát canxi, đặc biệt thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch cho cơ thể.

• Điều chỉnh trọng lượng cơ thể: tập thể dục thường xuyên mỗi ngày, đi bộ hoặc bơi lội là cách luyện tập phù hợp nhất ở tuổi mãn kinh. Đi bộ 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, tình trạng khớp, cân nặng và tâm trạng một cách đáng kể. Việc duy trì vận động mỗi ngày sẽ giúp cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh, giảm đáng kể các triệu chứng của mãn kinh.

• Duy trì khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng một lần để phát hiện và xử trí sớm các bệnh phụ khoa, đặc biệt là các bệnh ung thư sinh dục.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên