19/01/2015 09:14 GMT+7

Nhu cầu thẩm mỹ tăng, tai biến tăng theo

LAN ANH
LAN ANH

TT - Người phụ nữ còn trẻ nhưng phần đầu mũi bị gãy, thấp hơn sống mũi tới nửa centimet, thoạt nhìn chúng tôi tưởng chị bị dị tật bẩm sinh.

Mũi bị teo nhỏ và vẹo do biến chứng phẫu thuật nâng mũi - Ảnh: CTV

Chị tâm sự mới biết đây là hậu quả của ba lần nâng mũi, sửa mũi ở các thẩm mỹ viện.

Chị tên N.T.T.A., 28 tuổi. Không hiểu bác sĩ thẩm mỹ làm sao mà phần đầu mũi của chị bị tụt, khiến chị đang là một phụ nữ bình thường trở nên xấu xí.

Theo bác sĩ Trần Thiết Sơn - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), đây là biến chứng rất thường gặp ở những người đi thẩm mỹ nâng mũi.

Ngoài biến chứng này, bác sĩ Sơn cho biết tháng nào cũng gặp vài ca biến chứng sau bơm silicon lỏng, nhiễm trùng sau phẫu thuật thẩm mỹ...

Nhu cầu tăng gấp đôi

Cần tuân thủ lịch khám

Các bác sĩ khuyến cáo sau phẫu thuật thẩm mỹ, khách hàng cần tuân thủ lịch tái khám.

Đối với phẫu thuật mũi, lần tái khám cuối là sáu tháng sau khi phẫu thuật mới ổn định, do phẫu thuật mũi dễ nhiễm trùng hơn các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ khác.

Đây là đánh giá của bác sĩ Trần Thiết Sơn khi so sánh thời điểm năm 2014 với cách đó hai năm, qua khảo sát khách hàng đến khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn và các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ lớn của Hà Nội.

Theo ông Sơn, mặc dù kinh tế hai năm qua có khó khăn nhưng làm đẹp luôn là một trong những món chi tiêu được ưu tiên nên chị em, thậm chí cả anh em, vẫn rất tích cực rút hầu bao.

“Khách hàng rất thích phong cách thẩm mỹ Hàn Quốc, muốn làm đẹp giống diễn viên Hàn Quốc” - bác sĩ Sơn nói.

Những loại hình thẩm mỹ được ưa chuộng nhất hiện nay là giảm béo, trẻ hóa da, làm cằm V line, sửa mũi, nhấn mí, nâng ngực, nâng mông, hút mỡ để thon gọn vòng hai...

Tuy nhiên nhu cầu tăng cao mà số lượng bác sĩ thẩm mỹ hiện có lại không đủ, nên xảy ra tình trạng các thẩm mỹ viện gom khách hàng rồi mời bác sĩ nước ngoài đến phẫu thuật “chui” theo đợt, hoặc bác sĩ từng gây tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ đóng cửa thẩm mỹ viện cũ, mở thẩm mỹ viện mới quảng cáo rầm rộ và tiếp tục hành nghề.

“Tôi chưa nói đến giá cả vì bác sĩ nước ngoài đến phẫu thuật thường chi phí rất cao. Các bác sĩ liên quan đến tai biến ít ra phải tạm dừng hành nghề 2-3 năm, nhưng vừa qua thấy họ hành nghề luôn mà không hề bị phạt. Gần đây chúng tôi đi thẩm định ở một bệnh viện tư lớn, thấy có cả bác sĩ thẩm mỹ người Trung Quốc chưa có giấy phép hành nghề” - bác sĩ Sơn cho biết.

Loại hình thẩm mỹ công nghệ cao vốn được chị em truyền tụng, ao ước cũng xuất hiện nhiều tai biến do kỹ thuật viên tại thẩm mỹ viện không đủ kiến thức tư vấn cho khách hàng.

Mới đây, bà N.T.T. (Hoàng Mai, Hà Nội) đã gửi đơn khiếu nại một thẩm mỹ viện do làm dịch vụ thermage gây phỏng da mà không bồi thường.

Theo bà T., các kỹ thuật viên quảng cáo đây là dịch vụ không xâm lấn, không gây tổn thương, người được chăm sóc cũng không biết mình đang được chăm sóc da...

Trong khi thực tế ngay sau liệu trình chăm sóc đầu tiên, bà T. đã bị phỏng độ 1 toàn bộ má phải. Bà yêu cầu hủy dịch vụ (đã trả cho thẩm mỹ viện 28 triệu đồng) thì thẩm mỹ viện tư vấn nên tiếp tục liệu trình.

Lần thứ hai không xảy ra tai biến, nhưng đến lần thứ 3 bà T. lại bị phỏng toàn bộ má trái.

Những tai biến hay gặp

Khảo sát tại một thẩm mỹ viện lớn ở Hà Nội, chúng tôi gặp nhiều phụ nữ đến sửa các chỗ hỏng do lần thẩm mỹ trước. Có chị bị gãy ở đầu sống mũi, có chị phần cánh mũi có sẹo lớn sau lần phẫu thuật trước khiến phần chân mũi như tách rời khỏi mặt. Có chị sau nâng cung mày để tránh sụp mí thì hai mắt dữ dằn nhìn như mắt sư tử.

Theo bác sĩ Sơn, mới đây có nữ ca sĩ từng đoạt giải thưởng cuộc thi hát trên truyền hình đến nhờ ông tư vấn do phần mũi mới nâng gần như lòi ra ngoài khiến gương mặt ca sĩ trở nên kỳ dị.

“Tôi đã tư vấn cho cô ấy đến sửa lại nhưng cô ấy quá sợ rồi, mà cứ để như vậy rất ảnh hưởng với một nghề nghiệp coi trọng ngoại hình” - bác sĩ Sơn cho biết.

Cũng theo bác sĩ Sơn, sau phẫu thuật thẩm mỹ có thể có hai tình huống khiến khách hàng phàn nàn: hoặc là chính khách hàng không hài lòng, hoặc người xung quanh nhận xét không đẹp và khách hàng quay lại phàn nàn về dịch vụ.

“Nhưng cũng có những tình huống do tay nghề phẫu thuật viên hoặc do nhiễm trùng khiến chị em bị xấu đi sau phẫu thuật thẩm mỹ, mà phẫu thuật mũi rất dễ nhiễm trùng. Trong đó các tai biến khiến chị em xấu đi có thể gặp là bị lún hoặc lòi phần chêm ở đầu mũi do gọt sụn không chuẩn, sẹo lớn ở cánh mũi do cắt và khâu chưa kỹ, hoặc cấy chỉ căng da quá nông khiến người ta sờ vào da mặt thấy sợi chỉ cộm chạy dưới da...” - bác sĩ Sơn cho biết.

Trong trường hợp chị em lớn tuổi, da thừa nhiều, đã có sụp mí thì bác sĩ khuyến cáo không nên dùng dịch vụ nhấn mí vì hiệu quả sẽ thấp. Chỉ nên chọn dịch vụ này khi tuổi còn trẻ, mắt một mí hoặc mí lót và ít da thừa.

Chị em và cả anh em cũng tuyệt đối không đi bơm silicon để làm đẹp do nguy cơ silicon chạy lung tung khỏi vị trí cần nâng, tạo thành các u, cục cứng, sần sùi mất thẩm mỹ, chưa kể silicon có thể chạy vào mạch máu ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo bác sĩ Sơn, mặc dù đã khuyến cáo nhiều nhưng tháng nào ông cũng gặp 1-2 ca bơm silicon lỏng, chủ yếu chị em bơm để nâng mông mà không biết rằng nếu silicon tràn ra ngoài gây hại cho sức khỏe.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên