Công trình xử lý nước thải của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ không còn phù hợp vì người điều trị ngày càng nhiều - Ảnh: Chí Quốc |
Bốn bệnh viện lớn tại TP Cần Thơ vừa bị Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 2,3 tỉ đồng. Ngay sau đó, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản đề nghị xem xét miễn xử phạt...
Đó là các bệnh viện Nhi Đồng, Mắt - răng hàm mặt, Tai mũi họng và Da liễu. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cũng bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) ra quyết định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường với số tiền 360 triệu đồng.
Hàng loạt vi phạm
Quyết định xử phạt của Tổng cục Môi trường liệt kê hàng loạt vi phạm về môi trường của bốn bệnh viện ở TP Cần Thơ gồm: thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung chương trình quan trắc, giám sát môi trường; không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại; đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định; không xây lắp công trình xử lý môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật... Trong đó, Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ bị phạt nhiều lỗi nhất, số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng, các bệnh viện còn lại bị phạt từ hơn 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Sau khi Tổng cục Môi trường ra quyết định xử phạt, giữa tháng 10-2014 UBND TP Cần Thơ có văn bản gửi Tổng cục Môi trường đề nghị xem xét miễn xử phạt đối với bốn bệnh viện nêu trên. UBND TP Cần Thơ cam kết chỉ đạo các đơn vị này sớm hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn và khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đến nay Tổng cục Môi trường vẫn chưa thực hiện việc xử phạt dù trong các quyết định đều nêu rõ “không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành”.
Riêng trường hợp Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ bị C49 phạt do xây lắp không đúng, không vận hành công trình xử lý môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật.
Theo C49, hành vi này chỉ bị xử phạt từ 160-180 triệu đồng, nhưng C49 áp dụng tình tiết tăng nặng do vi phạm nhiều lần với mức phạt gấp đôi mức 180 triệu đồng. Ngày 22-5-2014, ông Đặng Quang Tâm, giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cũng có văn bản xin miễn xử phạt đối với bệnh viện.
Tuy nhiên, C49 không đồng ý và ra quyết định cưỡng chế thi hành bằng cách trừ 360 triệu đồng từ tài khoản của bệnh viện tại Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ.
Khu xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ luôn bị quá tải - Ảnh: C.Quốc |
Do quá tải
Theo ông Cao Minh Chu - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, việc xử lý chất thải và rác y tế tại các bệnh viện chuyên khoa của TP là vấn đề nan giải hiện nay, do phần lớn bệnh viện này không được xây dựng mới, mà cải tạo lại từ các công trình nhà ở.
Từ đó, nhiều bệnh viện không có hệ thống xử lý chất thải y tế đạt chuẩn. “Bốn bệnh viện của TP Cần Thơ bị Tổng cục Môi trường kiểm tra và có quyết định xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong năm 2014 cũng có phần là lý do trên” - ông Chu nói.
Ông Huỳnh Việt Trung, giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP Cần Thơ, phàn nàn: “Bệnh viện bị xử phạt cũng hơi oan, quy mô của chúng tôi hiện nay là 40 giường bệnh, có thực hiện xử lý chất thải lỏng y tế với lượng khoảng 5m3/ngày đêm, đầu ra nước thải đều có lấy mẫu quan trắc.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường lại không lấy theo thực tế này, mà dựa vào “Đề án bảo vệ môi trường” của bệnh viện xây dựng từ năm 2013 để xử lý với lý do bệnh viện chưa thực hiện được theo đề án.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, giám đốc Bệnh viện Mắt - răng hàm mặt TP Cần Thơ, cho biết bệnh viện được Sở Y tế thống nhất chủ trương xây mới hệ thống xử lý chất thải y tế công suất 4m3/ngày đêm, đang đấu thầu chọn đơn vị thi công. Trên thực tế, lượng chất thải y tế lỏng bệnh viện đang thải ra rất thấp, khoảng 2,5m3/ngày đêm, tất cả đều được xử lý khử trùng trước khi thải ra hệ thống thoát nước nhưng chưa đạt chuẩn.
Còn theo Sở Y tế TP Cần Thơ, Bệnh viện Da liễu cũng có đề án bảo vệ môi trường được duyệt từ năm 2013, nhưng do khó khăn về nguồn kinh phí xây dựng nên đến nay vẫn chưa xây dựng được công trình xử lý chất thải lỏng y tế.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, người ký văn bản gửi Tổng cục Môi trường “xin tha xử phạt”, ngoài Bệnh viện Nhi Đồng sắp sửa di dời đến địa điểm mới, các bệnh viện còn lại đều có triển khai công trình xử lý nước thải, rác thải nhưng nhìn chung việc quản lý tại các bệnh viện chưa tốt. Riêng Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, ông Dũng nhận xét hệ thống xử lý nước thải được xây dựng “ngon lành” nhưng “do quản lý chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn”.
Trả lời câu hỏi về việc xin miễn phạt cho các bệnh viện có gây ra sự bất công đối với các đơn vị khác không, ông Dũng cho rằng nếu doanh nghiệp mà họ khó khăn, “sống dở chết dở” thì TP cũng đề nghị xem xét miễn giảm phạt chứ không riêng gì bệnh viện.
Không rút lại các quyết định xử phạt Ngày 15-1, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc TP Cần Thơ có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường “tha” không thực hiện các quyết định phạt vi phạm môi trường đối với bốn bệnh viện của Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết bộ chưa nhận được văn bản đề nghị như vậy từ TP Cần Thơ. “Những bệnh viện này đều có vi phạm từ những năm trước rồi. Trong quá trình quản lý, kiểm tra, giám sát cũng có nhắc nhở nhưng vì tất cả bệnh viện đều thuộc khối cơ quan công ích nên các đơn vị này không khắc phục vi phạm. Vì vậy, sau quá trình kiểm tra của các bên, xác định rõ vi phạm, Bộ Tài nguyên - môi trường mới ra các quyết định xử phạt hành chính. Các quyết định xử phạt này vẫn còn hiệu lực, các bệnh viện của Cần Thơ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt” - ông Tuyến nói. Trả lời câu hỏi về quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường khi nhận được văn bản đề nghị “tha” cho các bệnh viện của Cần Thơ, ông Tuyến nói: “Tại sao cũng với những vi phạm tương tự thì những nơi khác phải nộp phạt còn với bệnh viện ở Cần Thơ lại được “tha” không phạt? Nếu TP Cần Thơ muốn đề nghị không thực hiện nộp phạt nữa thì cứ kiến nghị lên Chính phủ, còn Bộ Tài nguyên - môi trường không có thẩm quyền “tha”. Cũng theo ông Tuyến, việc cần phải giải quyết đối với các bệnh viện của Cần Thơ hiện nay là đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải để không tiếp tục vi phạm. “Nếu cứ để nước thải ở các bệnh viện không được xử lý, cứ để tồn tại như thế thì chất thải ở bệnh viện có biết bao nhiêu vi trùng, bao nhiêu là virút chảy ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm?” - ông Tuyến nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận