26/12/2015 07:41 GMT+7

Kiến nghị tạm giam CSGT thuê giang hồ đánh người vi phạm

ÁI NHÂN - HOÀNG ĐIỆP
ÁI NHÂN - HOÀNG ĐIỆP

TT - Theo luật sư, thượng úy Nguyễn Sỹ Hoài Như bị cáo Như là bị cáo đầu vụ, hành vi có dấu hiệu tội “giết người” mà không bị giam khiến gia đình nạn nhân bức xúc.

Các bị cáo tại phiên tòa (Phạm Sỹ Hoài Như, ngồi hàng đầu bìa phải) - Ảnh: H.Điệp
Các bị cáo tại phiên tòa (Phạm Sỹ Hoài Như, ngồi hàng đầu bìa phải) - Ảnh: H.Điệp

Ngày 25-12, luật sư Phương Ngọc Dũng - Đoàn luật sư TP Cần Thơ, người bảo vệ quyền lợi cho bà Dương Thị Thảo, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Chín - đã gửi bản kiến nghị đến TAND và Viện KSND TP.HCM đề nghị thay đổi tội danh và bắt giam Phạm Sỹ Hoài Như để bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử.

Theo bản kiến nghị, luật sư Dũng cho rằng thông qua phiên tòa ngày 23-12, có hai vấn đề cần điều tra làm rõ.

Thứ nhất, bị cáo Như thuyết phục các bị cáo khác nhận tội thay mình. Thứ hai là vai trò của Trần Tấn Anh Khoa - được cho là đàn anh của đối tượng giang hồ Nguyễn Minh Chung - có liên hệ trong vụ án cần được làm rõ.

Đặc biệt, luật sư Dũng đề nghị cơ quan điều tra hình sự cần thay đổi tội danh đối với Như từ “cố ý gây thương tích” sang “giết người”.

Bởi lẽ căn cứ các bút lục, lời khai tại tòa cho thấy các bị cáo đánh, đấm liên tiếp trong khi nạn nhân ngã gục, thể hiện hành vi cố ý thực hiện tội phạm đến cùng. Cán bộ giám định tại tòa cũng khẳng định: “Đánh vào vùng bụng như thế là cực kỳ nguy hiểm”.

Luật sư Dũng cho rằng trong vụ án này bị cáo Như là bị cáo đầu vụ, bị truy tố với khung hình phạt cao nhất của tội danh, đồng thời có dấu hiệu của tội “giết người” với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy vậy, bị cáo Như lại được áp dụng biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú” là “không đúng quy định pháp luật, gây bức xúc cho phía gia đình bị hại cũng như dư luận”.

Tuy nhiên, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng việc cơ quan này quyết định cho bị can Phạm Sỹ Hoài Như tại ngoại là do đã kết thúc giai đoạn điều tra, xét bị can có nhân thân tốt cũng như những yếu tố khác theo luật.

Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, việc Như tại ngoại không ảnh hưởng đến vụ án nên Viện KSND TP.HCM cho Như tại ngoại.

Khi chuyển hồ sơ sang tòa, phục vụ công tác xét xử, nếu tòa thấy rằng cần thay đổi biện pháp ngăn chặn thì tòa hoàn toàn có thể ra quyết định tạm giam đối với bị can.

Riêng về tình tiết phát sinh tại phiên tòa như việc bị cáo Như đề nghị các bị cáo khác đi đầu thú và nhận tội thay cho mình đã có một phần trong lời khai của các bị cáo, đây là việc cần phải được làm rõ trong quá trình điều tra.

* Ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao):

Nếu đủ điều kiện thì nên cho tại ngoại

Quan điểm của tôi cho rằng nếu bị cáo có nhân thân tốt, có địa chỉ cư trú rõ ràng, không có dấu hiệu bỏ trốn thì có thể cho tại ngoại. Bản chất của việc tại ngoại hay tạm giam chỉ là biện pháp ngăn chặn đối với bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Nếu đó là tội phạm nguy hiểm thì buộc phải có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hiện nay Như đã bị tước quân tịch, không còn là công an nên không còn khả năng tác động làm thay đổi nội dung vụ án, nên cho Như tại ngoại là trong giới hạn và phạm vi của pháp luật.

H.ĐIỆP ghi

ÁI NHÂN - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên