Phóng to |
Xuất, nhập khẩu hàng hóa ở cảng |
Có nợ nhưng không trả!
Trong số 271 tỉ đồng thuế xuất nhập khẩu bị các DN nợ thì thuế xuất khẩu (1,391 tỉ đồng), thuế nhập khẩu (148,4 tỉ đồng), VAT (38,2 tỉ đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (27,4 tỉ đồng), chênh lệch giá (9,5 tỉ đồng), nợ phạt (46,9 tỉ đồng).
Những khoản nợ này phát sinh từ 1992, khi bắt đầu áp dụng Luật thuế Xuất nhập khẩu. Theo luật định, DN được phép làm thủ tục thông quan hàng hoá trước, nộp thuế sau, thời gian ân hạn trong vòng 30 ngày. Thế nhưng, nhiều đơn vị sau khi xuất hoặc nhập hàng xong lại không chịu đến nộp thuế. Và đến nay, tổng số DN mắc nợ đến nay đã lên đến khoảng 1.000.
Các DN nhà nước nợ thuế là do làm ăn thua lỗ, mất khả năng trả nợ. Còn DN ngoài quốc doanh, không thiếu những trường hợp cố tình lợi dụng thời gian ân hạn 30 ngày để xuất, nhập một loạt các lô hàng,"quỵt" tiền thuế rồi "biến" luôn (sau 30 ngày nếu DN chưa trả nợ thuế sẽ không được tiếp tục làm thủ tục HQ).
Trước điều này, nhằm đưa số nợ giảm xuống, Luật thuế XNK sửa đổi, bổ sung không cho ân hạn đối với các mặt hàng tiêu dùng, nhưng vẫn không thay đổi được tình hình.
Đòi bằng cách nào!
Trước tình hình này, Cục HQ TPHCM và các tỉnh, thành khác đã cố gắng đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế bằng nhiều cách như: Trích tài khoản của DN tại các ngân hàng để thu nợ, thu giữ hàng hoá, kê biên tài sản, không làm thủ tục Hải Quan cho DN mắc nợ... đã được nghiên cứu áp dụng nhưng chưa đạt hiệu quả.
Việc tịch thu hàng hoá cũng không làm được vì hầu hết các DN nợ thuế là đơn vị kinh doanh, lâu nay đã không được phép làm thủ tục xuất nhập, lấy đâu hàng hoá để tịch thu? Hải quan cũng chưa thể tịch thu tài sản vì chưa có văn bản hướng dẫn trình tự thủ tục tịch thu cũng như cách phối hợp giữa Hải quan với các ngành công an, toà án, viện KS. Mặt khác, không phải DN nào cũng có tài sản để thu. Toàn bộ "cơ ngơi" của DN có khi chỉ là một góc thuê lại của quán càphê, đặt một cái bàn duy nhất! Thậm chí nhiều DN đã biến mất hẳn, không để lại dấu vết, ngay cả chính quyền địa phương cũng không tìm ra.
Bước đầu, Hải quan TP HCM đã xác định có đến 215 DN "mất tích" cùng khoản nợ 63,171 tỉ đồng. Cho đến nay, công việc thu nợ của Hải quan TP cũng chỉ giới hạn trong việc đôn đốc, lập danh sách các "con nợ" đăng trên báo và dán tại các cửa khẩu. Theo Phòng Nghiệp vụ- Cục HQ TPHCM, quy định ân hạn thuế 30 ngày sau khi thông quan đã tạo ra lỗ hổng cho các DN chiếm dụng thuế. Lẽ ra DN phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc phải có ngân hàng bảo lãnh như hầu hết các nước trên thế giới vẫn làm. Có thế may ra mới hạn chế được phần nào các con nợ khó đòi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận