19/06/2017 10:24 GMT+7

Tăng làm ngoài giờ lên 600 giờ/năm là trái luật

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Bộ luật lao động hiện hành quy định việc làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) cũng chỉ đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa của người lao động lên 400 giờ/năm.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại VN (JBAV) vừa có đề nghị năm 2018, Chính phủ VN không tăng lương mà tăng thời gian làm ngoài giờ lên đến 600 giờ/năm.

Đồng thời hiệp hội cũng cho rằng thời gian nghỉ tối thiểu 60 phút/ngày làm việc cũng chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động. Đề xuất của JBAV nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Theo luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), điểm b khoản 2 điều 106 Bộ luật lao động 2012 quy định tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm.

Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Khi hiệp hội đề xuất tăng làm ngoài giờ lên đến 600 giờ/năm là chỏi với quy định của Luật lao động hiện hành.

“Khi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở VN, sử dụng lao động VN thì phải tuân thủ quy định của Luật lao động VN. Không thể nói vì sản lượng thấp nên phải tăng làm ngoài giờ. Vấn đề là phải đầu tư, nâng cao tay nghề để năng suất lao động cao.

Còn tăng giờ làm như thế nào để đáp ứng được sản lượng doanh nghiệp đã đề ra thì phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật lao động” - luật sư Thảo nói thêm.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng Bộ luật lao động hiện hành quy định việc làm thêm giờ do các bên thỏa thuận, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm.

Nhưng gần đây, tại dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) lần 2, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa của người lao động lên 400 giờ/năm.

“Luật quy định cụ thể và cố định về việc tăng thời gian làm ngoài giờ để người sử dụng lao động căn cứ vào đó mà không ép người lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Thời gian ngoài giờ làm là sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động có quyền làm hoặc không nếu thời gian đó vượt quá sức” - luật sư Nghiêm giải thích thêm.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên