Bé Phát đã tỉnh táo, đang được điều trị tại khoa hồi sức - Ảnh: L.TH.H. |
Đằng sau sự hồi sinh kỳ diệu của bé là nỗ lực không mệt mỏi và quyết tâm cứu sống bé của các y bác sĩ.
Tại buổi họp báo ngày 18-8, gương mặt các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, rạng ngời hạnh phúc vì những nỗ lực cứu sống bé Phát đã đem lại kết quả rất tốt.
Còn mẹ bé Phát - chị Võ Thị Hồng Duyên - nước mắt cứ lăn dài vì xúc động trước tấm lòng của các y bác sĩ và niềm vui khi núm ruột bé bỏng đã vượt qua lằn ranh sinh - tử.
“Lúc thấy con bị đâm như vậy em đau thắt. Rồi khi nghe tin các bác sĩ mổ thành công, em ráng gượng dậy lên thăm con. Lên đây em nặn sữa cho con, dù lúc mới nặn không có sữa. Em ngồi suốt đêm nặn sữa, mấy chị xung quanh thấy vậy nói em đừng nặn nữa, cứ để cho bé uống sữa bệnh viện nhưng em vẫn ráng nặn vì em biết con còn đau hơn em nhiều |
Chị Hồng Duyên, mẹ bé Phát, nói trong nước mắt |
Vật lộn với “thần chết”
Theo ThS.BS Đào Trung Hiếu - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, điều lo lắng nhất sau ca phẫu thuật rút con dao ra khỏi đầu bé Phát là việc chảy máu thứ phát sau mổ và nhiễm trùng đã không xảy ra.
Qua ba lần được siêu âm kiểm tra sọ não, khối máu tụ trong và ngoài sọ không phát triển thêm, ổn định kích thước như lần đầu siêu âm. Bé được cai máy thở, tỉnh táo, phản xạ tay chân cử động bình thường như một đứa trẻ không bị tổn thương não.
Hai ngày sau phẫu thuật, bé được cho ăn bằng đường miệng qua ống thông dạ dày và tiêu hóa thức ăn (sữa) tốt. Vết thương bên ngoài trán bé được cắt chỉ, khô ráo, lành tốt, chỉ còn rỉ tí dịch nhưng ngày càng ít. Dù bị dao đâm vào hốc mắt trái nhưng mắt bé không bị ảnh hưởng, bé mở mắt bình thường và liếc qua liếc lại được.
Điều các bác sĩ e ngại là bé có thể bị rò dịch não tủy sau khi được vá sọ bằng màng cứng nhân tạo đã không xảy ra. Về vấn đề thần kinh, theo bác sĩ Trung Hiếu, trước khi cho bé xuất viện, bệnh viện sẽ cho chụp CT scan, đo điện não lại cho bé.
Trong khi đó bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm - trưởng khoa hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết vấn đề khó khăn nhất cho bé sau mổ là việc thở máy trên trẻ sơ sinh có vấn đề của não. Mức độ thở máy phải được tính toán sát và phù hợp tối đa để tăng không khí vừa phải, không quá mức để chống phù não.
Ngày 13-8, bé Phát được cho cai máy thở nhưng không thể dùng hệ thống CPAP (thở áp lực dương liên tục) để hỗ trợ thở do hệ thống này chống chỉ định ở trẻ có áp lực sọ não. Các bác sĩ phải cho bé thở oxy qua mũi và rất lo bé bị suy hô hấp trở lại. May mắn một lần nữa lại đến khi điều này không xảy ra.
Những ngày đầu sau mổ, bé Phát còn bị những cơn co giật do vết thương ở não nên phải sử dụng thuốc an thần. Đến sáng 18-8, bé đã được ngưng thuốc an thần hoàn toàn. Về kháng sinh điều trị nhiễm trùng đã được giảm bớt một loại, liều lượng cũng giảm bớt.
Theo bác sĩ Thanh Tâm, bé Phát đã tự bú bình (sữa mẹ vắt ra) ngày 8 lần, mỗi lần 40 - 60ml. Do còn phải hạn chế cử động cho bé nên tạm thời mẹ bé chưa thể cho con bú trực tiếp. Vấn đề tổn thương não, các bác sĩ đã kiểm soát được và những biến chứng thần kinh lo sợ gặp phải đều ở mức thấp nhất.
Về bệnh viêm phổi của bé, bác sĩ Thanh Tâm nhận định bé Phát còn những cơn suy hô hấp khó thở, tuy nhiên tình trạng này có thể do bé có bệnh lý nội khoa nên sẽ tiếp tục tầm soát cho bé.
Bé Phát đang được một điều dưỡng cho bú bình tại khoa hồi sức sơ sinh - Ảnh: L.TH.H (chụp qua màn hình) |
“Quy trình báo động đỏ”
“Việc mổ lấy con dao ra chưa phải là xong mà sau mổ là vấn đề hồi sức, chăm sóc. Chúng tôi quyết tâm cố gắng cứu sống bé nhưng vẫn sợ sức khỏe của bé không phục hồi như mong muốn và có thể bị di chứng. May mắn là bé hồi phục rất thần kỳ và ngoạn mục” - bác sĩ Thanh Tâm chia sẻ.
Theo bác sĩ Trung Hiếu, có được kết quả này là do bệnh viện đã xây dựng “quy trình báo động đỏ”. Khi có bệnh nhân vào cấp cứu, dù là ngày nghỉ, bệnh viện vẫn huy động nhanh toàn bộ lực lượng (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên...) và các khoa, phòng cần thiết tham gia quá trình xử lý ca báo động đỏ.
Quy trình báo động đỏ được bệnh viện thiết lập nhiều năm nay và Bệnh viện Nhi Đồng 1 là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện quy trình này để cứu sống nhiều em bé trong tình trạng sức khỏe thật sự “đỏ” (thập tử nhất sinh, mạch bằng 0, huyết áp bằng 0, trẻ đứng giữa ranh sống - chết).
Khi tiếp nhận thông tin ca báo động đỏ, tức là cấp cứu khẩn, thì thời gian huy động lực lượng không quá 10 phút để xử lý cấp cứu, phẫu thuật cho trẻ.
Thời gian qua, nhờ thực hiện quy trình báo động đỏ này bệnh viện đã cứu sống hơn 10 bé. Hiện quy trình báo động đỏ của bệnh viện được phổ biến cho một số đơn vị bạn để áp dụng cứu sống bệnh nhi.
Tóm tắt diễn biến tình trạng bé Dương Minh Phát * Ngày 8-8: - 3g40: Bị đâm thấu sọ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. - 6g45: Nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. - 10g30: Bắt đầu được mổ (ca mổ kéo dài 3 tiếng). - 13g40: Chuyển xuống khoa hồi sức sơ sinh. *Ngày 10-8: Ăn sữa bằng đường miệng qua ống thông dạ dày. *Ngày 13-8: Cai máy thở. *Ngày 17-8: Bú bình (sữa mẹ). * Sáng 18-8: Ngưng hoàn toàn thuốc an thần. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận