10/01/2005 00:38 GMT+7

Thực phẩm chiếu xạ: an toàn và kinh tế

TRẦN NHƯ PHƯƠNG (Trung tâm Hạt nhân, Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM)
TRẦN NHƯ PHƯƠNG (Trung tâm Hạt nhân, Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM)

TT - Chiếu xạ thực phẩm là một công nghệ đảm bảo an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm và rất kinh tế. Hiện nay trên thế giới có trên 30 nước sử dụng công nghệ này để xử lý và bảo quản hơn 40 loại thực phẩm khác nhau bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc, thịt, gia cầm...

iSPfEraF.jpgPhóng to
Máy chiếu xạ cobalt 60 khá thông dụng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh tư liệu

Thực phẩm chiếu xạ chưa được sử dụng rộng rãi vì ở nước ta cũng như các nước chưa có nhiều dây chuyền cho chiếu xạ thực phẩm. Mặt khác, người tiêu dùng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về tính an toàn của thực phẩm chiếu xạ cũng như còn cảm giác e ngại vì thực phẩm liên quan đến chiếu xạ.

Đối với đa số người dân, khi nghe đến những từ như chiếu xạ, phóng xạ hay đại loại như thế thì thường có cảm giác sợ và liên tưởng ngay đến bệnh ung thư và vô sinh. Nhưng thật ra nếu được cung cấp thông tin đầy đủ thì người dân sẽ nhận thấy không có gì phải sợ vì những ứng dụng của “vật lý hạt nhân” vào các lĩnh vực của đời sống.

Tính an toàn về mặt sức khỏe cũng như lợi ích về mặt kinh tế của thực phẩm chiếu xạ đã được các tổ chức có uy tín của LHQ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương nông (FAO) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nghiên cứu đầy đủ và công nhận.

Chiếu xạ thực phẩm là sử dụng các tia bức xạ (thường là tia gamma) như các viên đạn bắn vào các “bia” ADN của các tế bào của vi khuẩn hay vi sinh vật gây bệnh có trong thực phẩm. Kết quả là làm chúng bị chết.

Các ảnh hưởng của việc chiếu xạ lên thực phẩm và lên người ăn thực phẩm chiếu xạ đã được nghiên cứu rộng rãi và lâu dài tại Mỹ cũng như các nước tiên tiến khác. Những nghiên cứu này cho thấy thực phẩm chiếu xạ có những lợi ích sau:

Thứ nhất, chiếu xạ với liều thích hợp sẽ tiêu diệt được các vi khuẩn và vi sinh vật gây bệnh như E. coli, Trichina, Salmonella (vi khuẩn làm thực phẩm có tính độc)... có trong thịt và gia cầm hay các loại thực phẩm khác, ngăn chặn sự nảy mầm của khoai tây và tỏi, làm chậm quá trình chín của trái cây...

Thứ hai, thực phẩm chiếu xạ không tiếp xúc với chất phóng xạ mà chỉ bị chiếu bởi tia gamma từ nguồn phóng xạ, do đó không thể trở thành “thực phẩm phóng xạ” được.

Thứ ba, sau khi chiếu xạ, thực phẩm không xuất hiện bất kỳ độc tố nào và không có sự thay đổi các thành phần hóa học gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe con người.

Thứ tư, chiếu xạ không làm giảm giá trị dinh dưỡng cũng như các vitamin trong thực phẩm, ngoài ra cũng không có thay đổi nào của acid amin và acid béo...

Thứ năm, các nhà máy sử dụng công nghệ chiếu xạ thực phẩm vận hành theo đúng qui trình an toàn sẽ không gây hại gì đến môi trường xung quanh cũng như không gây ảnh hưởng bất lợi về sức khỏe của công nhân làm việc.

Thực phẩm chiếu xạ cần được trữ và chế biến bình thường như thực phẩm không chiếu xạ. Sau khi chiếu xạ thực phẩm vẫn có thể bị nhiễm các mầm mống gây bệnh (do vậy thực phẩm thường được đóng gói trước khi chiếu xạ) nếu các qui tắc an toàn vệ sinh thực phẩm không được tuân thủ.

Mặt khác, chiếu xạ không giết chết được các virus, chẳng hạn virus gây bệnh bò điên. Chiếu xạ chỉ là một khâu trong một mắt xích từ sản xuất đến tiêu dùng thực phẩm, muốn có thực phẩm sạch thì trước hết nguồn (gốc) thực phẩm phải sạch, tức là từ người nông dân.

Ở nước ta công nghệ chiếu xạ thực phẩm đã được nghiên cứu và ứng dụng từ năm 1985 tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Hiện nay cả nước chỉ có vài ba trung tâm chiếu xạ thực phẩm với qui mô bán công nghiệp.

Vì sự an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm và hiệu quả về kinh tế, chúng ta cần phát triển công nghệ này nhằm phục vụ việc xử lý, chế biến, bảo quản và xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào các thị trường lớn có các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch nghiêm ngặt như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật.

Đồng thời thực phẩm chiếu xạ cũng góp phần tạo ra nguồn thực phẩm sạch và do đó sẽ làm giảm những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đang rất hay xảy ra ở nước ta.

TRẦN NHƯ PHƯƠNG (Trung tâm Hạt nhân, Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên