19/05/2017 09:37 GMT+7

Đo sai độ cận thị

NGỌC LOAN
NGỌC LOAN

TTO - Nhiều người đang đeo kính cận nặng độ hàng chục năm, bỗng giật mình vì một ngày đi đo lại mới biết mắt mình cận nhẹ hơn 3-4 độ so với trước đây. Tại sao?

Nếu đeo mắt kính nhẹ hơn độ cận thì ảnh mờ. Còn mắt kính cao hơn độ cận thì vẫn nhìn rõ nhưng mắt phải điều tiết - Ảnh minh họa: T.T.D.
Nếu đeo mắt kính nhẹ hơn độ cận thì ảnh mờ. Còn mắt kính cao hơn độ cận thì vẫn nhìn rõ nhưng mắt phải điều tiết - Ảnh minh họa: T.T.D.

Có nhiều người đo độ cận thị, số đo khi đo trên máy thường cao hơn thực tế của người cận, vì khi đó mắt đang có điều tiết. Khi đo trên máy điện tử, điều tiết mạnh đến mức có những trường hợp sai lệch 8-10 độ, đặc biệt đối với trẻ em.

Đang cận hơn 6 độ, bỗng dưng còn hơn 2 độ

Bạn H.T.Đ. (23 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) mang kính cận 6,75 độ từ hơn 6 năm nay. Vài tháng trước, Đ. vào bệnh viện mắt TP.HCM đo lại mắt để thay tròng kính, thì kỹ thuật viên kết luận Đ. cận một bên 2,75 độ và một bên 2,5 độ.

Từ đó đến nay, Đ. đeo kính theo số đo mới thấy bình thường, nhìn rõ. Đ. ngạc nhiên vì lâu nay mình đeo cái kính dày cộp nặng độ, cứ 6 tháng thay tròng kính một lần, có lần đo lại lần không nhưng vẫn theo số độ cũ.

Đ. bảo: “Lúc đo thị lực, 3 người ở bệnh viện thay nhau đo cho em, đo đi đo lại nhiều lần. Họ bảo chưa gặp ai đeo kính lệch nặng như em mà mắt vẫn bình thường, may mà mắt mới chỉ nổi gân đỏ, để lâu sẽ nguy hiểm”.

Còn T.T.K.A. (24 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cũng không khỏi ngỡ ngàng khi lâu nay đang mang kính cận mắt phải 5,5 độ và mắt trái 6,5 độ. Nhưng cuối tháng 2-2017 đi đo lại để thay kính, thì phát hiện mắt phải chỉ cận 3,75 và mắt trái 5,5. Không hiểu do mắt giảm độ hay lâu nay đeo kính sai độ, K.A. tiếp tục đến 2 tiệm kính khác để đo lại thì lại được bảo là mắt phải tăng 0,5 so với tròng đang đeo (tức 6 độ).

Mắt điều tiết mạnh dễ đo sai độ cận thị

ThS.BS Hồng Văn Hiệp - trưởng khoa mắt Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết sở dĩ có chênh lệch độ như vậy là do điều tiết của mắt trong khi đo thị lực. Điều tiết là phản xạ tự động. Điều tiết của mắt có giới hạn, phụ thuộc theo lứa tuổi. Càng trẻ thì sức điều tiết càng mạnh nên khi đeo kính dư độ trong khả năng điều tiết thì mắt vẫn nhìn rõ.

Những người điều tiết mạnh dễ dẫn đến chênh lệch độ nhiều hơn. Mắt của những người không bị tật khúc xạ, điểm hội tụ của ảnh là ở võng mạc. Còn cận thị thì ảnh sẽ hội tụ trước võng mạc sau đó mới tới võng mạc, nên ảnh nhòe và mờ.

Vậy nên nếu đeo mắt kính nhẹ hơn độ cận thì ảnh vẫn mờ. Còn mắt kính cao hơn độ cận thực thì điểm ảnh nằm sau võng mạc, như vậy vẫn nhìn rõ nhưng mắt phải điều tiết để kéo ảnh về võng mạc.

Khi đo mắt bằng máy, người được đo sẽ được yêu cầu nhìn vào bức hình trong ống kính với cự ly gần khoảng 20-30cm. Khi nhìn gần thì có hiện tượng điều tiết xảy ra dù muốn hay không. Máy sẽ đo khúc xạ ngay lúc làm cho mắt mất đi điều tiết.

“Khi mình nhìn vào hình trong máy, máy không đo ở thời điểm mình nhìn rõ mà đo lúc mình thấy ảnh mờ. Nên lúc nhìn mờ đó, chỉ nên nhìn thoải mái, không nên cố tình tập trung, chăm chú vào hình, không soi tỉ mỉ, như vậy mắt mới đỡ bị điều tiết” - BS Hiệp giải thích.

Nên đo mắt ở những nơi uy tín

“Trường hợp đeo kính lệch độ, lệch thiếu độ thì nhìn không rõ, còn đeo dư độ thì bắt buộc mắt điều tiết thường xuyên. Bản chất điều tiết là có sự co cơ trong mắt, nên khi điều tiết nhiều dễ bị mỏi mắt. Việc điều tiết quá nhiều, điều tiết mạnh có thể bị nhức mắt, nhức đầu, gây đỏ mắt và có thể chảy nước mắt vì hiện tượng co cơ liên tục trong mắt” - BS Hiệp nói.

Theo BS Hiệp, khi đo mắt nếu gặp những trường hợp đo sai số quá lớn thì phải cho liệt điều tiết. Với trường hợp đo nhiều nơi mà cho số đo khác nhau thì số đo nào thấp nhất cho thị lực rõ nhất là đúng nhất.

Để đảm bảo đo chính xác, máy đo phải hiện đại, khử được điều tiết của mắt. Kỹ thuật viên đo mắt phải hướng dẫn người được đo để loại trừ điều tiết thì số đo sẽ chính xác. Người được đo mắt phải không điều tiết quá mạnh trong khi đo. Vì vậy, phải có sự hợp tác của kỹ thuật viên và người được đo mắt.

Điều tiết là một phản xạ tự động của mắt. Đây là hoạt động làm thay đổi tiêu cự của mắt, để ảnh của vật cách mắt các khoảng cách khác nhau nhưng vẫn tạo ra ảnh ở võng mạc. Với người cận thị, ảnh hội tụ trước võng mạc nên bị mờ nhòe, như vậy mắt sẽ điều tiết kéo ảnh về võng mạc để nhìn rõ.

Để tránh điều tiết làm số đo không chính xác, các bác sĩ khuyến cáo người bị cận thị khi nhìn vào máy đo mắt, ở thời điểm thấy ảnh mờ và nhòe thì vẫn để mắt yên, không đảo mắt, chỉ nhìn hờ chứ không cố tập trung soi kỹ.

Trường hợp kỹ thuật viên đo mắt thấy người bị cận điều tiết mắt quá mạnh thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để làm liệt điều tiết bằng thuốc.

Đối với trẻ em, những trường hợp cần thiết thì có thể nhỏ thuốc làm liệt điều tiết để đo chính xác. Tuy nhiên, sử dụng thuốc liệt điều tiết phải có chỉ định của bác sĩ. Thuốc làm liệt điều tiết có tác dụng mạnh lại lâu dài, ít nhất là 3-4 tiếng, có loại làm liệt điều tiết 1 tuần, như vậy gây khó khăn cho sinh hoạt và học tập của trẻ.

NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên