15/10/2014 08:14 GMT+7

​Người Việt ở Mỹ hoang mang vì Ebola

H.TRUNG - C.NHẬT
H.TRUNG - C.NHẬT

TT - Cộng đồng người Việt ở thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) đang hoang mang trước thông tin nữ y tá bị nhiễm virút Ebola là cô gái gốc Việt Nina Phạm.

Một cư dân mạng lập trang Facebook “Help Nina Pham” để kêu gọi mọi người quyên góp tiền giúp cô - Ảnh chụp màn hình Facebook
Một cư dân mạng lập trang Facebook “Help Nina Pham” để kêu gọi mọi người quyên góp tiền giúp cô - Ảnh chụp màn hình Facebook

Theo báo Dallas Morning News, Nina Phạm, 26 tuổi, là người Mỹ gốc Việt, lớn lên trong một gia đình ở làng Bentley, thành phố Fort Worth, bang Texas. Cô là y tá tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian.

Đây là nơi công dân Liberia Thomas Eric Duncan từng được điều trị bệnh Ebola trước khi qua đời hôm 8-10. Nina Phạm là một trong 50 nhân viên y tế được bệnh viện giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc cho Duncan.

Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hiện Nina Phạm đang được điều trị cách ly và trong tình trạng ổn định. Báo New York Times dẫn lời cô Jennifer Joseph, một người bạn của Nina Phạm, cho biết Nina vẫn tỉnh táo, thường trao đổi với các bác sĩ về phác đồ điều trị, nói chuyện với mẹ và người thân bằng phần mềm Skype và nhắn tin trò chuyện với bạn bè.

“Cô ấy vẫn tràn đầy hi vọng - cô Joseph, từng làm việc tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian, khẳng định - Cô ấy không để việc mắc bệnh đánh gục. Cô ấy đang dành thời gian cho riêng mình, nghỉ ngơi và đọc sách”.

Nữ y tá cần mẫn

Cô Joseph mô tả Nina là một nữ y tá cần mẫn và cẩn trọng, chưa bao giờ mắc sai sót nghiệp vụ. Cô tốt nghiệp khoa điều dưỡng Đại học Công giáo Texas năm 2010 và mới lấy bằng y tá chăm sóc đặc biệt hồi tháng 8.

Theo trang web của Hiệp hội Y tá chăm sóc đặc biệt Mỹ, y tá chăm sóc đặc biệt có nhiệm vụ xử lý các “tình huống đe dọa đến tính mạng” và chăm sóc các bệnh nhân “dễ bị tổn thương, bất ổn, đòi hỏi sự chăm sóc cẩn trọng tối đa và thường xuyên”.

Các quan chức y tế Mỹ cho biết những nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Duncan luôn mặc quần áo bảo hộ rất kín và phải thường xuyên tự theo dõi sức khỏe của chính mình.

Hôm 10-10, Nina thấy mình bị sốt nhẹ nên đã lập tức lái xe tới phòng cấp cứu của bệnh viện. Cô được đưa vào điều trị cách ly 90 phút sau đó. Nina mới được truyền máu của bác sĩ Kent Brantly, người nhiễm virút Ebola từ Liberia và phục hồi được sức khỏe.

Vẫn chưa rõ Nina nhiễm virút như thế nào. Trước đó bác sĩ Thomas Frieden, giám đốc CDC, cho rằng cô đã mắc sai sót nghiệp vụ, có thể là đã cởi mũ bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân Duncan.

Phản ứng lại, Hiệp hội Y tá Texas cho rằng ông Frieden đã sai khi chỉ trích cô Nina, bởi trên thực tế vẫn chưa rõ nguyên nhân. Sau đó ông Frieden đã phải lên tiếng xin lỗi và khẳng định các nhân viên y tế tình nguyện chăm sóc bệnh nhân Ebola là “vô cùng dũng cảm”.

Giám đốc CDC cũng cho rằng Mỹ cần phải xem xét lại cơ chế phòng chống dịch bởi chỉ một vụ lây nhiễm cũng là “không thể chấp nhận được”.

Nguồn tin báo chí địa phương cho biết gia đình Nina Phạm sống rất kín tiếng, do đó đến nay chưa phát biểu công khai gì với báo chí. Tuy nhiên, một số người bạn của gia đình cho biết mẹ của Nina bị sốc nặng khi biết tin con nhiễm bệnh và liên tục khóc than.

Trước đó, gia đình không hề lo lắng nguy cơ cô nhiễm virút khi chăm sóc cho bệnh nhân Duncan. Một người bạn cho biết mẹ của Nina đã kêu gọi bạn bè cầu nguyện cho cô.

Nhân viên y tế Mỹ tẩy trùng căn hộ của nữ y tá gốc Việt Nina Phạm - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế Mỹ tẩy trùng căn hộ của nữ y tá gốc Việt Nina Phạm - Ảnh: Reuters

Cộng đồng Việt lo ngại

Trong những bức ảnh chụp với gia đình, bạn bè và chú cún cưng Bentley, Nina luôn cười rất tươi. Hiện nhà chức trách thành phố Dallas đã đưa chú chó Bentley tới một địa điểm trong thành phố để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Báo chí địa phương cho biết cộng đồng người Việt ở Dallas rất lo ngại trước thông tin về Nina. Một số người dân ở giáo xứ Đức mẹ Fatima tại Fort Worth, nơi gia đình Nina sinh sống, đang hoang mang vì đã tiếp xúc trực tiếp với mẹ của Nina mấy ngày vừa qua.

“Nhiều người gốc Việt không nắm rõ thông tin về dịch bệnh này nên đang rất bối rối” - New York Times dẫn lời ông Tom Hà thuộc giáo xứ Đức mẹ Fatima.

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, anh Henry Đinh, sinh viên Đại học UTD ở Dallas, cho biết rất buồn khi nghe thông tin này.

“Tôi và bạn bè đều sốc và có phần lo lắng vì dịch bệnh Ebola đã xuất hiện rất gần kề mình. Một trường tiểu học gần nhà đã phát thông báo về tình trạng an toàn của trường cho phụ huynh” - Henry kể. Anh khẳng định nhiều người dân thành phố vừa lo sợ vừa giận dữ vì việc hàng không Mỹ để lọt một bệnh nhân Ebola nhập cảnh.

Chị Vũ Thị Thúy Anh, sống ở thành phố Houston, cách Dallas bốn giờ chạy xe, kể chị cũng như bạn bè đều rất lo lắng và đau xót khi nghe tin về Nina. Chị và nhiều người gốc Việt tại Texas rất bức xúc vì Bệnh viện Texas Health Presbyterian đã không phản ứng hiệu quả khi tiếp nhận bệnh nhân Duncan

Hơn 4.000 người đã thiệt mạng

Theo AFP, hôm qua một nhân viên LHQ nhiễm Ebola ở Tây Phi đã qua đời tại Đức. Tổ chức Y tế thế giới cho biết đến nay đã có 4.447 người thiệt mạng trong tổng số 8.400 trường hợp nhiễm bệnh ở Tây Phi.

Các nhà nghiên cứu tin rằng cậu bé 2 tuổi Emile, qua đời ngày 23-12-2013 ở làng Meliandou, tỉnh Gueckedou tại Guinea, là nạn nhân đầu tiên của đại dịch Ebola ở Tây Phi.

Hôm qua, Bộ Y tế Canada tuyên bố sẽ thử nghiệm văcxin chống Ebola có tên VSV-EBOV. Một loại văcxin khác do Hãng dược GSK và Viện Y tế quốc gia Mỹ đang thử nghiệm ở Mali.

Hiện chưa có loại thuốc nào được công nhận là chữa trị Ebola hiệu quả, tuy nhiên nhà chức trách Mỹ đã đồng ý sử dụng loại thuốc thử nghiệm ZMapp của Hãng dược Mapp Bio và TKM-Ebola cho các bệnh nhân Mỹ.

Hai nhân viên y tế Mỹ và một nữ y tá Anh được điều trị bằng thuốc ZMapp đã khỏi bệnh, tuy nhiên một nhà truyền đạo 75 tuổi người Tây Ban Nha đã qua đời dù tiếp nhận loại thuốc này. Liberia cũng dùng ZMapp để chữa trị ba bệnh nhân, một đã qua đời.

H.TRUNG - C.NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên