30/07/2015 11:00 GMT+7

Sổ mũi quanh năm

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - 15 - 20% dân số viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa có cách điều trị bệnh viêm mũi dị ứng dứt điểm làm nhiều người mắc bệnh có chất lượng cuộc sống thấp.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân bị viêm mũi dị ứngẢnh: THÙY DƯƠNG
Bác sĩ khám cho một bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng - Ảnh: Thùy Dương

Chiều 27-7, tại một phòng khám của Bệnh viện Tai mũi họng (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 32 tuổi (ngụ Q.3), được bác sĩ chẩn đoán bị viêm mũi dị ứng. Chị Nhàn kể từ năm 12 tuổi, mỗi năm chị bị tái phát viêm mũi dị ứng 2 - 3 lần.

Sau nhiều lần điều trị, chị biết bệnh này hiện chưa thể điều trị dứt điểm nên phòng tránh bằng cách giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đeo khẩu trang khi ra đường.

Thường xuyên chảy mũi, sụt ký

Nằm trên giường bệnh khoa mũi xoang Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, anh L.T.C., 29 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai, kể năm năm trước khi thấy thường xuyên bị hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu từng đợt, anh đến một cơ sở y tế gần nhà khám thì được chẩn đoán bị viêm mũi dị ứng. Sau đó, bệnh thường xuyên tái phát.

Một năm nay, triệu chứng viêm mũi dị ứng ngày càng nặng. Anh bị nghẹt mũi đến mức khó thở, không ngủ được. Đêm nào cũng tới 3g-4g sáng anh mới có thể chợp mắt, sáng dậy rất mệt mỏi. Trước đây anh C. nặng 66kg, nay chỉ còn 61kg.

Ngày 8-7, anh đến Bệnh viện Tai mũi họng để khám, nội soi. Anh được chẩn đoán viêm mũi dị ứng và bị vẹo mào vách ngăn bên trái, quá phát cuống dưới hai bên.

Bác sĩ Huỳnh Vĩ Sơn, phó khoa mũi xoang Bệnh viện Tai mũi họng, cho biết thông thường viêm mũi dị ứng cần điều trị nội khoa, tránh các dị nguyên. Tuy nhiên, anh C. lại bị vẹo mào vách ngăn bên trái - một bệnh lý bẩm sinh - nên phải phẫu thuật để chỉnh hình vách ngăn, nếu không sẽ là một yếu tố thuận lợi cho bệnh viêm mũi dị ứng nặng thêm.

Bệnh có xu hướng tăng

Các bác sĩ cho biết hiện có rất nhiều người mắc bệnh viêm mũi dị ứng với 15 - 20% dân số mắc bệnh. Với tỉ lệ này, ước tính tại TP.HCM có hơn 1,5 triệu người mắc bệnh. Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2015, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM tiếp nhận hơn 336.000 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó khoảng 15% được chẩn đoán viêm mũi dị ứng.

Nhiều bác sĩ nhận định bệnh viêm mũi dị ứng đang có xu hướng tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường, thức ăn có nhiều hóa chất, cuộc sống áp lực dễ gây stress làm sức đề kháng cơ thể giảm…

Theo ThS.BS Lê Trần Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, nghẹt mũi, nặng có thể gây nhức đầu. Từ các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhân viêm mũi dị ứng.

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác viêm mũi dị ứng bệnh nhân cần làm xét nghiệm với dịch mũi, test lẩy da. Viêm mũi dị ứng có hai loại: do mùa và quanh năm. Trong đó, viêm mũi quanh năm khó điều trị hơn, trong khi nhiều người Việt Nam lại mắc loại viêm mũi dị ứng này.

Viêm mũi dị ứng gây nhiều phiền toái cho người bệnh vì người bệnh liên tục sụt sịt mũi, hắt xì. Ngoài ra, tăng nghẹt mũi còn làm người bệnh nhức đầu, không thể tập trung. Nghẹt mũi nhiều khiến người bệnh phải thở bằng miệng làm tăng nguy cơ viêm phế quản, không ngủ được. Khi nghẹt mũi kéo dài không được điều trị sẽ dẫn đến viêm xoang...

Không thể điều trị dứt điểm

Do hầu hết bệnh nhân không tránh được những dị nguyên gây bệnh nên mỗi khi có triệu trứng bệnh, bệnh nhân đều phải uống thuốc. Bác sĩ Quang Minh cho rằng sau điều trị, mỗi năm bệnh nhân chỉ tái phát 1 - 3 lần đã được coi là điều trị thành công. Với cách điều trị hiện nay, bệnh nhân viêm mũi dị ứng khó được điều trị dứt điểm.

Nhiều bệnh nhân viêm mũi dị ứng nặng phải đến bệnh viện điều trị liên tục. Chỉ có phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu mới điều trị dứt điểm được những trường hợp này.

Đầu tiên bệnh nhân được test lẩy da để biết được dị ứng với loại dị nguyên nào, rồi được tiêm chất dị nguyên với liều tăng dần, làm cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa. Phương pháp này đã có hơn 10 năm trước tại Bệnh viện Tai mũi họng.

Tuy nhiên, đến nay tại TP.HCM lại không có cơ sở y tế nào điều trị theo phương pháp này do không có nguồn dị nguyên. Bác sĩ Quang Minh đề xuất cần có một đơn vị y tế trong nước nghiên cứu chế xuất các dị nguyên tại Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân, còn nguồn dị nguyên từ nước ngoài có thể không phù hợp.

Bác sĩ Quang Minh khuyên ngoài việc phải phòng tránh những dị nguyên có khả năng gây dị ứng, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để sử dụng những loại thuốc điều trị an toàn và ít gây tác hại.

Hiện có nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc được quảng cáo là các bài thuốc gia truyền, chữa dứt bệnh, nếu người bệnh tự mua uống sẽ nguy hại vì có thể có chứa corticoid.

Tác nhân gây bệnh

Có nhiều tác nhân gây viêm mũi dị ứng như bụi nhà, bụi đường, phấn hoa, những con mạt từ chó, mèo, bụi vải trong nhà, khói bụi, bụi do xe cộ thải ra, gián, mốc, hơi đốt trong nhà, nước hoa, khói thuốc lá, thời tiết lạnh...

Một trong những nguyên tắc điều trị viêm mũi dị ứng là người bệnh phải tránh các yếu tố khởi phát bệnh bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt chăn màn, bao gối, màn cửa và phơi dưới ánh nắng mặt trời, không để thú nhồi bông trong nhà và đóng cửa sổ ở thời kỳ cao điểm của phấn hoa...

T.DƯƠNG

Trẻ em dưới 7 tuổi thường bị ho

Thông tin từ hội thảo về phòng ngừa các bệnh trong giai đoạn chuyển mùa do Hội Dược học VN tổ chức ngày 29-7 tại Hà Nội cho biết trẻ dưới 7 tuổi thường bệnh hơn nhóm trẻ lớn hơn, bệnh thường gặp nhất là ho.

Nghiên cứu vào cuối năm 2014 tại các thành phố lớn ở VN, có 66% người được hỏi cho rằng có ho trong ba tháng gần đây, 72% trong đó là trẻ dưới 7 tuổi.

Các bác sĩ cũng cảnh báo chứng viêm mũi dị ứng ngày càng thường gặp ở vùng nhiệt đới như VN hoặc các quốc gia có nền công nghiệp phát triển do ô nhiễm môi trường. Nhóm tuổi thường mắc bệnh nhất là 12 - 15 tuổi.

L.ANH

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên