26/08/2016 13:18 GMT+7

Vụ 9.000 tỷ: Tranh cãi nảy lửa về số tiền 5.490 tỷ

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Ngày 26-8, trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, các luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ và các bị cáo tiếp tục tranh cãi nảy lửa về khoản tiền 5.490 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

VKS giữ nguyên quan điểm nhưng đã phân tích rõ hơn cơ chế xử lý hậu quả của vụ án đối với số tiền này.

Cần thu hồi 5.190 tỷ đồng

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm cho rằng Phạm Công Danh đã cố ý làm trái chuyển số tiền 5.190 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của bà Bích, do đó cần phải thu hồi số tiền này.

VKS cũng lập luận về nguồn gốc của số tiền này: “Ngày 21-8-2013 và 26-8-2013 nhóm bà Bích gửi tiền vào ngân hàng tổng cộng 5881 tỷ để nhận 124 sổ tiết kiệm là có thật. Sau đó, nhóm bà Bích thế chấp 118 sổ tiết kiệm để vay 5.190 tỷ đồng là có thật, toàn bộ số tiền này được chuyển vào tài khoản của bà Bích là hợp pháp”.

Quá trình quản lý số tiền này, ngân hàng VNCB để bị cáo Phạm Công Danh, Hoàng Đình Quyết chuyển 5.190 tỷ đồng chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh và một số tài khoản khác. Việc chuyển tiền này là hành vi trái pháp luật, vì các bị cáo đã làm sai quy định khi không có sự đồng ý của chủ tài khoản.

Nguồn tiền đã bị chuyển trái pháp luật này lại được chuyển đến tài khoản của ông Trần Quý Thanh, kèm theo 80 tỷ tiền lãi. Ông Trần Quý Thanh dùng tiền bất hợp pháp này để trả cho VNCB để thanh lý các khoản vay trong tháng 6 và tháng 7-2013.

Với hành vi trái pháp luật vừa nêu, hậu quả, VNCB bị thiệt hại 5.190 tỷ. Ngân hàng có trách nhiệm trả lại cho bà Bích 5190 tỷ đồng do các cán bộ làm trái, khôi phục lại quyền lợi ban đầu của bà Bích bị xâm phạm.

Tuy nhiên, VKS cũng xác định, số tiền vay trong các hợp đồng được thực hiện từ tháng 6 và tháng 7-2013 đã được tất toán, chính từ tiền trái pháp luật của ông Trần Quý Thanh mà có, nên ngân hàng phải hạch toán lại, để bà Bích chuyển trả lại tài khoản ông Thanh, ông Thanh trả lại cho ông Danh, rồi Danh trả lại tiền cho bà Bích. Như vậy, quyền lợi của bà Bích được đáp ứng.

Theo đó, sẽ phát sinh thêm nghĩa vụ, bà Bích phải trả tiền bà Bích đã vay 21-8 và 26-8 cùng với các khoản vay trong tháng 6 và tháng 7.

Nghĩa vụ của nhóm Trần Ngọc Bích phải trả cho Ngân hàng 5.190 tỷ đồng và theo đó, HĐXX xem xét hủy lệnh kê biên 124 sổ tiết kiệm trong quá trình điều tra vụ án, để tất toán thanh lý các hợp đồng này.

Hậu quả đối với 5.190 tỷ đồng được khắc phục

“Các hành vi trái pháp luật nêu trên, vi phạm quy định nhà nước về hạch toán, kế toán, chúng tôi khẳng định các hành vi là trái pháp luật. Các bị cáo bị khởi tố hành vi cố ý làm trái là có căn cứ”- Đại diện VKS khẳng định.

Nếu HĐXX chấp nhận, tuyên thu hồi số tiền từ nhóm Bích đã vay, có nghĩa, hậu quả đã được khắc phục, và tính nguy hiểm không còn, do đó, đề nghị HĐXX cân nhắc, phân tích và nghị án, đề nghị xem đây là tình tiết giảm nhẹ để giảm nhẹ cho các bị cáo.

VKS cũng khẳng định lại, hành vi của bị cáo Danh và các đồng phạm là gây thiệt hại, và hậu quả được cơ quan tố tụng thu hồi.

Về số tiền 300 tỷ đồng mà Mai Hữu Khương, giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn đã tự ý chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản vay của các chủ sở hữu thực sự, đại diện VKS cho rằng qua kiểm tra, không có hồ sơ vay. Hồ sơ mà VNCB cung cấp, là những tài liệu không liên quan trong vụ án này.

“Việc bà Bích cho Danh vay là chưa có cơ sở vững chắc,  Khương là người thực hiện hành vi trái pháp luật mà không có chứng từ hồ sơ vay, nên việc truy tố hành vi cố ý làm trái là có căn cứ”. 

Danh chính là người tiếp nhận số tiền và sử dụng khoản tiền này, Danh phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền 300 tỷ này.

Bà Bích: Tiền vay tháng 6, 7-2013 đã được tất toán!

Trước đó, bà Trần Ngọc Bích và các luật sư bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho bà Bích đã có phần tranh luận liên quan đến vấn đề này. Bà Bích khẳng định các khoản vay trong tháng 6, 7 đã được tất toán trên sổ sách của ngân hàng xây dựng. Nghĩa là các cá nhân vay tiền đã không còn nợ ngân hàng xây dựng.

Nếu ngân hàng xây dựng đã làm sai mà buộc cá nhân chịu trách nhiệm là không được. Bà Bích tiếp tục khẳng định: “Tiền của tôi, nếu tôi không chuyển, thì không ai được chuyển tiền này của tôi, và không ai có quyền thay đổi sở hữu hợp pháp của tôi”.

Ngay sau khi nghe được ý kiến lập luận này, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) lấy ví dụ về khoản tiền 5.190 tỷ: “Chúng ta cứ nghĩ 5.190 tỷ là tiền trong túi phải của bà Bích, sau đó tôi chuyển sang túi bên trái của bà Bích, sau đó tiền bên phải thì bà Bích yêu cầu ngân hàng phải trả, tiền trong túi bên trái thì bà Bích nói đó là tiền của bà, không được thu hồi.

Bây giờ bà Bích nói không có chứng từ thì khoản tiền này không chuyển đi được, ngân hàng đã cung cấp tất cả chứng từ và ghi số rõ ràng và ông Vũ Anh Tuấn là nhân viên của Tân Hiệp Phát đã ký nhận.

“Tôi đề nghị không phải khôi phục thu hồi gì, chỉ cần bà Bích trả chứng từ này. Bà Bích không trả chứng từ là nhằm mục đích chiếm đoạt”. Bị cáo Quyết nói.

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên