27/07/2016 12:09 GMT+7

Xử đại án 9.000 tỉ: Thẩm vấn những khoản vay của Trần Ngọc Bích

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Trong phiên xét xử vụ Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), HĐXX đã thẩm vấn những khoản tiền gửi, vay của Trần Ngọc Bích, giám đốc Tân Hiệp Phát tại ngân hàng này.

Bà Trần Ngọc Bích tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Bà Trần Ngọc Bích tham dự phiên tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Hùn vốn trăm tỉ, chỉ thỏa thuận miệng!?

Trong phần thẩm vấn tại tòa sáng 27-7, bà Trần Ngọc Bích, nữ giám đốc Tân Hiệp Phát cho rằng, bà được những cộng sự làm cùng công ty Tân Hiệp Phát và người thân ủy quyền để hợp tác làm ăn “bằng miệng”, không có hợp đồng, không thỏa thuận bằng văn bản. Nhóm này tin tưởng nên để Bích quản lý dòng tiền vay để làm ăn.

Theo đó, trong số 3.100 tỉ đồng được nhóm này thế chấp các sổ tiết kiệm để vay lại vào ngày 21-8-2013, Bích khẳng định nhóm vay để hợp tác làm kinh tế gia đình.

Trong hợp đồng vay ngày 21-8-2013, với khoản vay 3100 tỉ đồng, tiền này vẫn được để trong tài khoản của Bích, đến tháng 7-2014, Bích được cơ quan điều tra báo cho biết tiền của mình không còn trong tài khoản, Bích mới biết tiền đã được chuyển đi.

Tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng trong buổi thẩm vấn trước, Bích khẳng định số tiền vay ngày 21-8 nhằm để trả nợ cho khoản vay ngày 21-6. Tại tòa sáng nay, bà Bích khẳng định không khai như vậy.

Đây là phần thẩm vấn đối với bà Trần Ngọc Bích:

VKS: Bà gửi vào ngân hàng lãi suất bao nhiêu?

Bà Bích: Khoảng từ 9-10%/năm.

VKS: Lãi suất vay ra bao nhiêu?

Bà Bích: Cộng thêm 0.5% trên lãi tiền gửi, từ 9,5 đến 11,5%/năm.

VKS: Mục đích vay để làm gì?

Bà Bích: Tại thời điểm tháng 12-2012, tôi có nhu cầu đầu tư nên thế chấp các sổ tiết kiệm để vay ra. Đến giờ tôi không nhớ là vay bao nhiêu.

VKS: Việc gửi vào vay ra có quá trình tương đối dài, cáo trạng xác định khoảng từ 16.000 đến 17.000 tỉ. Do đó, VKS chỉ hỏi về những khoản vay, gửi liên quan đến 5190 tỉ đồng. Ở khoản vay 3100 tỉ, bắt đầu gửi tiền vào từ khi nào?

Bà Bích: Các sổ tiết kiệm được thế chấp cho khoản vay ngày 21-8-2013 đã được gửi trước đó. Tôi gửi tiền giúp nhiều cá nhân, không nhớ rõ gửi khi nào.

VKS: Những người gửi tiền và ủy quyền cho bà có quan hệ thế nào với bà?

Bà Bích: Những cá nhân gửi tiền và vay tiền tại VNCB là những cộng sự của tôi.

VKS: Cộng sự hay người làm thuê?

Bà Bích: Giao dịch này là cộng sự, một số người làm chung tại công ty Tân Hiệp Phát nhưng cũng có những người không phải nhân viên công ty.

VKS: Tiền gửi này là tiền riêng của họ hay tiền của bà, hay của Tân Hiệp Phát?

Bà Bích: Đây là tiền sở hữu của họ. Chắc chắn, chính xác.

VKS: Họ cầm cố sổ tiết kiệm để làm gì?

Bà Bích: Chúng tôi gửi và vay ra để đầu tư kinh doanh.

VKS: Người ta gửi tiền, vay tiền đưa cho bà như vậy có hợp đồng gì không?

Bà Bích: Chúng tôi thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhau, chỉ là thỏa thuận miệng, không có giấy tờ.

VKS: Vậy việc ăn chia thế nào. Việc thanh toán hợp đồng, chi phí ra sao?

Bà Bích: Tôi có các dự án đầu tư, các nhà máy mới, tôi có mời hợp tác. Khi các dự án hoạt động thì phân chia lợi nhuận của từng người.

VKS: Khoản vay ngày 21-6-2013 với tổng số tiền 3100 tỉ đồng sử dụng vào việc gì?

Bà Bích: Chúng tôi xin vay ra với nhu cầu là kinh doanh kinh tế gia đình.

VKS: Thực tế có rút số tiền này về không?

Bà Bích: Không rút. Nhưng khi vay tiền để làm kinh tế, chúng tôi hiểu rằng làm kinh tế gia đình là làm gì có lợi.

Theo đó, bà Bích cho biết, khi vay của ngân hàng bà phải trả lãi từ 9,5 đến 11,5%/năm, nhưng khi cho Trang vay thì bà cho vay với lãi suất 1,5%/tháng.

Bà Bích khai không đúng!

Đó là khẳng định của bị cáo Hoàng Đình Quyết, phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn. Quyết cho rằng khoản vay của nhóm bà Trần Ngọc Bích được thực hiện vào ngày 21-8 nhằm để tất toán cho khoản vay ngày 21-6. Khoản vay ngày 21-6 là Bích vay để cho Phạm Công Danh vay.

“Về hợp đồng tiền gửi ngày 21-8, thường vào ngày vay, phía bà Bích yêu cầu bị cáo lập hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn. Bị cáo chỉ để lãi suất có kỳ hạn 3%, đây là hợp đồng khống, trong khi bà Bích biết rằng gửi tiền bằng sổ tiền kiệm thì lãi suất được 6%”.

Bị cáo Quyết lập luận rằng, tiền vay của bà Bích bằng thế chấp sổ tiết kiệm thì lãi suất cao hơn rất nhiều so với hợp đồng tiền gửi mà bà Bích yêu cầu bị cáo Quyết lập, do đó đây là điểm hết sức vô lý đối với người vay tiền để làm ăn kinh doanh.

Ngoài ra, liên quan đến việc thế chấp 6 sổ tiết kiệm của các cộng sự bà Bích vào VNCB để vay 300 tỷ đồng, bà Bích cho rằng bà không hề yêu cầu vay số tiền này. Đại diện VKS đã trưng ra bằng chứng hồ sơ đề nghị vay vốn được fax từ tập đoàn Tân Hiệp Phát cho VNCB mà bị cáo Mai Hữu Khương (Phó tổng giám đốc của VNCB) nhận được.

Trước bằng chứng này, bà Bích cho rằng do bản photo mờ nên bà không thể xác nhận gì. Bà Bích cũng nói không nhớ số fax của công ty.

Sau đó, VKS thẩm vấn đối với nhóm cộng sự của bà Bích, gồm ông Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang… những người này đã gửi 300 tỉ đồng vào VNCB.

Tại tòa, họ đều thừa nhận rằng toàn bộ tiền mà họ có đều là do ông Trần Quý Thanh cho mượn. Khi gửi tiền vào ngân hàng, họ thỏa thuận với ngân hàng về việc chuyển lãi cho ông Trần Quý Thanh.

Cả 3 người này đều phủ nhận việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại tiền của VNCB, nhưng họ đều không trả lời được tại sao các sổ tiết kiệm mà họ sở hữu lại nằm trong ngân hàng VNCB.

Mặt khác, VKS cũng xét hỏi thêm đối với Nguyễn Tấn Lộc, Vũ Tuấn Anh, được cho là nhân viên của bà Bích rất nhiều lần nhận tiền lãi của VNCB, trong đó có những khoản ghi rõ là tiền lãi ngoài của 300 tỉ đồng.

Nhưng trước bằng chứng này, những người này đều phủ nhận, và cho rằng chữ ký thì đúng, nhưng mục đích ký số tiền thì được viết chèn thêm vào.

Ngoài ra, VKS đưa ra giấy vay tiền có chữ ký của bà Dung, nhưng bà Dung bảo đây không phải chữ ký của tôi!

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên