Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khám cho bệnh nhi 2 tuổi bị bệnh viêm phổi - Ảnh: Tiến Long |
Trong đó, 98% trẻ tử vong sống ở các quốc gia đang phát triển.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết như vậy tại buổi tọa đàm “Phòng chống viêm phổi, bảo vệ trẻ em”, nhân Ngày phòng chống viêm phổi thế giới 12-11 do Hội Y học dự phòng TP.HCM và tạp chí Mẹ & Con phối hợp tổ chức ngày 12-11.
Bệnh gây tử vong nhiều nhất
Theo bác sĩ Khanh, một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số 1 đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi năm trên thế giới có hơn 1 triệu trẻ em dưới 2 tuổi chết vì viêm phổi.
Tại VN, ước tính hằng năm có khoảng 2,9 triệu lượt mắc bệnh viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày có 30-40 trẻ bị bệnh đường hô hấp phải nằm viện điều trị nội trú, trong đó có viêm phổi.
Bác sĩ Khanh cho biết viêm phổi là bệnh nhiễm trùng hô hấp dưới phổ biến, gây tác hại vô cùng lớn đối với sức khỏe trẻ em vì có thể gây các biến chứng nghiêm trọng và trẻ cần phải có thời gian từ 6-18 tháng để hồi phục sức khỏe.
Viêm phổi có thể khởi phát nhanh và đột ngột trong vòng một ngày hoặc vài ngày. Khi bị viêm phổi, trẻ có triệu chứng sốt, ớn lạnh, ho, thở khò khè, thở nhanh, khó thở, suy kiệt vì ăn uống không được. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, tím tái, suy hô hấp là bệnh đã rất nặng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh mới chỉ chú ý và lo lắng đến triệu chứng khò khè của trẻ. Trong khi triệu chứng khó thở, thở nhanh trên 40-50 lần/phút thì phụ huynh không biết và chưa biết cách nhận biết (khi thở lồng ngực di chuyển không bình thường) dấu hiệu nặng này để đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời.
“Thủ phạm” phế cầu
Theo bác sĩ Khanh, có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ nhỏ nhưng “thủ phạm” nguy hiểm và thường gặp nhất là vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae). Phế cầu là vi khuẩn thường trú trong hầu họng người lớn và trẻ em.
Vi khuẩn này được lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người. Viêm phổi do phế cầu là bệnh cực kỳ nguy hiểm, tỉ lệ tử vong ước tính 10-20%.
Nguy cơ tử vong còn nhiều hơn nữa (trên 50%) ở nhóm có nguy cơ cao là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người già. Khi bị viêm phổi phế cầu, trẻ có triệu chứng ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đàm.
Những triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ.
Cũng theo bác sĩ Khanh, vi khuẩn phế cầu còn gây ra những bệnh nguy hiểm khác ở trẻ em với tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Nếu phế cầu xâm nhập vào não sẽ gây viêm màng não với tỉ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nguy hiểm (giảm thính lực, giảm thị lực, động kinh, rối loạn vận động, tổn thương não vĩnh viễn, não úng thủy...).
Trường hợp phế cầu xâm nhập vào máu có thể gây nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng. Khi phế cầu xâm nhập vào phổi gây viêm phổi, tràn mủ màng phổi thì điều trị vô cùng khó khăn.
Ngoài ra, vi khuẩn phế cầu còn gây viêm tai giữa cấp với tần suất mắc rất cao ở trẻ nhỏ (75-80% trẻ em trước 3 tuổi mắc phải) gây đau đớn và tái phát trên 20% trường hợp. Thậm chí có thể dẫn đến biến chứng viêm xương chũm, viêm màng não, apxe não.
Đặc biệt, vi khuẩn phế cầu ngày càng gia tăng mức độ đề kháng với các loại kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị.
Trong khi để điều trị viêm phổi do phế cầu cho trẻ, bác sĩ phải phối hợp 2-3 loại kháng sinh mạnh ở liều tối đa, chi phí tốn kém mới có thể điều trị khỏi bệnh cho trẻ.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh Theo bác sĩ Hữu Khanh, để bảo vệ trẻ không bị viêm phổi cũng như một số bệnh khác, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và được chăm sóc, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn uống. Gia đình cần chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường sống trong lành nhằm bảo vệ trẻ chống lại các mầm bệnh gây viêm phổi và các bệnh khác (khử sạch không khí ô nhiễm trong nhà, đặc biệt là khói từ các bếp lò không an toàn, nên lắp đặt hệ thống thông gió trong nhà hợp lý hoặc giảm ô nhiễm không khí trong nhà bằng cách sử dụng các thiết bị nấu nướng không tạo khói). Đặc biệt, chủng ngừa văcxin ngừa phế cầu, Hib, ho gà, sởi có thể giúp ngăn chặn đáng kể các trường hợp viêm phổi. Việc tiêm chủng văcxin sớm cho trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh để phòng các loại bệnh do phế cầu gây ra là biện pháp quan trọng nhằm chống lại nguy cơ nhiễm phế cầu, tăng cường bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận