21/04/2016 07:48 GMT+7

Vụ truy tố chủ quán Xin chào: Có phần vội vã và máy móc

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Liên quan vụ chủ quán cà phê Xin Chào bị truy tố tội kinh doanh trái phép,  sáng nay 21-4, Công an TP.HCM tổ chức cuộc gặp mặt báo chí để trao đổi về vụ việc này.

Ông Phan Anh Minh chủ trì buổi họp báo - Ảnh: Gia Minh
Ông Phan Anh Minh chủ trì buổi họp báo - Ảnh: Gia Minh

 

Công an TP.HCM: Công an Bình Chánh có vội vã, máy móc

Phát biểu tại cuộc họp báo, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM khẳng định căn cứ để khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh là có.

Tuy nhiên, theo ông Quang, đúng là cơ quan cảnh sát điều tra công an H.Bình Chánh có máy móc, vội vã trong xử lý. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng phải chờ Toà án, khi đó công an TP sẽ phối hợp để có đường hướng xử lý.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng chia sẻ về cái tâm của người tiến hành tố tụng. Đôi khi thấy điều luật bất cập, nhưng người tiến hành tố tụng có đủ can đảm để không áp dụng hay không?

Nếu không áp dụng, không thực hiện thì hậu quả chính họ phải gánh chịu nên đòi hỏi lòng dũng cảm trong trường hợp này là vô cùng khó. Ông Minh chia sẻ về những "đòn đau" mà ông từng phải gánh chịu khi không áp dụng các điều luật "hợp pháp" mà không "hợp lý" trước đây.

Xử lý hình sự hết thì rất khó

* Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Biên bản lần thứ nhất có hành vi kinh doanh không đủ đăng ký và giấy chứng nhận, nhưng lần hai thì không có xác lập hành vi liên quan thì cơ sở nào để xử lý hình sự ông Tấn?

Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra: Biên bản ngày 17-8-2015 có bốn hành vi. Biên bản ghi nhận sự việc ngày 10-9 có ghi hoạt động kinh doanh chưa có GCN đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Phải xác định điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là ông Tấn đã đáp ứng về giấy phép kinh doanh. Riêng cái đủ, là GCN cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn thiếu.

Về câu hỏi công an H.Bình Chánh có hơi nôn nóng, vội vàng hay không, ông Thông nói: Đúng là cần cân nhắc có cần thiết phải xử lý hình sự hay xử lý theo hình thức khác phù hợp. Cái này sẽ rút kinh nghiệm.

Tại cuộc họp báo, thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định ông Tấn đã cố ý vi phạm. Đây là yếu tố để xử lý hình sự.

"Tôi thừa nhận xử lý của Công an huyện Bình Chánh có cứng nhắc, vội vàng, không thuyết phục. Tôi sẽ làm việc với họ sau khi có phán quyết cuối cùng của vụ án", ông Minh nói.

Có báo cũng đặt câu hỏi liên quan căn tin của Công an H.Bình Chánh có đủ các loại giấy tờ có liên quan kinh doanh hay không nhưng ông Minh từ chối trả lời câu hỏi này, vì ông không quản lý.

Đại diện VTC News cũng đặt câu hỏi hiện TP có rất nhiều quán vi phạm tương tự như ông Tấn, Công an TP có phát hiện, xử lý?

Thiếu tướng Phan Anh Minh đáp: "Tôi không thống kê hết, Công an cũng không thể phát hiện hết để mà xử lý. Địa điểm kinh doanh của ông Tấn nằm đối diện trụ sở Công an H.Bình Chánh nên dễ phát hiện, xử lý".

Theo ông Minh, công an TP có yêu cầu các địa phương kiểm tra tình trạng kinh doanh hợp pháp các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm như karaoke, massage, trò chơi bắn cá...

Việc kinh doanh trái phép, vi phạm hành chính về cái này rất nhiều. Nhưng để xử lý hình sự hết thì rất khó.

Không có động cơ lạm quyền

 

* Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Hành vi của ông Tấn có nghiêm trọng, nguy hiểm tới mức Công an H.Bình Chánh phải kiểm tra, xử lý cấp tập như cao điểm tấn công trấn áp tội phạm như vậy hay không?

Thiếu tướng Phan Anh Minh: "Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện rất nóng. Loại vi phạm này, Công an TP có giao chỉ tiêu. Phần được xử lý về vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm nhiều hình thức, mức độ, trong đó có xử lý hành vi kinh doanh trái phép".

"Hành vi của ông Tấn là chưa gây hậu quả gì cho ai. Nhưng điều luật quy định là không cần hậu quả vẫn có thể bị xử lý hình sự. Tính chất nguy hiểm ở đây là ông Tấn đã nhận thức được mà vẫn cố ý thực hiện".

"Tôi sẽ làm việc về sự vội vàng của Công an Bình Chánh. Nhưng như tôi nhấn mạnh là cơ sở này nằm đối diện trụ sở Công an H.Bình Chánh nên mọi hoạt động của quán công an đều nắm được".

"Nếu công an không xử lý, tôi hoặc nhiều người khác sẽ hỏi vì sao vi phạm công khai như thế mà các anh không xử lý được. Nói vui như kiểu: Chuyện nhỏ xíu này còn không làm được thì làm được cái gì?"

"Tôi thừa nhận tính chất nguy hiểm của hành vi là không lớn, luật cũng quy định không cần phải cách ly và tới đây khi áp dụng Bộ luật hình sự mới thì hành vi này không còn bị xử lý hình sự nữa". 

Còn về việc có suy luận đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm quyền, ông Minh trả lời: Nếu khởi tố là có căn cứ thì không thể quy kết là lạm quyền. Còn về động cơ của lạm quyền thì căn tin của Công an và quán Xin Chào là khác nhau. Căn chỉ phục vụ nội bộ, khách bên ngoài không được vào sử dụng.

Phóng viên báo Pháp luật TP khẳng định ở căn tin cơ quan công an có thể cho khách bên ngoài tự do vào, ông Minh tái khẳng định mục đích chính của căn tin là phục vụ nội bộ. Tuy nhiên, người tới làm việc có thể sử dụng.

"Tôi có phê phán đại tá Quý trả lời báo chí sợ "Cò" bao vây Công an Bình Chánh do quán này. Nói như vậy là không nên. Vì có vi phạm thì xử lý. Không được vì lý do ngăn ngừa cò mà xử lý cơ sở kinh doanh mà không có căn cứ pháp luật", ông Minh nói.

Theo ông Minh: "Không nên để các suy diễn khiến vấn đề trở nên quá nóng. Có ý kiến cho rằng vụ án này ngăn cản người nghèo thì tôi nói không có cơ sở nào như ông Tấn, số vốn đầu tư như thế là người nghèo được". 

"Quy định là mọi tội phạm phải bị phát hiện và xử lý. Nếu tôi phê phán Công an H.Bình Chánh thì sao làm được. Tuy nhiên, quy định pháp luật và thực tiễn đòi hỏi người thi hành phải có sự hi sinh, có dũng khí để quyết định".

Ông Tấn sẽ không bị cản trở kinh doanh

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng giải thích về điều 159 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội kinh doanh trái phép. Cho rằng đây là tội ít nghiêm trọng, hình phạt chỉ là phạt tiền hoặc không giam giữ. 

Điều luật này đã được Quốc hội bỏ từ 1-7-2016, trừ một số trường hợp được quy ra các tội danh khác. Thực tế hành vi kinh doanh không đăng ký hầu hết không bị xử lý hình sự, mà chỉ xử lý hành chính.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Nghị Quyết 109 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại quy định một số điều không có quy định áp dụng ngay. 

Do đó, nếu nói vụ án này giải quyết như thế nào thì tôi khó tìm ra căn cứ để kết thúc. Nếu bị tuyên có tội, ông Tấn không bị cản trở kinh doanh. Vì cao lắm là cải tạo không giam giữ nên chúng ta không nên làm cho phức tạp, ông Minh nói.

Ông Minh cũng đề nghị báo chí "không tốn nhiều công sức, giấy mực cho vụ án này".

Phải tôn trọng tòa án

Ông Minh nêu quy định về danh mục thực phẩm có nguy cơ cao theo Quyết định của bộ trưởng bộ Y tế năm 2006. Tuy nhiên, các quy định này hiện đang rất rối, mâu thuẫn và không điều chỉnh hết, sau này Bộ Y tế ban hành tiếp các văn bản khác để điều chỉnh.

"Quy định mới có những điều chỉnh, quy định về các loại kinh doanh cố định, cửa hàng ăn uống có sử dụng thực phẩm có chế biến thực phẩm để người tiêu dùng sử dụng thì phải đăng ký. Chúng tôi có trao đổi, tranh luận với nhau rất nhiều".

"Ví dụ như bán cà phê, có pha chế, sử dụng nước đá cũng thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trái ngược với các xe bán hàng rong thì lại không cần thiết" - ông Minh nói.

Công an đã thảo luận với Phòng Y tế H.Bình Chánh, ông Tấn cũng đồng ý, thể hiện là đã làm hồ sơ đi xin cấp GCN. 

Việc kinh doanh đồ uống có chế biến vào ngày 10-9, đã được xác lập đầy đủ. Chỉ riêng hoạt động kinh doanh thức uống có chế biến này đã đủ để xử lý, vì kinh doanh thức uống này cũng cần giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Minh cho biết hiện toà án nhân dân H.Bình Chánh đã lên lịch xét xử vụ án này.  Cũng theo ông Minh, nếu toà án kết luân Công an Bình Chánh sai thì Công an TP sẽ căn cứ vào đó để xử lý theo chỉ đạo của Bí thư thành uỷ.

Theo hồ sơ, tới nay, sau khi có kết luận điều tra, ông Tấn không có khiếu nại. Cũng không khiếu nại cáo trạng nhưng lại "mượn" cơ quan truyền thông để ngồi đây mổ xẻ.

"Chúng ta không làm thay toà án. Phải tuân theo Luật pháp. Khi đọc vụ án, tôi cũng có những bứt rứt, nhưng phải tôn trọng toà án. Hiện dư luận rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo. Bí thư thành uỷ có chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND kiểm tra", ông Minh nói.

Theo ông Phan Anh Minh, thẩm quyền xem xét đính chính, rút cáo trạng là thẩm quyền của VKS. Bộ trưởng Công an cũng chỉ đạo đề xuất phương án, nhưng công an báo cáo phải tham vấn VKS TP chứ Công an TP không đưa ra được phương án.

Khởi tố vì không đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm

Thiếu tướng Phan Anh Minh tóm tắt vụ án như sau: Năm ngày sau khi quán Xin Chào - đối diện trụ sở Công an H.Bình Chánh khai trương (bán nước giải khát, thức ăn sáng, ăn trưa) ngày 13-8 Công an H.Bình Chánh kiểm tra điểm kinh doanh này.

Ghi nhận vi phạm đầu tiên của quán là kinh doanh mà chưa có giấy phép kinh doanh. Ngày 17-8, qua làm việc thêm với chủ quán, Công an H.Bình Chánh xác lập thêm bốn hành vi vi phạm khác. Ngày 18-8, Công ah H.Bình Chánh ra quyết định xử phạt quán về 5 hành vi.

Ông Phan Anh Minh nhấn mạnh ông Tấn đã chấp hành nộp phạt, không có khiếu nại nên không có thắc mắc gì về "tiền sự" này.

Ngày 19-8, ông Tấn được UBND H.Bình Chánh cấp giấy chứng nhận (GCN) đăng ký kinh doanh hộ cá thể.

Ngày 22-8, ông Tấn ý thức được, đã tự đi làm thủ tục hướng dẫn kiến thức cho nhân viên. Ngày 4-9, ông Tấn nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên hồ sơ này chưa đủ thủ tục về diện tích, khoảng cách khu vực chế biến thực phẩm, quy trình chế biến một chiều (đầu vào, đầu ra đi theo một chiều).

Hồ sơ được tiếp nhận theo cơ chế một cửa một dấu, văn phòng tiếp nhận chuyển phòng Y tế nhưng Phòng y tế không đồng ý cấp GCN do không đủ điều kiện.

Ngày 10-9-2015, Công an H.Bình Chánh phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra, xác lập hành vi vi phạm kinh doanh không có GCN đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và các vi phạm khác.

Tuy nhiên, chỉ có vi phạm không có GCN cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm bị xử lý. Đây là cơ sở để khởi tố vụ án hình sự.

Buổi họp báo sáng 21-4 - Ảnh: Gia Minh
Buổi họp báo sáng 21-4 - Ảnh: Gia Minh

Cuộc họp báo bắt đầu

Thiếu tường Phan Anh Minh - phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết sau khi báo chí đăng tải, Công an TP.HCM đã tổ chức hai tổ công tác độc lập để nghe Công an H.Bình Chánh báo cáo và kiểm tra, đánh giá hồ sơ, tài liệu chứng cứ liên quan tới vụ án chủ quán cà phê Xin Chào bị xử lý hình sự tội kinh doanh trái phép.

Tối 20-4, nguồn tin từ Công an TP.HCM cho biết, Công an TP.HCM đã có văn bản báo cáo lãnh đạo thành uỷ TP.HCM và lãnh đạo Bộ Công an về vụ án chủ quán cà phê Xin Chào - H.Bình Chánh, TP.HCM bị khởi tố tội kinh doanh trái phép

------------

Theo báo cáo của Công an TP.HCM thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Nguyễn Văn Tấn là có căn cứ pháp lý.

Theo công an TP, hồ sơ vụ án và các quyết định liên quan đã được Viện KSND H.Bình Chánh phê chuẩn, vụ án đã kết thúc điều tra và Viện KSND đã ra cáo trạng truy tố bị can. Do đó, thẩm quyền thuộc Viện KSND H.Bình Chánh.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM sẽ phối hợp với Viện KSND TP - hai cơ quan cấp trên của các cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp để nghiên cứu kỹ hồ sơ này và có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, liên quan tới nội dung ông Tấn khiếu nại, cho rằng UBND H.Bình Chánh đã không làm đúng, trả lời theo quy định về việc ông nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm vào tháng 9-2015, chúng tôi đã đặt câu hỏi với Chánh văn phòng UBND H.Bình Chánh về vấn đề này.

Nhưng ngày 20-4, Chánh văn phòng UBND H.Bình Chánh hẹn kiểm tra lại rồi trả lời sau.

Trong khi ông Tấn khẳng định cơ quan chức năng chưa thẩm định cơ sở kinh doanh của ông, chưa trả lời bằng văn bản mà chỉ trả hồ sơ không cho ông, bà Trần Thị Ngọc Vân, chuyên viên Phòng Y Tế, H.Bình Chánh - người thụ lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của ông Tấn khẳng định sau khi ông Tấn nộp hồ sơ ít ngày đã tự xin rút hồ sơ.

Do đó, Phòng Y tế H.Bình Chánh không có văn bản trả lời theo quy định.

Tuy nhiên, tới tối 20-4, ông Tấn khẳng định không tự rút hồ sơ. Theo lời ông Tấn thì ngày 29-9 là ngày hẹn trả kết quả, ông Tấn tới nhận hồ sơ thì bộ phận trả kết quả chỉ đưa bộ hồ sơ không, không có văn bản trả lời. Tới tới nay ông vẫn còn giữ giấy hẹn trả kết quả bản chính.

“Một thế lực nào đó can thiệp để tôi không được cấp giấy chứng nhận này, từ đó mà họ quyết xử lý hình sự tôi”, ông Tấn nói.

 

TS Thái Thị Tuyết Dung (ĐH Luật TP.HCM):

Luật hình sự sửa đổi đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép

Tôi cho rằng việc xử lý sai phạm của cơ quan tố tụng H.Bình Chánh là “tích cực” bất ngờ, cần xem lại, đặc biệt là cách xử lý của Cơ quan điều tra Công an H.Bình Chánh.

Theo quy định, người nào (có thẩm quyền thi hành công vụ) phát hiện vi phạm thì lập biên bản.

Trong khi việc lập biên bản vi phạm lần đầu (ngày 13-8-2015) do hai chiến sĩ công an thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an H.Bình Chánh) thực hiện, với một lỗi kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Nhưng đến ngày 17-8, biên bản thứ hai được lập bởi cán bộ khác (không phải là người đi kiểm tra) với năm lỗi...

Để xử lý hình sự, hành vi vi phạm phải đảm bảo đã bị xử lý lần đầu mà còn tái phạm. Trong lần lập biên bản vi phạm hành chính lần hai, cơ quan chức năng ghi nhận các lỗi sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại, gây hại, sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm.

Như vậy, cơ quan công an cho rằng hộ kinh doanh này vi phạm lần hai với lỗi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Tuy nhiên, theo tôi, không có căn cứ để cho rằng hành vi vi phạm bị tái phạm hay không.

Thông thường khi xử lý hành vi vi phạm, ngoài việc xử phạt, phạt bổ sung, buộc khắc phục hậu quả..., cơ quan chức năng còn cho thời gian để người/tổ chức vi phạm khắc phục, bổ sung các thủ tục, giấy tờ còn thiếu để hoạt động cho đúng quy định.

Trường hợp này, trong thời gian ngắn, cơ quan công an phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra liên tục để xử lý hình sự luôn. Dù không cổ xúy cho việc nương tay với các vi phạm nhưng khó có thể lý giải hợp tình với hành động xử lý “tích cực” trên.

Đặc biệt, Luật hình sự sửa đổi bổ sung sắp được áp dụng đã bỏ tội kinh doanh trái phép, bởi tội danh này không còn nguy hiểm cho xã hội hoặc mức độ nguy hiểm không đáng kể. Thiết nghĩ, cơ quan tố tụng cũng nên xem lại cách xử lý sao cho hợp lý hợp tình.

ÁI NHÂN

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên