12/06/2016 10:00 GMT+7

Khập khiễng cách hồi: Coi chừng tắc mạch

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
TS.BS TRẦN BÁ THOẠI

TTO - Khập khiễng cách hồi có nguyên nhân do thiếu hụt lượng máu đến nuôi chân do mạch máu bị chít hẹp vì xơ vữa. Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị thích hợp, cơn đau sẽ biến mất, người bệnh có thể đi lại bình thường.

Đặt stent can thiệp chít hẹp động mạch - Ảnh: T.B.T.
Đặt stent can thiệp chít hẹp động mạch - Ảnh: T.B.T.

Đây là dạng đau chân từng lúc, đặc biệt khi đang đi, ngồi nghỉ đỡ đau và sẽ đau trở lại khi đi tiếp; là cơn “đặc trưng” do thiếu máu cung cấp cho chân. Đau thường rõ hơn, gia tăng trong khi tập thể dục, đi bộ nhiều.

Khổ vì cái chân tê

Ông P.C.T. (sinh 1955), nhập viện vì bị tê, đau chân trái nhiều, đi lại rất khó khăn. Bệnh nhân có tiền sử bệnh rối loạn mỡ máu và viêm tắc động mạch chân mãn tính, đang dùng các thuốc bảo vệ thành mạch, thuốc giảm mỡ máu và thuốc chống đông.

Qua thăm khám và kết quả siêu âm Doppler mạch máu, chụp DSA, ông được chẩn đoán: hẹp động mạch đùi trái nặng do xơ vữa thành mạch.

Sau đó, ông T. được chỉ định can thiệp mạch bằng cách đặt stent động mạch qua da mà không cần phẫu thuật.

Thủ thuật được thực hiện qua các công đoạn: đưa một ống thông nhỏ qua da vào động mạch để lấy cục máu đông, dùng một quả bóng nhỏ bơm lên trong lòng mạch để nong rộng chỗ tắc và đặt stent (ống nong) đúng cỡ vào vị trí chít nghẽn để ngăn chặn tái hẹp.

Ông P.C.T. xuất viện 3 ngày sau với tình trạng sức khỏe ổn định, đi lại bình thường và chi không còn tê đau cách hồi.

Vì sao “khập khiễng cách hồi”?

Từ quả tim bơm ra, máu sẽ theo các động mạch đến khắp cơ thể. Cũng như các cơ quan khác, chân cũng có các động mạch đưa máu đến cung cấp dưỡng khí và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của mô, cơ ở chân.

Khi dòng máu đến bị thiếu hụt, chân sẽ bị đau và tê. Với những trường hợp nghẽn hẹp vừa phải, cảm giác đau thường tăng lên, rõ ràng hơn khi bệnh nhân đi lại, khiến bệnh nhân có lúc phải ngồi nghỉ giữa chừng (khập khiễng cách hồi).

Dòng máu nuôi dưỡng thiếu cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp nặng, động mạch bị hẹp tắc, dòng máu nuôi bị chặn lại, các mô tế bào vùng tương ứng bị hoại tử, nhiễm trùng và nhiều lúc phải cắt cụt chân/tay.

Lúc đầu, cơn đau khập khiễng chỉ có thể nhận thấy khi đang lao động, đi lại nhiều, nhưng về sau khi động mạch chân bị chít hẹp nhiều hơn, cơn đau có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Đau cách hồi có nguyên nhân là lưu lượng máu bị sụt giảm, do đó cơn đau sẽ biến mất sau khi can thiệp mạch máu khiến việc tưới máu được phục hồi.

Hãn hữu, có người bị hẹp bệnh động mạch ngoại biên nhưng không có bất cứ một triệu chứng nào, nhất là trong giai đoạn sớm của bệnh. Đây là lý do bệnh chít hẹp động mạch chân bị bỏ sót chẩn đoán. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa người béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp...

Do đó, khi có cơn khập khiễng cách hồi, ngoài các thủ thuật để chẩn đoán bệnh lý động mạch ngoại biên, đừng quên tầm soát những bệnh lý nội tiết và chuyển hóa này.

Can thiệp tim mạch là kỹ thuật “vàng” không quá khó để giải quyết những hẹp nghẽn tắc mạch nói chung và khập khiễng cách hồi do chít hẹp động mạch chân.

Thủ thuật can thiệp mạch đòi hỏi hai bước cơ bản: (1) xác định chẩn đoán và (2) đánh giá mức độ và tính chất tổn thương.

Những điều này chỉ đạt được ở cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, cùng với trang thiết bị y tế đầy đủ: máy siêu âm Doppler mạch máu và đặc biệt là máy chụp mạch xóa nền kỹ thuật số hóa DSA.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên